Giám sát an toàn vệ sinh ở khu chợ người Hoa lâu đời

15/09/2020 - 14:53

PNO - Sáng ngày 15/9, đoàn giám sát của Hội LHPN TP.HCM đã đến ghi nhận tình hình và góp ý về việc chấp hành các qui định an toàn vệ sinh thực phẩm tại Chợ Thiếc (quận 11).

Trưởng đoàn giám sát là bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ TP.HCM. 

Bà Huyền Thanh cùng đoàn giám sát tại một quầy bán chà bông, giò, chả ở Chợ Thiếc. (Ảnh: Thanh Huyền).
Bà Huyền Thanh cùng đoàn giám sát tại một quầy bán chà bông, giò, chả ở Chợ Thiếc (Ảnh: Thanh Huyền)

Chợ Thiếc được hình thành từ năm 1930, nhằm phục vụ nhu cầu giao thương hàng hoá của bà con người Việt gốc Hoa với các mặt hàng bằng tôn, thiếc  như ống nước, máng xối, xô, thùng... Từ khi ra đời, chợ đã gắn bó sâu sắc với văn hoá người dân địa phương. 

Năm 1986, chợ Thiếc được xây dựng lại, buôn bán đủ loại mặt hàng. Nay, chợ đã xuống cấp gây ảnh hưởng tới hoạt động mua bán của người dân và các tiểu thương.

Trong buổi giám sát, bà Huyền Thanh đánh giá Ban quản lý chợ đã tuyên truyền các qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người kinh doanh và người tiêu dùng tốt; có tổ chức khám sức khoẻ và tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ kinh doanh ăn uống; lưu trữ hồ sơ rõ ràng, đầy đủ; mọi người đến chợ đều mang khẩu trang, được đo thân nhiệt; chợ có bố trí bồn rửa tay ở khu ăn uống…

Đoàn giám sát trò chuyện với các tiểu thương tại khu vực bán thịt tươi sống. (Ảnh: Thanh Huyền).
Đoàn giám sát trò chuyện với các tiểu thương tại khu vực bán thịt tươi sống (Ảnh: Thanh Huyền)

Tuy nhiên, tại Chợ Thiếc vẫn còn một số tồn đọng như: các mặt hàng chà bông, chả lụa không có nhãn mác đầy đủ, trên nhãn mác lại không ghi hạn sử dụng. 

Tại một quầy bán chả, khi được yêu cầu cho xem giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì tiểu thương đưa ra giấy đã hết hạn từ 4 năm trước. Các mặt hàng như đồ chay, bún, bột chiên, há cảo… bà con tiểu thương đều nói hàng mới lấy về để bán trong ngày nhưng không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc của sản phẩm.

Tương tự, tại một quầy bán đồ lòng tươi sống cũng không có hoá đơn chứng minh xuất xứ các mặt hàng.

Đa số các tiểu thương bán các mặt hàng bánh chái, đồ chay rất tự tin về nguồn hàng nhưng lại không có hoá đơn chứng minh xuất xứ sản phẩm.
Đa số tiểu thương bán các mặt hàng bánh trái, đồ chay rất tự tin về nguồn hàng nhưng lại không có hoá đơn chứng minh xuất xứ sản phẩm (Ảnh: Thanh Huyền)

Bà Huyền Thanh đề nghị đơn vị quản lý cần đôn đốc, nhắc nhở bà con tiểu thương làm tốt hơn.

Tham gia cùng đoàn giám sát, bác sĩ Trương Sơn - Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - lưu ý, khu vực nhà vệ sinh của chợ thiếu xà bông rửa tay. Ngoài ra, mặc dù bà con tiểu thương có ý thức bỏ rác vào bọc cột lại nhưng vẫn chưa biết phân loại rác. Ban quản lý chợ nên tổ chức để bà con tiểu thương phân loại rác bằng túi ny lông tự huỷ ngay tại nguồn. 

Các mặt hàng chay này cũng không có hoá đơn xuất xứ sản phẩm. Tiểu thương cho biết hàng vừa mới lấy về và thường bán hết ngay trong ngày. (Ảnh: Thanh Huyền).
Các mặt hàng chay này cũng không có hoá đơn chứng minh xuất xứ sản phẩm. Tiểu thương cho biết hàng vừa mới lấy về và thường bán hết ngay trong ngày (Ảnh: Thanh Huyền)

Ông Phạm Hữu Hạnh, Trưởng Ban quản lý Chợ Thiếc cho biết việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại chợ còn gặp nhiều khó khăn, dù rất cố gắng tổ chức kiểm tra và thực hiện test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu, hàn the…

Thanh Huyền

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI