Giảm “sốc” cho giá sách giáo khoa

01/06/2022 - 06:27

PNO - Tác động vào giá sách còn có nhiều yếu tố kỹ thuật khác cũng cần được xem xét thấu đáo.

 


Mấy ngày nay, bạn tôi, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Lâm Đồng, nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh thắc mắc vì sao sách giáo khoa (SGK) năm học tới lại tăng gấp 2 - 3 lần. Cô không biết giải thích thế nào vì hầu hết thầy cô giáo trong trường không rành về giá sách. “Thấy sách khổ to, giấy đẹp cũng thích nhưng nếu giá cao quá thì nhiều phụ huynh sẽ gặp khó khăn, nhất là những gia đình đông con. Năm rồi, do dịch COVID-19 phải học trực tuyến nên nhiều gia đình phải chạy vạy xoay xở mua điện thoại, máy tính cho con. Giờ trong lúc vật giá đang leo thang, thêm chi phí SGK tăng nên người dân không thể không than phiền”, cô chia sẻ.

Chuyện phụ huynh lo lắng về giá sách làm tôi nhớ lại hồi nhỏ. Gia đình đông anh em nhưng mỗi năm, ba mẹ tôi chỉ tốn tiền mua một bộ sách cho người anh cả và chúng tôi cứ thay phiên nhau học. 

Những năm gần đây, chúng ta hay nghe nói việc các thế hệ học sinh dùng chung một bộ SGK dường như là điều không thể. Lúc trước, ở một số trường thuộc vùng tương đối khó khăn, cuối năm học, nhà trường vận động học sinh tặng sách lại cho thư viện trường để các em năm sau sử dụng. Nhưng hai năm nay chương trình học thay đổi, SGK của các lớp thay sách mới cứ thế mà thành… phế liệu.

Ngay cả với sách mới, việc vận động để tặng sách cho các em năm học sau cũng không hề đơn giản. Một số câu lạc bộ tình nguyện đi vận động góp sách mới cho các em ở vùng khó khăn đã vấp phải bất cập. Có bạn trẻ ở câu lạc bộ tình nguyện kể rằng, năm ngoái, các bạn gom được khá nhiều sách từ hai bộ của chương trình mới, nghĩ rằng sẽ giúp ích được học sinh vùng khó khăn. Nào ngờ, các bạn học sinh đó đang học bộ sách thứ ba. Chưa kể ở một số trường, với môn toán thì học sách của bộ này, môn tiếng Việt thì học của bộ kia nên việc “chuyển giao” cho các em năm sau cũng khá phức tạp.

Chung quy lại, SGK có nhiều vấn đề phải chấn chỉnh. Trước tiên, về giá sách. Theo ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, điều cốt lõi là quản lý về giá sao cho chặt chẽ. Đây là mặt hàng thiết yếu cần phải quản lý, đảm bảo giá cả hợp lý, không thể vì lợi nhuận mà nâng giá SGK lên được. Ông cũng nhấn mạnh phải giải quyết ngay vấn đề quản lý nhà nước về giá SGK.

Tại nhiều quốc gia, SGK là mặt hàng được Nhà nước trợ giá nên dù được trình bày dưới bất kỳ hình thức nào, giá cũng rẻ, thậm chí người dân còn được phát miễn phí nhằm hướng tới sự phát triển giáo dục, hỗ trợ phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng để giá SGK không trở thành “gánh nặng” đối với nhiều hộ gia đình, Nhà nước cần có chính sách trợ giá khi in sách. 

Tác động vào giá sách còn có nhiều yếu tố kỹ thuật khác cũng cần được xem xét thấu đáo. Như việc thiết kế phải tránh chỉnh sửa, chỉnh lý nhiều lần và hạn chế việc cho học sinh ghi vào sách để học sinh năm sau có thể sử dụng của năm học trước. Đồng thời giảm những đầu sách không cần thiết. Thực tế, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm… ở các bậc học không nhất thiết phải ban hành SGK cho học sinh, chỉ cần có sách hướng dẫn cho giáo viên.

Cuối cùng, ở các trường, khi năm học kết thúc nên phát động phong trào tặng SGK cho thư viện trường để có thể tặng lại cho các em khóa sau có điều kiện kinh tế hạn chế. Khi hành động tặng sách được lan tỏa, gánh nặng chi phí SGK mỗi đầu năm học mới với mỗi gia đình sẽ nhẹ hơn. 

Trong lúc chờ những giải pháp dài hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng thúc đẩy việc xem xét lại giá SGK, giảm “sốc” cho phụ huynh cũng như tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh kịp thời trước khi năm học mới bắt đầu.  

Đình Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI