Giám sát… bà bầu

21/06/2019 - 06:00

PNO - Lo sợ những bà mẹ mang thai tiếp tục vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai, công an nhiều xã vùng cao Nghệ An đã phải lên danh sách để theo dõi, giám sát và gặp mặt thường xuyên để phổ biến pháp luật.

Bước chân lầm lỡ

Một ngày cuối tháng 5, chị Cụt Thị A. (trú bản Thảo Đi, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) một mình trở về quê nhà sau một thời gian đi xa khiến nhiều người dân địa phương tỏ ra nghi vấn. Nhiều người vẫn không hiểu đứa con trong bụng A. đã đi đâu sau gần 2 tháng trời rời khỏi địa phương.

Tuổi còn trẻ, song hai vợ chồng A. đã có với nhau 3 đứa con. Không có nghề nghiệp ổn định, cả 5 miệng ăn trong nhà đôi vợ chồng này chỉ còn biết trông chờ vào mấy sào rẫy nay được mai mất. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, năm 2018, A. tiếp tục “vỡ kế hoạch” khi mang bầu đứa con thứ 4 khiến nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền, nợ nần luôn thường trực trong lòng đôi vợ chồng trẻ.

Giam sat… ba bau
Một bà mẹ ở xã Hữu Kiệm tỏ ra ân hận và cam kết không bao giờ sang Trung Quốc bán con dù hết cái ăn trong nhà

Trong cơn túng quẫn, người mẹ 3 con này nảy sinh ý định sang Trung Quốc bán đi đứa con út đang trong bụng của mình để lấy tiền. Sau khi kết nối, A. được Moong Thị Chanh (34 tuổi, trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) đưa đi khám thai và ra giá 70 triệu đồng. Một ngày cuối tháng 4, người mẹ 3 con này ôm bụng bầu cùng Chanh vượt biên sang Trung Quốc để thực hiện ý định của mình.

Cô con gái kháu khỉnh chào đời chưa được bao lâu, A. phải giao con cho kẻ buôn người rồi lĩnh 70 triệu đồng quay trở về Việt Nam. Cả hai không thể ngờ kế hoạch lại bị công an phát hiện khi mới quay về địa phương. Kẻ bị bắt, bị khởi tố; người còn lại rơi vào cảnh sống trong dằn vặt vì quyết định sai lầm của mình.

Ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho hay, gia đình chị A. thuộc diện đặc biệt khó khăn trong xã. Tuy nhiên, cái nghèo không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự đáng buồn trên. Trước khi A. mang bụng bầu rời khỏi địa phương, chính quyền xã này cũng đã phát hiện Chanh thường xuyên xuất hiện trên địa bàn để dụ dỗ, lôi kéo “coi mồi”.

Giam sat… ba bau
Phụ nữ người Khơ mú, những người đã từng sang Trung Quốc bán con và những người đang mang bầu con thứ 3 trở lên là đối tượng nhắm đến của kẻ buôn người

“Tất cả những hoạt động này được tiến hành bí mật, và trao đổi qua điện thoại là chủ yếu nên anh em cũng rất khó theo dõi. Thậm chí, khi phát hiện người mang thai ra khỏi địa bàn nhưng họ báo đi khám thai hoặc đi thăm người thân thì anh em cũng không thể nào đi theo được”, ông Mạnh trăn trở.

Trong ngôi nhà sàn nằm lưng chừng núi, Ven Thị L. (26 tuổi, trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) vẫn chưa hết dằn vặt bản thân khi bế cô con gái chưa đầy 1 tuổi trong tay. Hơn nửa năm trước, L. trở dạ rồi sinh con gái đầu lòng khi chồng đang phải tha hương kiếm tiền. Đứa con mới quen mùi sữa mẹ được vài ngày thì L. quyết định giao cho kẻ buôn người đi bán với giá 40 triệu đồng.

“Cũng may sự việc không thành mới gặp lại được con như thế này”, L. nghẹn ngào nói và cho biết, do cuộc sống hai vợ chồng quá khó khăn, chồng đi làm ăn xa để lại 3 đứa con riêng cho L. một mình chăm sóc. Sợ một mình sẽ không thể nuôi nổi con nên đã nghe theo lời dụ dỗ của kẻ buôn người.

Chia người để giám sát… bà bầu

Giam sat… ba bau
Bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm), nơi được xem là "điểm nóng" của tình trạng buôn bán bào thai

Nhiều tháng nay, công an nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn thường có một danh sách quản lý khá đặc biệt. Những người được liệt kê vào danh sách này không phải là con nghiện, cũng chẳng phải thành phần bất hảo thường xuyên gây rối. Họ đơn giản chỉ là những phụ nữ đang… mang thai. Đây được xem như là một biện pháp tạm thời để phòng ngừa tình trạng mua bán bào thai xảy ra ở địa phương này.

Tan giờ làm, ban công an xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) không thẳng về nhà mà chia nhau mỗi người một hướng đi thẳng tới nhà những người phụ nữ đang mang thai ở các bản để kiểm tra và trò chuyện như thường lệ. Trưởng công an xã Hữu Kiệm Hà Văn Thái cho hay, đồng chí nào được giao phụ trách quản lý phụ nữ nào thì phải đến gặp người đó ít nhất 2 lần mỗi tuần.

“Anh em được giao phải vào tận nhà để xem họ còn ở nhà hay không rồi trò chuyện, phổ biến pháp luật cho họ ít nhất 2 lần mỗi tuần. Có nhiều trường hợp người mang thai đi làm rẫy rồi ở trong đó cả tuần mà quên báo lại, anh em phải lặn lội vào tận nơi để kiểm tra có đúng như vậy không mới yên tâm”, ông Thái nói.

Giam sat… ba bau
Mỗi tuần 2 lần, công an xã phải đến tận nhà những người phụ nữ mang thai để kiểm tra và phổ biến pháp luật

Vị trưởng công an xã này cho biết, bản danh sách theo dõi bà bầu này tập trung chú ý hơn đối với những phụ nữ người Khơ mú, những người đã từng sang Trung Quốc bán con và những người đang mang bầu con thứ 3 trở lên. Đây là những mục tiêu dụ dỗ của những kẻ chuyên đưa phụ nữ qua Trung Quốc bán bào thai.

Ông Nguyễn Hữu Lượng – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, cho biết ngay từ đầu năm 2019, chính quyền xã này đã tổ chức tuyên truyền và cho hơn 200 cặp vợ chồng ký cam kết không đi bán con. “Tuy nhiên các biện pháp này dường như vẫn chỉ là tạm thời, chúng tôi cũng đang kiến nghị sớm có luật để xử phạt những trường hợp đi bán con như thế này để răn đe tốt hơn”, ông Lượng nói.

Phan Ngọc

 
TIN MỚI