Giảm phát thải để tăng giá trị

02/04/2025 - 05:54

PNO - Lúa gạo Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, xảy ra cuộc chiến thuế quan giữa các quốc gia, nhu cầu về thực phẩm an toàn và bền vững ngày càng cao.

Nông dân ở TP Cần Thơ dùng máy bay không người lái để chăm sóc ruộng lúa theo mô hình hữu cơ, giảm phát thải - Ảnh: HUỲNH LỢI
Nông dân ở TP Cần Thơ dùng máy bay không người lái để chăm sóc ruộng lúa theo mô hình hữu cơ, giảm phát thải - Ảnh: Huỳnh Lợi

Hơn 3 thập niên qua, Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và 3 năm qua liên tục tạo ra các kỳ tích. Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 9 triệu tấn, mang về hơn 5,7 tỉ USD, xác lập kỷ lục mới sau 35 năm Việt Nam trở lại thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Trong một số thời điểm, giá gạo Việt trong năm qua cao hơn giá gạo Thái Lan và Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh lương thực đứng trước nhiều thách thức. Mỗi khi có biến động lớn về cung - cầu hay có sự thay đổi chính sách bất lợi từ các nước nhập khẩu, giá lúa trong nước lại giảm, tác động trực tiếp đến thu nhập của hàng triệu nông dân.

Chìa khóa để định vị lại gạo Việt là tiếp tục chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế lúa gạo, chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Thay vì định giá gạo chủ yếu dựa trên sản lượng thì cần đầu tư vào chất lượng, thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Nông dân cần tăng trồng lúa sạch, gạo chất lượng để tăng lợi nhuận thay vì chú trọng tăng vụ, tăng diện tích, dùng nhiều loại phân, thuốc có hại.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mang đến kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới.

Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể. Đó còn là sự tích hợp các nguồn lực vật chất, gồm lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ, nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Gia tăng giá trị từ việc sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính để có thể bán tín chỉ các bon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới mang nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường.

Ngoài chú trọng chất lượng và kỹ thuật canh tác, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là vô cùng quan trọng. Các thương hiệu gạo Việt nổi tiếng đã và đang lao đao trước tình trạng làm giả nhãn mác, bao bì tràn lan. Gạo ST25, gạo Cỏ May, gạo A An… là những nạn nhân của tội phạm làm giả. Điều này không chỉ gây thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến lòng tin của người tiêu dùng và các đối tác quốc tế.

Cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, công cụ pháp lý mạnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc gia lẫn quốc tế. Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Bài toán phát triển cây lúa và nâng cao thu nhập cho nông dân được đặt trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại. Chúng ta đang cần nền sản xuất lớn hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp hơn; kết hợp chế biến sâu, đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn từ hạt lúa bằng cách phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm để ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Không gian phát triển lúa gạo đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới và giải pháp mới. Con đường lúa gạo mới là chìa khóa để đảm bảo một ngành hàng bền vững, mang lại lợi ích lâu dài, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ lúa gạo thế giới.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI