PNO - Dưới điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, công việc của nhân viên y tế, sinh viên ngành y trong bộ đồ bảo hộ càng trở nên nhọc nhằn, vất vả trong cuộc chiến chống COVID-19…
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những bộ đồ bảo hộ bốn lớp giống như chiếc chăn bông khiến nhân viên y tế, sinh viên ngành y làm việc tại các điểm nóng chống dịch càng vất vả, nhọc nhằn
Những chiếc “chăn bông” giữa mùa hè nắng gắt
Mười giờ đêm, kết thúc ca làm việc kéo dài sáu tiếng, chị Nguyễn Thị Hương thở phào khi kéo bộ đồ bảo hộ kín mít khỏi cơ thể. Những giọt mồ hôi kết thành dòng, tuôn chảy khiến cả cơ thể của chị ướt đẫm. Chị Hương là điều dưỡng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí, một trong những đơn vị đầu tiên hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Giang. Vài ngày nay, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ trong ngày liên tục cao tới gần 40 độ C. Dù làm việc ca tối, kéo dài từ 16g tới 22-23g, tùy theo lượng mẫu, song cái nóng hầm hập của mùa hè vẫn đang dần bào mòn sức khỏe của chị cũng như nhiều đồng nghiệp.
“Để đảm bảo an toàn trong quy trình lấy mẫu, chúng tôi không chỉ khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít mà cũng hạn chế tối đa việc uống nước bởi tránh nguy cơ lây nhiễm cũng như việc phải đi vệ sinh nhiều lần. Do thay đổi thời gian lấy mẫu, tránh những thời điểm nhiệt độ cao trong ngày, may mắn đoàn chúng tôi chưa có ai bị ngất xỉu. Khi nào cảm thấy sắp quá tải, chúng tôi sẽ về xe cởi đồ bảo hộ ra để nghỉ ngơi”, nữ điều dưỡng kể lại những ngày làm việc đặc biệt, có lẽ không bao giờ quên trong sự nghiệp của mình.
Cũng giống như chị Hương, anh Ngọc Thanh, nhân viên y tế tăng cường từ Thái Nguyên tới Bắc Giang tâm sự, mỗi lần cởi bộ đồ bảo hộ, cảm giác như trút được chiếc chăn bông khoác trên người giữa mùa hè. Anh nói: “Bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi thực sự là cơn ác mộng đối với chúng tôi. Để giảm nhiệt thật nhanh, nhân viên y tế còn sử dụng túi đá để chườm cơ thể mỗi khi kết thúc ca trực. Những lúc nghỉ ngơi giữa ca, họ cũng chỉ dám ngồi ở một góc mát mẻ chứ không dám vào phòng mát bởi sợ mỗi khi quay trở lại làm việc có thể bị… sốc nhiệt”.
Thực tế, trong hai ngày qua, khi nhiệt độ của miền Bắc liên tục tăng, khu vực ngoài trời trên thực tế có thể lên tới hơn 40 độ C, nhiều nhân viên y tế, sinh viên ngành y đã rơi vào tình trạng kiệt sức, ngất xỉu. Hình ảnh của những chiến sĩ áo trắng lả đi dưới tay đồng nghiệp, hay nằm bất động sau khi được cấp cứu đã khiến người dân cả nước thương cảm, sẻ chia.
Thay đổi chiến lược lấy mẫu để ứng phó thời tiết
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế trong đợt chống dịch SARS, các bác sĩ đã có một quyết định quan trọng để “dập dịch” là thay vì nằm phòng điều hòa, toàn bộ phòng điều trị đều được mở cửa sổ, bật quạt tạo môi trường thông thoáng. Áp dụng cho đợt chống dịch tại Đà Nẵng vào tháng 8/2020, các cơ sở y tế cũng tắt điều hòa, sử dụng quạt cây, cứ 10 mét đặt một chiếc quạt và thổi theo một chiều.
Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế mệt lả, ngất xỉu vì nắng nóng, chuyên gia cấp cứu này cho rằng, nên tiếp tục sử dụng quạt công nghiệp ở phía sau nhân viên y tế làm giảm nhiệt, giúp thông gió. Trong khi nhiều người lo ngại việc dùng quạt công suất cao có thể không đảm bảo an toàn thì bác sĩ Lương Quốc Chính khẳng định, thiết bị này còn có thể làm loãng nồng độ và thổi bay giọt bắn, virus trong không khí (nếu có), tản rộng ra chỗ khác nhằm tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, quạt phải thổi về một hướng và hướng đó là khu đất trống bởi tỷ lệ lây nhiễm tỷ lệ thuận với mật độ virus trong không khí.
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), phân tích theo quy định, nhân viên tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc. Bộ đồ chống dịch giúp bảo vệ nhân viên y tế, tuy nhiên việc mặc liên tục cả ngày bên cạnh việc khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân còn làm nhân viên y tế nóng, khó chịu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, có nguy cơ gây kiệt sức và ngất.
Sẽ sớm có cải tiến về trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế - Ảnh: NDO
Hiện trên thị trường đã có mũ chống dịch, là loại mặt nạ được xử lý thông gió. Đơn vị này đã làm việc với công ty sản xuất mặt nạ này, tài trợ 100 chiếc cho CDC Hà Nội, CDC Bắc Giang, CDC Bắc Ninh, Viện Huyết học và truyền máu. “Tuy nhiên, giá mũ cao, vào khoảng 140 USD/chiếc nên khó trang bị đại trà và cũng có hạn chế như tiếng ồn, đeo nặng, đôi lúc bị bí. Nhân viên y tế vẫn bị nóng nực khó chịu”, ông Hải nói.
Đảm bảo sức khỏe cho lực lượng y tế
Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho hay, đơn vị này cũng đã nghiên cứu ra một thiết bị làm mát bộ đồ bảo hộ và gửi tới Bắc Giang chiều 1/6 để thử nghiệm. Theo đó, bộ đồ bảo hộ sẽ được gắn thêm một chiếc quạt làm mát, chỉ cần ấn nút bật, tắt gắn ở áo với thao tác đơn giản, đảm bảo an toàn trong quá trình phòng, chống dịch. Quạt được sử dụng pin tích điện với thời gian hoạt động từ 4 - 6 tiếng.
“Giá thành hoàn thiện chiếc quạt gắn vào bộ đồ bảo hộ này vào khoảng 800.000 đồng. Nếu được đánh giá, kiểm nghiệm và đưa vào sử dụng, chúng tôi hy vọng có đơn vị sản xuất tham gia, xã hội hóa để nhiều cán bộ chống dịch có thể sử dụng”, ông Hải thông tin.
Chia sẻ sự cảm thông với đội ngũ nhân viên y tế, sinh viên ngành y đang “gồng mình” làm nhiệm vụ giữa thời tiết đổ lửa, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, đây còn là vấn đề trăn trở, quan ngại của Bộ Y tế, làm sao để đảm bảo được sức khỏe của những “chiến sĩ” này.
Từ ngày 1/6, Thứ trưởng Trường Sơn đã yêu cầu tất cả các đoàn công tác phải chủ động đảm bảo bồi dưỡng dinh dưỡng, nước uống cho các thành viên trong đoàn sử dụng để nâng cao sức khỏe. Thời gian lấy mẫu tại cộng đồng cũng được thay đổi chia thành hai ca, từ sáng sớm đến 9g, và từ 19g đến 23g. Các đội lấy mẫu phải được bố trí tại các địa điểm râm mát, thoáng khí và có trang bị quạt.
Thứ trưởng cũng cho biết vừa qua có một số ý kiến trao đổi rằng liệu nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, làm việc ở tại cộng đồng không nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ mà có thể đeo găng tay, kính chắn giọt bắn, tạp dề… Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho người đi lấy mẫu phải đặt lên hàng đầu, nếu bỏ bộ đồ bảo hộ, theo Thứ trưởng Trường Sơn sẽ “mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế lấy mẫu”.
Về thiết bị do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nghiên cứu, Bộ Y tế thử nghiệm và sẽ sớm có đánh giá về thiết bị này. “Nếu được sẽ cung cấp rộng rãi cho nhân viên lấy mẫu, nhân viên y tế làm trong khu thu dung điều trị, cũng như hồi sức”, Thứ trưởng Trường Sơn kỳ vọng.
Thêm 140 cán bộ y tế trình độ cao tiếp tục chi viện cho Bắc Giang
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tính đến chiều 1/6, đã có khoảng 2.200 cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên ngành y về chi viện cho Bắc Giang dập dịch. Trong đó, các sở y tế đã cử lực lượng gồm các bác sĩ giỏi về hồi sức tham gia các khâu xét nghiệm cũng như điều trị.
Tuy nhiên, nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, số người nhập viện và tỷ lệ ca bệnh diễn biến nặng tăng cao, Thứ trưởng NguyễnTrường Sơn vừa ký công văn gửi bốn bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện C Đà Nẵng cùng chín tỉnh, thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng… điều động nhân lực tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Giang.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên cử 42 bác sĩ, 83 điều dưỡng hồi sức cấp cứu có trình độ cao cùng hai cử nhân dinh dưỡng, hai kỹ sư trang thiết bị y tế, bốn nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, tám kỹ thuật viên xét nghiệm và một bác sĩ siêu âm tổng quát/tim mạch. Toàn bộ nhân lực này sẽ được chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.
Dự kiến, trong ngày 2/6, trung tâm này sẽ hoàn thiện và đưa vào tiếp nhận bệnh nhân nặng với quy mô 100 giường. Đây được xem là Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất tại khu vực miền Bắc. Toàn bộ đội ngũ nhân lực trình độ cao vừa được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị sẽ có mặt cùng ngày để tham gia vận hành ngay.
Mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận từ 4.300-4.600 lượt bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn khiến bệnh nhân trầm cảm...