PNO - Một trong những vấn đề về ứng xử văn hóa tôi nghĩ là cấp thiết hiện nay chính là thói quen gây ồn ào bất chấp hoàn cảnh, sự khó chịu của những người xung quanh của một bộ phận không nhỏ người dân.
Cách đây không lâu tôi phải nằm viện dài ngày tại bệnh viện N. Phòng tôi có 7 giường và hầu hết bệnh nhân đều có điện thoại "thông minh" để liên lạc với người nhà hoặc lướt web, đọc tin tức, xem hài để thư giãn trong những ngày nằm viện.
Thời gian ấy, thú thật tôi không thể chịu đựng nổi vì sự ồn ào bất kể giờ giấc, đêm hay ngày của những bệnh nhân cùng phòng và thân nhân của họ. Có người gọi video, trò chuyện lớn tiếng với người thân cả giờ đồng hồ, bất kể lúc đó là nửa đêm hay giờ nghỉ ngơi của bệnh nhân khác. Người khác xem tin tức, nghe tấu hài với âm thanh không thể nào to hơn trong khi bệnh nhân ai cũng cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Thậm chí có bệnh nhân hay thân nhân gọi điện thoại rồi lớn tiếng cãi cọ, quát nạt ai đó ở đầu dây bên kia khiến nhiều bệnh nhân khác như tôi phải giật mình và vô cùng khó chịu.
Người dân hát karaoke bằng loa kẹo kéo trên đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân - Ảnh: Sơn Vinh
Chưa hết, có bệnh nhân, thân nhân còn hút thuốc lá ngay trong phòng hay “tế nhị” hơn là vào phòng vệ sinh để hút thuốc. Mùi thuốc lá vương trong phòng lạnh khiến tôi phải lấy tay che mũi dù đã mang khẩu trang. Những ngày tưởng chừng được tịnh dưỡng ở bệnh viện hóa ra lại là thời gian khiến tôi mệt mỏi, căng thẳng vì sự thiếu ý thức, ồn ào, thậm chí là vô cảm với những người xung quanh của một vài bệnh nhân và của cả những người thân nuôi bệnh. Sau 1 ngày cố gắng “chống chọi” với sự ồn ào bất kể giờ giấc, tôi xin chuyển qua phòng khác, chỉ có 3 bệnh nhân, với hy vọng sẽ được yên tĩnh hơn.
Nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", nằm đối diện giường bệnh của tôi là 1 bệnh nhân nam đã vào điều trị hơn 1 tuần trước đó. Bệnh tình có phần thuyên giảm nên nam bệnh nhân này liên tục mở điện thoại xem tin tức với âm thanh to hết cỡ. Có hôm, đã quá 12 giờ khuya nhưng bệnh nhân này vẫn còn mở cải lương với âm thanh rất lớn, trong khi anh ta đã ngủ khì và ngáy o o. Có lúc quá mệt mỏi vì không được yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi đề nghị anh nên mở điện thoại nhỏ tiếng để bệnh nhân khác nghỉ, anh có giảm âm thanh, dù cái sự giảm ấy vẫn đủ sức “tra tấn” những người bệnh như tôi.
Chưa kể tình trạng 1 người nằm bệnh nhưng có lúc có tới 5-6 người nhà tới thăm. Họ tranh nhau nói chuyện, ồn ào như đang ở nhà. Nhiều bệnh nhân hay người thân có khi ra vào phòng hay phòng vệ sinh cứ thản nhiên mạnh tay đóng sầm cửa, kể cả giữa lúc đêm khuya. Dường như chuyện “đi nhẹ nói khẽ” trong phòng bệnh đã là chuyện… xa xỉ trong bệnh viện? Không chỉ ở phòng bệnh, ngay cả khu khám bệnh, sự ồn ào cũng đáng ngại. Nhiều lần ngồi chờ tới lượt khám bệnh, tôi thật sự khó chịu, ngao ngán khi có một số bệnh nhân đi khám bệnh mà vô tư oang oang trò chuyện qua điện thoại. Tiếng ồn ào át cả tiếng gọi số thứ tự, dù cứ cách vài ba phút lại có tiếng loa thông báo của nhân viên y tế đề nghị bệnh nhân giữ trật tự.
Thậm chí ngay cả lúc đang ngồi trong phòng chờ của bác sĩ, có bệnh nhân vẫn rổn rảng trò chuyện, khiến bác sĩ phải liên tục nhắc nhở bệnh nhân nói khẽ, để bác sĩ tập trung thăm khám cho bệnh nhân.
Vừa rồi tôi có chuyến du lịch TP Đà Lạt và nghỉ ở một khách sạn ngay tại trung tâm thành phố. Ở đó, tại các lối đi cầu thang bộ, phía trước hay bên trong thang máy đều dán tờ giấy A4 in đậm dòng chữ: "Đề nghị quý khách giữ gìn trật tự, đi nhẹ, nói khẽ". Nhân viên lễ tân khách sạn cho biết, nhiều nhóm du khách thường nói rất to hoặc khi đi thường kéo va ly, lê dép, gây ồn ào. Buổi tối, nhiều du khách trở về sau khi đi tham quan, ăn uống, lúc lên xuống cầu thang hay thang máy thường cười nói rất lớn, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của khách khác.
Trong mấy ngày ở khách sạn này, dù những tấm giấy “đi nhẹ, nói khẽ” vẫn ở đó, song lâu lâu vẫn có những nhóm du khách đùa giỡn, cười nói tưng bừng ở cầu thang, ở hành lang như thể họ đang ở nhà.
Trong một lần đi du lịch cùng cơ quan và trở về lại TPHCM trên một đoàn tàu du lịch sang trọng. Dù lúc đó đã hơn 22 giờ khuya, có một đoàn khách du lịch khác, ở cùng toa, nói chuyện rất lớn, oang oang cả khoang tàu. Vì không chịu được tiếng ồn ào đến vậy, chúng tôi có ra nhắc nhở họ nói khẽ và nhận lại nhiều ánh mắt… “hình viên đạn”.
Chuyện "đi nhẹ, nói khẽ", giữ gìn trật tự nơi công cộng, nhất là tại các bệnh viện tưởng chừng là điều đương nhiên, không cần nhắc nhở, thế nhưng lại vô cùng khó thực hiện đối với một số người. Dường như làm ồn nơi công cộng đã trở thành căn bệnh mãn tính, khó chữa của không ít người.
Để xây dựng văn hóa ứng xử, những hành động, hành vi xấu xí này cần được thay đổi, để ta trở nên văn minh hơn giữa chốn đông người.
Môi trường sống văn minh, lành mạnh là điều kiện để con người cảm thấy cuộc sống thoải mái, hạnh phúc. Tuy nhiên hiện nay, nạn “ô nhiễm âm thanh” đã lan tràn khắp ngõ ngách, khiến từ trẻ sơ sinh đến người già ai cũng như bị tra tấn, khủng bố tinh thần.
Không gian yên tĩnh là quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Chẳng ai muốn bị quấy rối vì tiếng loa karaoke ồn ào hay tiếng nhạc quảng cáo ầm ĩ, tiếng nói chuyện om sòm, tiếng nhậu nhẹt la hét… Văn minh thể hiện ở sự ý thức tôn trọng quyền riêng tư của các cá nhân. Những âm thanh ồn ào quá mức đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc gây gổ, thậm chí ẩu đả gây thương tích, án mạng.
Các cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh thường mở nhạc rất lớn để thu hút khách. Trong ảnh: Một số điểm bán loa, ampli… trên đường Hòa Hảo, quận 10, TPHCM - ẢNH: SƠN VINH
Các gia đình có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc người già, người bệnh luôn cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Những người đi học, đi làm cả ngày đầy áp lực, về nhà cũng cần được nghỉ. Tuy nhiên, tiếng hát karaoke vang vọng - hát trong nhà nhưng mở loa lớn, mở toang cửa hoặc ra hẳn vỉa hè “hát cho dân tôi nghe”. Những cửa hàng bán thiết bị âm thanh thì cứ cố tình vặn loa ầm ĩ nhằm có thể gây ấn tượng, thu hút khách. Nhưng thực sự có bao nhiêu người thoải mái mua hàng trong tiếng nhạc ồn ào nhức tai? Ở không ít quán ăn, quán cà phê cũng vậy. Hẹn gặp nhau để trò chuyện, trao đổi công việc, nhưng nhạc cũng mở lớn đến mức át tiếng nói, khách phải nói như hét vào mặt nhau.
Nhiều lần ghé nơi trưng bày mỹ thuật thưởng thức các tác phẩm hội họa, điêu khắc; chúng tôi gặp tình trạng tiếng loa từ các điểm kinh doanh cận kề vọng vào, nào là nhạc boléro, cải lương, hip hop, rap… rất lớn. Trong không khí như vậy, làm sao khách có thể tập trung thưởng lãm nghệ thuật?
Thi thoảng cuối tuần, chúng tôi đến Cần Giờ, hy vọng ở đảo sinh thái sẽ có những giây phút thư thái, tĩnh lặng cùng thiên nhiên rừng ngập mặn. Nhưng ở bãi biển vắng vẻ thỉnh thoảng cũng có người thản nhiên kéo loa ra mở nhạc, ca hát từ sáng tới nửa khuya. Trong khu bảo tồn mà chỉ có âm thanh ca hát, chẳng có tiếng chim kêu.
Chúng ta đã từng thành công trong việc kiên quyết bảo vệ an toàn cho người dân bằng cách buộc mọi người phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe 2 bánh và thời gian gần đây tiếp tục ra quân xử lý người lái xe có nồng độ cồn. Nạn tra tấn người khác bằng tiếng ồn cũng cần được xem như “đại dịch”, có biện pháp chấn chỉnh. Đó là điều cần được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, nhằm đem lại môi trường trong lành cho người dân.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn! Nhưng mỗi khi báo chí hay người dân kỳ vọng mong chờ vào chính quyền vào Quốc hội, vào Chính phủ trong việc xoá sổ" ô nhiễm tiếng ồn" hay "hung thần karaoke" thì đại diện chính quyền lại bất lực với lý do khó xử lý, thiếu luật, thiếu thiết thiết bị đo tiếng ồn!