Giám đốc Grab Việt Nam: Tôi mơ tất cả xe máy trở thành phương tiện công cộng

30/01/2017 - 08:30

PNO - Chỉ sau 3 năm xuất hiện, “đón Grab” đã trở thành câu cửa miệng của dân Sài Gòn và Hà Nội. Chính bản thân Tuấn Anh cũng bất ngờ với việc phát triển chóng mặt của Grab.

Một buổi tối đầu năm 2014, tôi đến dự họp báo buổi ra mắt Grab Việt Nam tại một câu lạc bộ ở trung tâm Sài Gòn. Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam bước ra trước báo giới, cố gắng diễn đạt một cách dễ hiểu về Grab trước những ánh mắt lơ đễnh.

Grab quá xa lạ với người Việt. Tuấn Anh vẫn kiên nhẫn trình bày, giải thích, tất cả trong bồn chồn và hơi căng thẳng, bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy Grab “làm nên cơm cháo” ở Việt Nam. Tuấn Anh như đứng trước một quả núi, nhưng anh đã nói một câu mà đến nay tôi vẫn nhớ: “Tôi tin điều gì mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thì cuối cùng cũng sẽ được người tiêu dùng đón nhận”.

Thích làm cái gì khó

* Xin chào Tuấn Anh! Cơ duyên nào mà Grab tìm ra anh vậy?

 - Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở Đại học Quốc gia Singapore. Ra trường, tôi đảm nhận chức vụ quản lý sản phẩm cho Yahoo và khởi nghiệp với một số dự án kinh doanh khác. Sau đó, tôi từng làm CEO cho mạng xã hội truongxua.vn (mạng xã hội kết nối những người có nhu cầu họp lớp và tìm lại bạn học cũ) được một thời gian thì nghỉ để… đi chơi.

Trong lần qua Thái Lan du lịch, tôi thấy ứng dụng Grab (dùng để đón taxi) lạ và thú vị. Đặt lệnh gọi xe, nhìn vào điện thoại thì thấy chiếc xe mình đặt nhích nhích gần mình dần. Tôi có cảm giác thích thú như một đứa trẻ.

Giam doc Grab Viet Nam: Toi mo tát cả xe máy trỏ thành phuong tiẹn cong cọng
Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Việt Nam, người  đưa ra ý tưởng và thực hiện thành công Grabbike.

Vào năm 2013, Grab đã phổ biến ở Malaysia, Singapore, Thái Lan. Khi Grab thông báo tuyển người để tiến vào Việt Nam, tôi háo hức thử sức, dù chưa biết rõ Grab là gì.

Không hiểu sao trong tôi có tâm lý thích làm cái khó. Nếu có một số việc để lựa chọn, tôi sẽ chọn việc nào khó nhất.

Rồi tôi được chọn. Bắt tay vào công việc, tôi muốn hét lên: Trời ơi, nhiều việc khó quá, không biết bắt đầu từ đâu!

* Thời gian đầu, anh phải đối diện những khó khăn gì?

Cái khó cơ bản nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng. Thường thì người ta tạo ra sản phẩm hay những gói dịch vụ theo nhu cầu, thói quen người tiêu dùng. Nhưng với Grab, tôi phải nỗ lực để người người, nhà nhà biết đến Grab và sau đó là thay đổi thói quen đón xe.

Đầu tiên, chúng tôi chỉ triển khai GrabTaxi, tức là giúp khách hàng dùng phần mềm trên điện thoại thông minh để đón taxi.

Khách hàng quen với cách thức bao lâu nay là bốc điện thoại gọi tổng đài taxi hoặc ra đường vẫy xe. Phần mềm Grab sẽ giúp khách hàng biết trước được chi phí đối với quãng đường mình sẽ đi. Đặc biệt là họ biết xe nào sẽ đón mình, xe đã đi đến đâu (thông qua định vị).

Khách hàng được lợi, tài xế taxi cũng được lợi vì không phải “xách xe không chạy lòng vòng đón khách” như trước.

Tuy nhiên, để khiến một người chịu tìm hiểu về phần mềm Grab và chịu cài phần mềm đó vào điện thoại của mình, là cả một vấn đề nan giải.

Cũng có ý kiến cho rằng, Grab vấp phải khó khăn trước sự bảo thủ của các cơ quan quản lý ở Việt Nam. Nhưng thực sự không phải như vậy.

Sau những khắt khe ban đầu, tôi nhận thấy các cơ quan này khá cởi mở với những cái mới, đặc biệt là cái mới phục vụ cho người dân. Bây giờ, Grab đã được chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động hợp pháp. Trong khi ở Malaysia, đất nước của “cha đẻ” Grab vẫn chưa hợp thức hóa cho Grab.

Grabbike là một sáng kiến kỳ diệu

* Nhưng Grab không dừng lại ở GrabTaxi, vì sao?

- Tôi rất yêu Sài Gòn và mỗi lần ra đường, dù di chuyển bằng phương tiện gì, tôi cũng đau đáu câu hỏi “làm sao để cải thiện giao thông ở Sài Gòn?”. Người mỗi lúc mỗi đông lên nhưng cơ sở hạ tầng không theo kịp. Chỉ còn cách giảm thiểu phương tiện giao thông. 

Tôi nghĩ đến những chiếc ôtô 4 chỗ chạy trên đường, bên trong chỉ có một người và trống 3 chỗ, tôi thấy xe 7 chỗ còn trống 6 chỗ. Với phần mềm Grab, tôi có thể giúp một người xa lạ đi chung ôtô với chủ xe, vừa bớt được một phương tiện giao thông trên đường, vừa giúp chủ xe kiếm thêm tiền.

GrabCar ra đời, nhanh chóng được đón nhận.

* Còn Grabbike thì sao? Đó đúng là một “cú” lạ lùng?

Năm 2015, tôi nhìn dòng xe máy nối đuôi nhau mỗi ngày tiến vào trung tâm thành phố, khoảng một nửa số xe đó trống phía sau. Một người sử dụng một xe máy là quá phí phạm và gây kẹt xe.

Tôi thầm nghĩ, mình làm được GrabCar, sao mình không làm luôn đối với xe máy? Vậy là Grabbike ra đời từ ý tưởng của tôi.

Các cộng sự xúc tiến rất nhanh. Grabbike được đón nhận nồng nhiệt và phát triển ngoài dự kiến. Hầu như ai cũng sở hữu một chiếc xe máy, chỉ cần muốn kiếm tiền là họ có thể trở thành tài xế Grabbike.

Đặc biệt, đó là cơ hội việc làm tuyệt vời cho những sinh viên muốn làm thêm hay những người thất nghiệp mà có xe máy trong tay.

Các tài xế xe ôm truyền thống cũng tham gia Grabbike rất nhiều. Bởi đơn giản, họ có được nhiều “cuốc” xe hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.

Chỉ hơn một năm ra đời, Grabbike đã có hàng chục ngàn người tham gia làm tài xế, tính ở Sài Gòn và Hà Nội.

Xe nhàn rỗi sẽ biến mất, bộ mặt giao thông sáng sủa hơn

* Tính đến thời điểm này, điều lớn nhất mà Grab làm được là gì?

Tôi luôn nghĩ và luôn muốn nói về việc mình đã tham gia góp phần cải thiện giao thông thế nào. Rõ ràng, khi Grab hoạt động mạnh hơn, xe nhàn rỗi bị thu hẹp dần và sau này sẽ biến mất.

Bạn có thể thấy đã bắt đầu có người lười đi xe máy, đón Grabbike, chi phí chỉ cao hơn tiền xăng một chút, nhưng đỡ phải lái xe, không phải gửi xe, bớt mệt.

Họ để xe máy ở nhà và đón Grabike để đi. Vậy là ngoài đường bớt được một chiếc xe máy. Bạn cũng có thể thấy nhiều người chuyển qua suy nghĩ “không mua ôtô nữa, cần thì đi GrabCar”, giúp những cung đường bớt được nhiều ôtô.

Ở những nước tiên tiến, họ có dịch vụ thuê xe tự lái mà không cần trả xe về chỗ cũ. Đó là dịch vụ dùng chung  ôtô rất tuyệt vời, giảm được số lượng lớn xe trên đường. GrabCar hay Grabbike cũng phần nào giống với mô hình đó.

Mới đây, chúng tôi tung ra chiến dịch thu mua xe máy cũ. Vì nhiều bác tài xe ôm truyền thống than rằng xe của họ không đủ tốt để tham gia Grabbike. Chúng tôi thu mua xe cũ đó, tân trang lại hoặc đổi xe mới, tạo cơ hội cho họ được tham gia Grabbike.

Với những khách hàng có xe máy nhưng ít dùng, chúng tôi thu mua, cấp cho họ thẻ thanh toán. Họ chỉ cần cầm thẻ đó để di chuyển bằng Grabbike thoải mái trong thời gian dài tương đương thời gian khấu hao hết chiếc xe máy của họ.

Như vậy, họ trao cho chúng tôi chiếc xe và họ có người chở đi bất kỳ lúc nào. Việc này cũng giảm thiểu số lượng xe máy trên đường.

* Với Grab, điều gì khiến anh vui nhất?

Theo ước tính, hiện có khoảng 20.000 việc làm với Grabbike. Đó là điều khiến tôi vui nhất. Tôi không dùng xe riêng khi đi làm. Mỗi ngày, tôi trải nghiệm công việc của mình bằng cách đón GrabCar, Grabbike.

Lên xe, tôi trò chuyện với các tài xế và thấy rất vui vì mình đã tạo ra được kế sinh nhai cho họ.

Một sinh viên có thể kiếm được khoảng 5 triệu đồng/tháng khi chạy Grabbike, đó là khoản thu nhập giúp sinh viên trang trải được việc học mà khó có công việc làm thêm khác tốt hơn được.

Tôi thấy vui khi một tài xế GrabCar khoe, từ ngày lái Grab, đón được khách liên tục, hầu như không phải chạy xe trống và đưa được nhiều tiền về cho vợ hơn.

Đặc biệt, khách hàng đi “xe ôm công nghệ” của Grab được hưởng dịch vụ tốt, tài xế lịch sự, sạch sẽ, lái xe an toàn. Khách lên xe GrabCar cũng vậy, họ chỉ phải trả khoản phí hợp lý và được biết trước giá cước để khỏi phải “hồi hộp nhìn đồng hồ ki-lô-mét trên xe”.

Tôi đặt ra chất lượng GrabCar: khách lên xe có cảm giác như lên xe của người nhà, xe sạch, không mở nhạc lung tung, phải hỏi ý khách đi đường nào, không lái xe dằn xóc.

Tài xế cũng phải lịch sự, biết ý, khách có bắt chuyện mới nói chuyện, khách đang nói chuyện với nhau, tài xế không chen vào.

Để được như vậy, chúng tôi mở nhiều khóa đào tạo cho tài xế và đào tạo liên tục.  Chúng tôi cũng cài đặt hệ thống đánh giá dịch vụ. Sau mỗi chuyến đi, khách hàng chấm vào mức từ 1-5 sao.

Tài xế nào bị đánh ít sao, không khắc phục sẽ bị loại. Tài xế nào được đánh nhiều sao, sẽ được thưởng. Cụ thể, với GrabCar, tài xế có số sao trung bình dưới 4,5 sẽ bị loại, còn với Grabbike thì dưới 4,7 sao.

* Kế hoạch của Grab trong năm mới là gì?

Chúng tôi đặt ra mục tiêu lớn: Màu đồng phục GrabBike sẽ phủ xanh khắp thành phố, giúp người dân giảm thiểu xe gắn máy.

Việc cấm xe máy chỉ là giải pháp “chẳng đặng đừng”, vấn đề là phải làm sao để người dân cảm thấy không còn lý do đi xe máy vì có phương án khác hợp lý hơn. Thành phố sẽ có metro nhưng chưa thay thế cho xe máy được.

Tôi ước mơ mọi người không sở hữu xe máy, xe máy chỉ dùng như phương tiện công cộng. Và sau đó, chúng ta sẽ tiến đến việc những chiếc xe máy công cộng ấy đều là xe máy điện để giảm ô nhiễm môi trường.

* Xin cảm ơn anh, chúc anh đạt được nhiều thành quả hơn nữa với Grab trong năm mới! 

Yên Khuê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI