Giám hộ - tình thương hay tài sản?

07/04/2023 - 14:52

PNO - Người cha giao sổ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng để con gái chăm lo mình, nhưng chẳng bao lâu, con gửi ông vào thẳng viện dưỡng lão.

Chị Lê Cương tìm gặp được cha trong tình cảnh bẽ bàng. Vì chị của chị Lê Cương nợ phí chăm sóc nên viện dưỡng lão liên hệ người thân trả cha chị về.

Xót cha, chị càng tức giận người chị gái tham lam, giành phần tài sản của cha nhưng không có trách nhiệm phụng dưỡng cha. Chị nhủ lòng sẽ quyết tâm dạy cho người chị một bài học.

Tìm đến văn phòng luật sư, chị trải lòng: “Cha tôi vốn là một nhạc công có tuổi thơ rất cơ cực. Ông tha hương từ miền Trung vào Nam lập nghiệp nên khi lập gia đình, ông hết lòng yêu thương vợ con. Mẹ tôi nhỏ hơn cha tròn 1 con giáp và là tiểu thương. Vợ chồng có 2 con gái nhưng chỉ có tôi hưởng gen nghệ sĩ của cha còn người chị thì theo nghề của mẹ. Gia đình lớn của tôi trọn vẹn hạnh phúc được 30 năm thì xảy ra biến cố làm cha mẹ ly thân liền sau khi tôi có chồng”.

Tìm thấy cha lúc cha đang ngồi ăn trong viện dưỡng lão, chị Lê Cương bật khóc, chạy ào đến ôm chầm lấy cha
Tìm thấy cha lúc cha đang ngồi ăn trong viện dưỡng lão, chị Lê Cương bật khóc, chạy ào đến ôm chầm lấy cha

Hậu quả của việc chia tay nửa vời là căn nhà - tài sản chung duy nhất của cha mẹ chị Cương - cũng bán để chia mỗi người một nửa. Mẹ chị Cương ở riêng còn người cha nay ốm mai đau thì chọn ở với cô chị gái do chị Cương phải thường xuyên đi đóng phim ở tỉnh khác.

Chị Cương được biết cha tin tưởng giao sổ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng để cô chị lo tuổi già cho cha, nhưng cô chị chỉ chăm được nửa năm thì đưa thẳng cha vào viện dưỡng lão với lý do “cha vào đó có bạn già tâm sự, còn con phải lo buôn bán nuôi con nhỏ”.

Người chị chỉ úp úp mở mở, không cho chị Cương biết địa chỉ viện dưỡng lão để vào thăm cha. Vào viện dưỡng lão 1 năm, khi vừa sinh nhật 72 tuổi thì cha chị bị tai biến, được cứu kịp thời nhưng sinh hoạt khó khăn.

“Khi rước cha về từ viện dưỡng lão vì người chị không đóng tiền tháng, tôi chăm sóc cha mà lòng đầy hân hoan vì có cơ hội để báo hiếu. Nhưng tôi cũng lo lắng vì gia đình nhỏ của mình kinh tế đang khó khăn, thời gian dài không gánh nổi chi phí. Tôi càng nghĩ càng buồn người mẹ dù chưa ly hôn nhưng tuyệt tình với chồng, giận chị mình chiếm giữ tiền của cha lại phủi trách nhiệm. Tôi muốn tranh chấp quyền giám hộ nuôi cha với mẹ và chị để mong giành quyền quản lý tài sản nên tìm luật sư nhờ hỗ trợ pháp lý” - chị Cương chia sẻ. 

Quyền giám hộ cha mẹ có cần thiết không? 

Theo quy định tại điều 46, 48 Bộ luật Dân sự 2015 thì Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được tòa án chỉ định hoặc do thỏa thuận (theo khoản 2, điều 48) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự; khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

Trường hợp thỏa thuận giám hộ thì tổ chức, cá nhân nhận giám hộ phải đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực và phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Với tình huống nêu trên, nếu ông cụ không có văn bản thỏa thuận chọn người giám hộ thì khi rơi vào cảnh mất năng lực hành vi dân sự; hạn chế hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì vợ ông sẽ là người giám hộ đương nhiên cho ông (khoản 1, điều 53 Bộ luật Dân sự 2015).

Trên thực tế, ông ở với người con gái còn vợ ông dù còn hôn nhân lại không chăm sóc ông nên cô gái có quyền khởi kiện ra tòa để tranh chấp quyền giám hộ với mẹ ruột. Kết quả tranh chấp sẽ do tòa án quyết định.

Nhưng cho dù người con có thắng kiện mẹ ruột thì qua lăng kính cuộc sống chưa chắc là giải pháp tối ưu, bởi:

Nếu người cha đứng tên sổ tiết kiệm thì việc tranh chấp giám hộ (nếu thắng kiện) sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là quyền quản lý tài sản của ông. Nhưng nếu sổ tiết kiệm đã được chuyển dịch chủ sở hữu hoặc tất toán trước khi người cha bị bệnh thì vấn đề này là vô nghĩa.

Mặt khác, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già vừa là nghĩa vụ, vừa là đạo hiếu và chữ hiếu trọn vẹn là chữ hiếu vô điều kiện, chăm sóc bằng cả tấm lòng và làm hết khả năng mình đang có. Tranh chấp với người thân là sự việc chẳng đặng đừng, người trong cuộc cần cân nhắc và thận trọng trước khi quyết định.

Cuối cùng, với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, tôi cho rằng người già tuyệt đối không chuyển dịch toàn bộ tài sản của mình cho con cái bởi người xưa có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Cha mẹ dù hiểu rõ tính cách của con mình thì dâu và rể vẫn luôn là 2 biến số khó đoán định trong việc tác động, ảnh hưởng đến các con của chúng ta.

Do vậy, để còn đường lùi, tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chọn phương án lập di chúc một phần hoặc toàn bộ tài sản cho con cái hoặc người thân song song với việc tìm người để làm văn bản thỏa thuận giám hộ cho mình lúc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Luật sư Trần Hoài Nhân
- Giám đốc Công ty Luật TNHH UNIBROS VN

Hiền Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI