Giám sát chặt các trường hợp "chủ ngân hàng là doanh nghiệp lớn”

23/11/2023 - 17:07

PNO - Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, vấn đề cốt lõi là phải quan tâm, giám sát chặt các trường hợp “ông chủ ngân hàng là doanh nghiệp lớn”.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa
ĐBQH Phạm Văn Hòa 

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) quan tâm tới vấn đề sở hữu chéo ngân hàng. Theo ông, đây là vấn đề quan trọng và trong thời gian qua đã có một số ngân hàng vướng phải.

Ông đánh giá cao việc Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉnh lý quy định liên quan tới việc hạn chế chi phối tổ chức tín dụng. Trong đó có quy định về người có liên quan phù hợp với các loại hình quỹ tín dụng; điều chỉnh hệ số sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% thay vì 3% như dự thảo ban đầu. Hay quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có với một số nhóm khách hàng và 15% với khách hàng và người có liên quan...

Tuy nhiên, theo ông, đây là vấn đề lớn nhưng không phải quan trọng nhất. “Cốt lõi là làm sao ngân hàng quan tâm, giám sát nhiều tới những trường hợp “ông chủ của các ngân hàng là các doanh nghiệp lớn”. Không để tình trạng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) nữa”, đại biểu thẳng thắn chỉ ra.

Do đó, phải xem xét cụ thể “ông chủ” của các ngân hàng này và các cổ đông của các “ông chủ” ngân hàng. Ông nêu có dư luận, tiền gửi của người dân vào các ngân hàng này khó đến được tay của người vay và doanh nghiệp vay, song “ông chủ” hay cổ đông của các ngân hàng này thì tiếp cận dễ dàng.

“Nếu không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, khả năng xảy ra như Ngân hàng SCB như chơi”, ĐBQH lo lắng.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) khẳng định chỉnh sửa các quy định về người có liên quan, tỉ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng... là yêu cầu cấp thiết khi sở hữu chéo, “sân trước, sân sau” trong ngân hàng đang là vấn đề nóng, nhiều sai phạm nghiêm trọng trong ngân hàng được phát hiện.

Quy định các nội dung này hướng tới hạn chế thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, hạn chế tập trung cổ phần vào một nhóm cổ đông, tránh tập quyền vào nhóm cổ đông và quản trị, điều hành theo tổ chức nhóm. Việc sửa đổi quy định cấp giới hạn tín dụng, mở rộng  phạm vi khái niệm người có liên quan là một trong những biện pháp hạn chế tình trạng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để cho các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái vay.

ĐBQH đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn, hướng tới mục tiêu xử lý vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cần có các bước chuyển tiếp phù hợp để tránh hiệu ứng tiêu cực với thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) chia sẻ, thời gian qua có hiện tượng tổ chức tín dụng tập trung cho vay lớn 1 nhóm khách hàng, hoặc cho doanh nghiệp "sân sau" vay. Do vậy cần quy định giới hạn cấp tín dụng để tránh rủi ro. Tuy nhiên, việc giảm giới hạn cấp tín dụng xuống 10 - 15% so với hiện tại 15 - 25% sẽ gây tác động đột ngột tới các tổ chức tín dụng và gây khó khăn. Đại biểu cho rằng cần giảm giới hạn cấp tín dụng theo lộ trình có cụ thể.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI