Ngay sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài Những tài xế “nhí” không bằng lái (bài đầu trong loạt bài Lạnh lưng trên xe buýt “tử thần”), trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - cho biết, đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ toàn bộ tài xế, tiếp viên có liên quan. Ông Trung nói:
|
Ông Trần Chí Trung |
|
- Vấn đề mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh qua bài viết trên là rất nghiêm trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xe buýt, tính mạng hành khách. Trước mắt, chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ toàn bộ tài xế, tiếp viên có liên quan. Bước tiếp theo là xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và theo hợp đồng.
Chúng tôi nhận thấy, năng lực quản lý, điều hành của Hợp tác xã (HTX) Đông Nam rất yếu kém. Trước đây, Trung tâm QLGTCC đã có văn bản báo cáo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về năng lực quản lý của HTX Đông Nam. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng và UBND Q.2 để cấu trúc lại HTX này, trong đó có cả việc thu hồi lại các tuyến xe buýt, giao cho đơn vị khác quản lý.
Theo các quy định của Nhà nước, doanh nghiệp (DN) điều hành xe phải bảo đảm an toàn, lệnh vận chuyển cũng là do DN ký và DN phải kiểm tra xe có đủ điều kiện xuất bến hay không, kiểm tra tiêu chuẩn tài xế, tiếp viên, kỹ thuật xe. Trung tâm QLGTCC là đơn vị đặt hàng cho DN, DN phải chịu trách nhiệm trực tiếp theo quy định. Tôi nói thế không phải là thoái thác trách nhiệm, nhưng Trung tâm QLGTCC không thể xuống điều hành hay kiểm tra từng xe xuất bến được. Để xảy ra vấn đề như báo phản ánh, trách nhiệm đầu tiên là của DN.
* Phóng viên: Ở bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM, có nhân viên của Trung tâm QLGTCC thực hiện việc giám sát hay không?
Ông Trần Chí Trung: Hiện nay, trên hệ thống xe buýt toàn thành phố, có 84 bến bãi đầu - cuối tuyến. Trong số đó, trung tâm có cử người xuống 10 bến lớn tham gia kiểm tra, điều hành. Tại bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM, có nhân viên của Trung tâm QLGTCC tham gia giám sát, điều hành.
|
Camera giám sát tài xế bị bịt băng keo, đơn vị quản lý không hay biết? |
* Có điều hành, giám sát, vậy tại sao vẫn để xảy ra hiện tượng tài xế không đủ tuổi, không bằng lái điều khiển xe buýt, thưa ông?
- Cái này tôi có tìm hiểu rồi, anh em cũng có kiểm tra. Ở đầu - cuối bến thì phải có kiểm tra, giám sát. Người vào xuất trình giấy tờ có thể là tiếp viên nhưng sau đó tài xế phải có mặt. Quy trình này có DN và trung tâm tham gia kiểm tra. Nhưng, khả năng là khi kiểm tra thì tài xế đúng nhưng trên đường, họ thay đổi. Cán bộ của mình kiểm tra nhưng chỉ ở bến thôi chứ làm sao chạy trên đường kiểm tra được.
Tôi cũng nói rõ luôn, theo Luật Giao thông đường bộ, tài xế giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển là đã vi phạm. Nhưng cái này thì phải do cảnh sát giao thông xử lý, vì họ chạy trên đường chứ đâu ở trong bến. Ngay cả thanh tra giao thông cũng không được dừng phương tiện, nên phải phối hợp với cảnh sát giao thông để xử lý.
* Theo ông, có hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ tham gia điều hành, giám sát xe buýt ở các bến xe hay không?
- Tôi nghĩ là không.
* Trên xe buýt có gắn camera. Vậy trung tâm sẽ sử dụng các camera này như thế nào vào quá trình giám sát, quản lý?
- TP.HCM hiện đi đầu cả nước về việc giám sát tài xế xe buýt qua camera. Mình vận động DN lắp camera để giám sát tình hình trên xe buýt, giám sát hành trình nhưng các camera này chưa có phần mềm tự nhận diện khuôn mặt tài xế. Hiện chúng tôi đã xây dựng chương trình giai đoạn 2 là nâng cấp chức năng để tự động nhận diện khuôn mặt tài xế. Cái này mình sẽ thực hiện từng bước.
* Thực tế, trên tuyến xe buýt 99, phóng viên ghi nhận, nhiều camera bị vô hiệu hóa. Trung tâm QLGTCC có biết điều này không?
- Hiện nay, trên một xe buýt nhỏ, có ít nhất 2 camera, xe lớn có 3 camera. Tổng cộng, trên các tuyến xe buýt, có đến khoảng 4.000 camera nên khi giám sát qua camera, mình không thể mở hết một lượt được mà phải mở tuần tự, do đó chỉ nhìn chung chung thôi. Khi phát hiện xe nào chạy sai lộ trình hay có dấu hiệu vi phạm, mình mới tập trung giám sát. Còn việc che camera, nếu thấy tối, bộ phận điều hành DN sẽ gọi cho lái xe, yêu cầu mở ngay. Hiện có 13 DN thì mỗi DN sẽ cử một người đến trung tâm giám sát, Trung tâm QLGTCC có 4 người tham gia giám sát. Năm qua, nhờ có camera mà đã xử phạt được rất nhiều, đến mấy ngàn trường hợp. Nhưng với 4.000 camera thì không thể xem hết từng cái được.
Từng phát hiện nhiều trường hợp lái xe “chui”
Năm 2017, Trung tâm QLGTCC phát hiện 7 trường hợp tài xế giao tay lái cho người khác (không đủ điều kiện lái xe buýt) tại HTX Quyết Tiến, HTX 19/5 và HTX Đông Nam. Năm 2018, Trung tâm QLGTCC phát hiện 2 trường hợp tài xế giao tay lái cho người khác (không đủ điều kiện lái xe buýt) tại HTX Đông Nam. Theo hợp đồng giữa Trung tâm QLGTCC và DN, tài xế lần đầu vi phạm chỉ bị phạt 1 triệu đồng và đình chỉ lái xe 10 ngày. Nếu bị phạt lần thứ hai, mức phạt là 2 triệu đồng và đình chỉ lái xe 30 ngày. Theo các chuyên gia lĩnh vực giao thông, mức phạt này quá nhẹ. Lẽ ra, Trung tâm QLGTCC phải chuyển hồ sơ vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông xử lý.
|
Sơn Vinh (thực hiện)