Giám sát con ở “tuổi nổi loạn” - Bài 1: Nhờ “thám tử” trông con

10/02/2022 - 06:16

PNO - Do bận việc, không có đủ thời gian để theo sát con cái, nhiều phụ huynh đã tìm đến dịch vụ theo dõi, giám sát con cái. Một số công ty ở TPHCM hiện đang cung ứng “thám tử” có nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu này của khách hàng.

Đêm xuống, khi các nam thanh, nữ tú đổ ra đường vui chơi, các “thám tử” cũng bắt đầu công việc của mình. Họ được giao nhiệm vụ bí mật theo dõi các hoạt động của đứa trẻ và báo cáo thông tin về cho phụ huynh của trẻ. Dịch vụ “thám tử” trông con hiện đang khá phổ biến ở TPHCM.

Theo chân những đứa trẻ “bất trị”
Ngay khi TPHCM xóa bỏ biện pháp giãn cách xã hội, vợ chồng ông N.M.N. (Q.7) cũng bắt đầu lo lắng về hành tung bất định của cô con gái N.T.T.C. (17 tuổi). Là chủ một doanh nghiệp tư nhân, ông N. thường xuyên vắng nhà, đi tỉnh công tác, vợ ông cũng tất bật với việc cùng chồng điều hành doanh nghiệp.

Trong khi đó, T.C. - cô con gái duy nhất của vợ chồng ông N. - càng lớn càng ương bướng. Có lần, bé xin cha mẹ sang nhà bạn cùng lớp để cùng ôn bài nhưng sau đó, vợ chồng ông N. phát hiện con gái mình đang nhậu nhẹt mừng sinh nhật bạn trong một quán karaoke ở trung tâm thành phố. Sau lần đó, cứ vài ngày, T.C. lại kiếm cớ xin đi chơi vào ban đêm. Không thể ngăn cấm con nhưng lại lo con mình ăn chơi hư hỏng, vợ chồng ông N. đã thuê người giám sát con mình vào năm T.C. 16 tuổi.

“Lúc trước, tôi thuê anh xe ôm gần nhà đi theo xem những đêm ra khỏi nhà, con bé làm gì nhưng do xe ôm không có nghiệp vụ nên có hôm mất dấu, có hôm bị cháu phát hiện. Khi biết cha mẹ nhờ người theo dõi, cháu giận chúng tôi rất lâu. Nhưng tôi không thể để cháu tự do bên ngoài được nên đã nhờ đến dịch vụ thám tử trông con” - ông N. kể.
 

Các “thám tử” hóa trang thành đủ dạng người để giám sát các “cậu ấm, cô chiêu”
Các “thám tử” hóa trang thành đủ dạng người để giám sát các “cậu ấm, cô chiêu”

Đêm xuống, anh Thanh Tuấn - nhân viên một công ty cung cấp dịch vụ “thám tử” - và đồng nghiệp của mình lại bắt đầu công việc theo dõi “mục tiêu”. Hai người chạy hai chiếc xe máy so le nhau để cùng bám theo một chiếc taxi “công nghệ” đang chở cô bé T.C. Anh Tuấn và đồng nghiệp nhận diện nhau trên đường qua một ký tự đặc biệt được đánh dấu trên chiếc nón bảo hiểm. Trong hành trình di chuyển từ Q.7 đến Q.1, họ liên tục thay đổi vị trí tiếp cận chiếc xe taxi để đảm bảo không bị phát hiện hoặc mất dấu. 

Đúng như các “thám tử” dự đoán, hôm nay, T.C. không dự sinh nhật bạn ở nhà hàng như đã nói với vợ chồng ông N. mà vào một quán bar ở khu phố Tây. Trong bàn tiệc sáu người, các “cậu ấm, cô chiêu” thoát xác hoàn toàn, không còn là những đứa con ngoan hiền mà thoải mái phì phèo thuốc lá điện tử, uống rượu, nhảy nhót theo điệu nhạc xập xình. 

Điều mà những đứa trẻ không thể ngờ là các “thám tử” đã ghi hình buổi “thoát xác” nói trên. Những hình ảnh này liền được chuyển về cho vợ chồng ông N. Nhìn thấy hình ảnh con gái mình ở quán bar, ông N. không quá bất ngờ bởi đây không phải lần đầu con ông vào những nơi tương tự. Điều khiến ông lo nhất là trong những cuộc vui này, T.C. sẽ bị bạn bè rủ rê sử dụng chất kích thích. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của T.C. bởi chỉ còn khoảng một năm nữa, bé sẽ được cha mẹ cho sang Úc định cư cùng gia đình bên nội.

Ở một hướng khác, hai đồng nghiệp của anh Tuấn cũng đang bám sát T.M.H. - 18 tuổi, ở TP.Thủ Đức - tại một quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng. Cách đây khoảng một năm, H. từng bị xử phạt hành chính về ành vi đua xe trái phép. Từ đó, gia đình đã thuê người giám sát H. nhằm ngăn chặn thanh niên này tụ tập đua xe. 

Gần 22g khuya, khi H. rời quán cà phê chạy một mạch về nhà, các “thám tử” mới yên tâm thở phào, nhắn tin qua điện thoại “bàn giao” cho gia đình. Trong dịp tết vừa qua, mỗi đêm, các “thám tử” liên tục chia ca để bám theo H. khi thanh niên này rời nhà. Có hôm, họ theo dõi H. cho đến 1g sáng, khi H. rời một quán nhậu, trở về nhà.

Những phát hiện bất ngờ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ cung cấp “thám tử” theo dõi, giám sát con cái đang dần nở rộ tại TPHCM, nhất là sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Chỉ cần tìm trên mạng với từ khóa “thám tử giữ con”, người dùng sẽ được cung cấp thông tin hàng chục đơn vị có dịch vụ này ở TPHCM. Giá dịch vụ từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Những ngày lễ, tết, giá có thể tăng gấp ba do các đơn vị phải chi trả chế độ lương cao cho các “thám tử”. 

Theo các “thám tử” chuyên nghiệp, nếu như trước đây, người dân tìm đến dịch vụ “thám tử” chủ yếu là để tìm người mất tích, người thân, vật đánh rơi, thú cưng đi lạc… thì nay, nhu cầu thuê “thám tử” theo dõi, giám sát con cái đang dần phổ biến. Nhờ thuê “thám tử”, nhiều phụ huynh đã có phát hiện bất ngờ về con cái mình và tìm đến chuyên gia tư vấn để có biện pháp xử lý thích hợp.

Năm 2020, bà Đ.T.A. (Q.Gò Vấp) thường xuyên nghe cô giáo phản ánh việc con trai bà trốn học. Để biết con mình trốn học làm gì, bà A. quyết định chi 3,5 triệu đồng thuê “thám tử” theo dõi con liên tục trong năm ngày. Khi theo dõi, các “thám tử” phát hiện cháu T.A.T. (con bà A.) là một đứa trẻ nghiện game khá nặng. Sau giờ học, T. thường tranh thủ ghé vào tiệm game chơi một giờ trước khi về nhà. Không chỉ vậy, có những hôm, T. không vào trường mà chạy xe một mạch đến tiệm game và ngồi ở đó cho đến giờ tan học. Ở nhà lo buôn bán, bà A. không hề hay biết cậu con trai duy nhất của mình đã nghiện game trong nhiều năm liền. Không chỉ vậy, tiền mua bán hằng ngày của bà A. cũng bị con trai lén lấy đi 
chơi game.

Anh Thanh Tuấn chia sẻ: “Do cha mẹ cháu T. làm nghề buôn bán nên họ không thể biết việc mỗi ngày bị mất 100.000-200.000 đồng. Khi chúng tôi thông tin cho gia đình về việc cháu nghiện game và hay trộm tiền, gia đình đã chuyển cháu vào một trường nội trú để hạn chế việc chơi game và lêu lổng bên ngoài. Nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi và thông tin, còn việc giải quyết thế nào là tùy vào gia đình chứ chúng tôi không tư vấn và can thiệp”.

Các “thám tử” đang giám sát một thiếu nữ đi chơi trong một quán bar tại Q.1 theo yêu cầu của cha mẹ cô
Các “thám tử” đang giám sát một thiếu nữ đi chơi trong một quán bar tại Q.1 theo yêu cầu của cha mẹ cô

Cách đây vài năm, khi nhận hợp đồng giám sát một học sinh 16 tuổi, con một “đại gia” ở Q.5, nhóm “thám tử” của một công ty dịch vụ ở Q.1 đã phát hiện nam sinh này nghiện ma túy khá nặng. Đáng nói, nam sinh này thường đặt mua ma túy qua mạng, người bán thường mang đến một con hẻm gần trường để giao hàng.

Nam sinh này thường sử dụng ma túy ở nhà vệ sinh vào giờ ra chơi nên gia đình và thầy cô không hề hay biết. Hằng ngày, gia đình vẫn đưa đón nam sinh này đi học nên không hề nghĩ đến việc con mình bị nghiện ma túy. Khi được các “thám tử” cung cấp thông tin, họ đã đưa con mình đi cai nghiện tự nguyện và hiện nam sinh này đang sống ở nước ngoài.

Trang web của một đơn vị đang quảng cáo về dịch vụ theo dõi, giám sát con cái
Trang web của một đơn vị đang quảng cáo về dịch vụ theo dõi, giám sát con cái

Ông Nguyễn Văn Nam - giám đốc một công ty có cung cấp dịch vụ “thám tử” ở Q.1 - cho biết các “thám tử” tìm người mất tích, người thân, vật đánh rơi, thú cưng đi lạc… khá dễ dàng và ít trở ngại. Riêng công việc theo dõi, giám sát con cái đòi hỏi “thám tử” phải là người được đào tạo bài bản, nắm rõ luật để biết việc gì mình được phép làm, việc gì không.

“Công việc này không chỉ đơn thuần là âm thầm theo dõi. Có khi, chúng tôi buộc phải xử lý những tình huống pháp lý xảy ra ngoài ý muốn và phải làm sao để không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi những đứa trẻ gặp tình huống nguy hiểm, “thám tử” cũng phải thực hiện việc giải cứu” - ông Nam chia sẻ. 

* Kỳ tới: Những cuộc giải cứu nghẹt thở

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI