Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: "Ngành giáo dục TP vừa trải qua những thử thách chưa từng có"

25/01/2022 - 09:44

PNO - Năm 2021, ngành giáo dục TP bị “đảo lộn” hoàn toàn, phải đối diện với muôn vàn khó khăn và những “thử thách chưa từng có” do đại dịch COVID-19 gây ra.

"Có lẽ phải dùng từ "chưa từng thấy" để diễn tả năm 2021 đối với ngành giáo dục. Để rồi khi đi qua được khó khăn đó, chúng ta càng có lòng tin rằng những gì phía trước sẽ không đủ sức gây cản trở nữa, dù yêu cầu về đổi mới, cập nhật và linh động... vẫn rất cấp thiết", ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, khi trải lòng về một năm khó quên và những trăn trở cho một năm mới.

Phóng viên: Có thể 2021 là một năm đầy sóng gió đối với ngành giáo dục TP. Ông có thể chia sẻ các khó khăn mà ngành giáo dục TP phải đối diện trong hoàn cảnh dịch bệnh vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Chưa khi nào ngành giáo dục TP gặp nhiều khó khăn như năm 2021: học sinh không thể đến trường, các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất bị hạn chế, sinh hoạt cuộc sống bị đảo lộn... Cạnh đó là những khó khăn tiềm ẩn, là hệ lụy do dịch bệnh gây ra như những ảnh hưởng lâu dài đến tâm sinh lý học sinh khi phải học trực tuyến kéo dài; các hạn chế về ứng xử, giao tiếp...

Ông Nguyễn Văn Hiếu (trái) kiểm tra công tác xét nghiệm tại Trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm (quận 1). Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hiếu (trái) kiểm tra công tác xét nghiệm tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) - Ảnh: TTXVN

Trong đó, khó khăn nhất có lẽ là quyết định cho học sinh TP tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Đầu tháng 7/2021, dịch bệnh tại TP diễn biến cực kỳ phức tạp, số ca nhiễm đang ngày một tăng cao. Việc tham mưu UBND TPHCM cho phép học sinh khối 12 tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 là một quyết định không hề dễ dàng. Ở những góc nhìn khác nhau, phụ huynh, học sinh và xã hội đã có những phản biện và phản ứng rất gay gắt. Thế nên, quyết định này đã được lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Sở nâng lên, đặt xuống, cân nhắc rất nhiều lần. Tuy nhiên, dựa trên các dự báo khoa học và việc đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh, để các em có cơ hội được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, TP đã quyết định tổ chức kì thi.

Chúng tôi đã rất khó khăn, rất tâm tư, trăn trở khi phải quyết định những sự việc chưa có tiền lệ, thiếu các thông tin cần thiết, các quyết định lại liên quan đến cả một thế hệ. Ngành giáo dục đã xây dựng các phương án, kịch bản  để có thể ứng phó kịp thời cho những tình huống cân não xảy ra trong thời gian kỳ thi diễn ra và cả quá trình chấm.

* Ông có nhắc đến sức mạnh nội tại giúp ngành giáo dục vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, vậy sức mạnh nội tại mà ông nói đến đó là gì?

- Đó là sự năng động, sáng tạo; là khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của hoàn cảnh; là nền tảng công nghệ mà TP đang triển khai, là tinh thần đoàn kết và tình thương yêu học sinh. Sức mạnh này đã tồn tại nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt làm cho nó tỏa sáng. Giúp chúng ta nhận chân những giá trị.

Sự thích ứng cộng hưởng từ nhiều thứ: chủ trương của TP, cố gắng của ban ngành và sự hợp tác, thấu hiểu của phụ huynh. Nếu thiếu một trong các nhân tố này, thật khó để chúng ta kết lại một năm vẫn vững vàng trong bối cảnh quá nhiều biến động như thế. 

* Vậy còn những điều cần rút ra? Hoàn cảnh giáo dục đặc biệt năm vừa qua ắt hẳn đem đến không ít bài học cho ngành giáo dục, phải không thưa ông?

- Có thể ở những góc nhìn khác nhau, mỗi người sẽ rút ra những bài học khác nhau khi đối diện với khó khăn. Ở đây, tôi muốn nói đến bài học rút ra từ những trải nghiệm.

Trong lúc khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh trở lại trường, có một phụ huynh cũng là 1 cô giáo chia sẻ với tôi rằng: "Với vai trò là một giáo viên, em đồng tình với những suy nghĩ, lo lắng của thầy cho học sinh khi phải ở nhà học trực tuyến quá lâu nhưng là một người mẹ, em không thể cho con em đến trường được. Em còn rất nhiều lo lắng!". Vậy đó, mọi người có thể có thấu hiểu cảm xúc với bạn nhưng họ không đồng ý với quyết định của bạn. Mỗi người có góc nhìn riêng, vai trò riêng và những góc nhìn này chi phối cảm xúc, suy nghĩ, và đôi khi các cảm xúc, suy nghĩ này không trùng nhau.

Các em học sinh cũng đã có những trải nghiệm thú vị, sâu sắc. Các em đã chia sẻ với thầy cô rằng thời gian giãn cách đã giúp các em nhận ra giá trị của những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống. Một bữa cơm gia đình đầy đủ những người thân hay việc đến trường, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè là quý giá biết bao. Hoặc bài học về sự chia sẻ khi gia đình em nhận được từng mớ rau, kí gạo của những nhà hảo tâm trao tặng trong thời gian giãn cách.

* Chúng ta đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh cho giáo dục như con đường, hành trình, hành trang... để thấy giáo dục là hoạt động có sự biến đổi, vận động. Vậy năm mới, giai đoạn mới, giáo dục có những đổi mới thế nào?

- Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục, chương trình mới 2018 đã được thực hiện ở các khối lớp 1,2,6; và qua năm học sau là khối 3,7,10. Đổi mới toàn diện từ quan niệm, quan điểm giáo dục từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, đổi mới quản lý nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá... Trong đó điều không thể thiếu là công nghệ hiện đại và chuyển đổi số. Dù dịch bệnh có qua đi thì việc dạy và học qua mạng internet vẫn được thực hiện như một phương pháp dạy học hiệu quả.

Hơn bao giờ hết, hành trình học tập phải là hành trình sống. Trường học phải là môi trường thuận lợi để học sinh được trải nghiệm làm người công dân hiện đại, biết vận dụng, nối kết các kiến thức đã học vào thực tiễn, có những hoạt động cộng đồng thật ý nghĩa.

Hiện nay, ngành giáo dục TP đang hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, hoàn thiện hệ sinh thái trong chuyển đổi số giáo dục, trong đó tích cực nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường. Với những kế hoạch của năm học, TP vẫn luôn bám sát những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và của UBND TPHCM. Tùy trong từng hoàn cảnh sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo được quyền lợi của học sinh, sự an toàn của thầy cô, học sinh và giữ vững được chất lượng giáo dục.

* Trước thềm năm mới 2022, là người đứng đầu ngành GD-ĐT TPHCM, ông có ước mong gì cho giáo dục TP?

- Trong thư gửi cho nhi đồng toàn quốc nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên của đất nước, Bác Hồ đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vậy trong mùa xuân này, chúng ta hãy nói về sự khởi đầu, về tuổi trẻ, về hi vọng, ước mong. Năm mới này, chúng ta mong ước thành phố bình an, dịch bệnh bị đẩy lùi; thành phố nói chung và ngành giáo dục nói riêng bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ, đầy sức sống. Và tuổi trẻ thành phố có điều kiện tốt đẹp, thuận lợi nhất để học tập, rèn luyện và tỏa sáng.

* Xin cảm ơn ông

Yến Hoa (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI