Giảm gánh nặng thi cử để học sinh hạnh phúc hơn

21/06/2024 - 11:33

PNO - Kỳ thi lớp Mười năm nay tại TPHCM như mọi năm cũng nhằm loại bớt học sinh, theo khả năng tiếp nhận của các trường THPT công lập. Nhưng năm nay, kỳ thi lại gây xôn xao dư luận bởi hàng loạt thí sinh đã bật khóc khi ra khỏi phòng thi vì không làm được bài thi môn toán.

Điểm thi cho thấy, số em dưới trung bình môn toán tăng 10% so với năm ngoái, từ 46% lên 56%. Các thí sinh, phụ huynh đã hồi hộp cả buổi sáng 19/6 khi Sở GD-ĐT công bố điểm thi. Có em vui vì đạt được điểm mong muốn nhưng cũng nhiều em buồn vì điểm thấp hơn kỳ vọng. Điểm thấp đi liền với nguy cơ trượt nên các em buồn bã. Nhưng sự lo lắng của các em còn kéo dài đến ngày 10/7, khi sở công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển.

Thí sinh bật khóc sau giờ thi toán tại điểm thi trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) - Ảnh: Q.Trung
Thí sinh bật khóc sau giờ thi toán tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) - Ảnh: Q.Trung

Trước đó, để đến được kỳ thi, nhiều em đã phải học thêm, luyện tập chăm chỉ từ lớp Bảy, Tám để lấy đà. Đến lớp Chín, hầu hết các em đều học thêm để ôn tập, luyện giải đề hòng có được sự tự tin. Từ giữa tháng Năm, khi học sinh nhiều cấp nghỉ hè, học sinh lớp Chín vẫn miệt mài đến trường sáng, chiều để được thầy cô ôn những tuần cuối cùng trước ngày thi.

Sự học quá vất vả. Rồi “đùng một cái”, đề thi toán có nhiều câu hỏi thực tế “ở đâu đâu”, khiến học sinh khá giỏi cũng “cắn bút” như học sinh trung bình. Ra khỏi phòng thi, những áp lực học tập các em phải chịu đựng thời gian qua, đã bùng phát thành tiếng khóc do “giọt nước tràn ly”: đề quá khó. Đón con trước cổng các điểm thi, nhiều người mẹ cũng muốn khóc theo, bởi họ đã đồng hành đưa rước và chứng kiến bao nỗ lực ngày đêm của đứa con. Nhưng nay, tất cả đều ngỡ ngàng, hụt hẫng...

Có ý kiến đổ lỗi cho cách dạy và cách học toán, do học sinh học vẹt nên không làm được bài. Nhưng các thầy cô cho biết họ đã thay đổi cách dạy theo chương trình mới từ lâu. Vấn đề ở chỗ đề thi có quá nhiều câu thực tế và quá dài. Một học sinh giỏi toán nhất trường của một trường THCS tại quận 1 kể rằng, em không làm kịp hết đề, nhìn đề toán mà em ngỡ đề văn vì dày đặc cả 2 trang giấy.

Cách ra đề này không chỉ đè nặng tâm lý của thí sinh năm nay mà có thể dẫn đến hệ lụy là các thí sinh năm sau càng áp lực và càng tăng cường học thêm nhiều hơn nữa để đối phó với kỳ thi. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, tháng Sáu mùa thi, nguy cơ trầm cảm tuổi học đường thường có chiều hướng gia tăng. Do quá căng thẳng không ít thí sinh bị rối loạn cảm xúc, mắc hội chứng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, mất ngủ triền miên... phải điều trị.

Xét cho cùng, thi lớp Mười cũng chỉ là tìm cách “phân luồng” gần 3/10 thí sinh một cách công bằng nhất thì có nhất thiết phải gây căng thẳng không đáng có lên các em? Với học sinh lớp Chín - đứa trẻ 15 tuổi đang nhạy cảm về cảm xúc đã bị kỳ thi đặt áp lực quá sức lên vai. Các em chịu sức ép tâm lý phải học thật tốt để thi đạt mục tiêu đề ra theo “ma trận” 3 nguyện vọng...

TPHCM được Bộ GD-ĐT đánh giá là địa phương đầu tiên cả nước triển khai bài bản về xây dựng “Trường học hạnh phúc” với 18 tiêu chí. Nghĩa là thành phố rất mong muốn học sinh được hạnh phúc. Trong đó, nhóm tiêu chuẩn Dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí, bao gồm cả “đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, coi trọng sự tiến bộ của học sinh, tránh gây áp lực quá mức...”.

Nếu đã yêu cầu thầy cô trong kiểm tra, đánh giá “tránh gây áp lực quá mức” cho học sinh thì kỳ thi của sở cũng không nên gây áp lực quá mức lên thí sinh. Giảm áp lực thi cử rất cần thiết để góp phần giúp học sinh đi học trong hạnh phúc, để trường học hạnh phúc đi vào cuộc sống.

Quế Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • TRẦN THÌ ĐIỆP 23-06-2024 10:25:56

    Việt Nam áp đặt chương trình học khá nặng, thời gian không còn để chơi. Đề thi năm nay ra ngoài sức của các con nên gây hoang mang, buồn, thất vọng, nản chí....Mới bước vào tuổi 15 đã gặp phải cú sốc khá nặng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý con trẻ.....không nên ra đề đánh đố và ngoài chương trình học nhiều như thế. Nên có 1 câu khó để dành cho các con giỏi muốn điểm 10, còn lại thì nên cho mức độ tương đối ai cũng có chút tinh thần và khả năng làm tính từ học sinh trung bình đến khá. Cái đề nói thật chưa chắc nhiều giáo viên Toán hoàn thành được 100% chứ đừng nói đến đề thi phôt thông cho các con.
    Thiết nghĩ, nên nhìn nhận lại duyệt đề, ra đề đã bám sát chưa, đã nắm bắt hêt tâm lý các con chưa hay chỉ thể hiện độ khó trên đề thi cho các con nản chí.
    Con tôi về trầm cảm, buồn bã và thất vọng về việc ra đề như năm nay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI