Giám đốc bệnh viện công phụ trách chuyên môn hai phòng khám tư nhân

15/05/2020 - 10:08

PNO - Ông Phạm Hữu Quốc được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TPHCM) từ năm 2013. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, lần lượt vào các năm 2015, rồi 2019, có đến hai phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép hoạt động với vị trí bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật chính là ông Quốc.

Vi phạm các điều cấm

Cụ thể, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại số 274 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TPHCM được cấp phép hoạt động vào ngày 26/8/2015. Trước đó cả tháng, trên các phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Thẩm mỹ viện N.P. tưng bừng khai trương cơ sở mới tại địa chỉ này với “tuần lễ vàng” từ ngày 14-21/7 với nhiều khuyến mãi hấp dẫn.

Hiện địa chỉ này lại đang là trụ sở của một phòng khám nha khoa và một công ty xuất nhập khẩu, dù thông tin của Sở Y tế TPHCM vẫn thể hiện phòng khám đang hoạt động. Tại phòng khám này, ông Quốc phụ trách chuyên môn kỹ thuật.

Ông Phạm Hữu Quốc từng bị tố cáo về hành vi thu gom khẩu trang bán giá cao 
Ông Phạm Hữu Quốc từng bị tố cáo về hành vi thu gom khẩu trang bán giá cao 

Ngày 26/2/2019, khi chi nhánh Công ty TNHH Mailisa được cấp phép hoạt động với hình thức phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, ông Quốc lại tiếp tục là người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của đơn vị này.

Khi xác minh tại địa chỉ của phòng khám là 86-88-92 Huỳnh Văn Bánh, P.15, Q.Phú Nhuận, TPHCM, chúng tôi được biết, tại đây thực hiện các dịch vụ chăm sóc da, spa, nâng mũi và các thủ thuật tiểu phẫu thẩm mỹ, nhận khách từ 7g30-18g, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Nhưng trên giấy phép do Sở Y tế TPHCM cấp, cơ sở chỉ hoạt động từ 17g-21g các ngày trong tuần, riêng thứ Bảy và Chủ nhật làm việc từ 8g-21g.

Theo quy định của Bộ Y tế, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, với tư cách là giám đốc một bệnh viện quận, làm sao ông Quốc có thể đáp ứng đúng và đủ cùng lúc các đòi hỏi về chuyên môn liên quan đến hai phòng khám tư nhân còn lại?

Theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám phải đáp ứng điều kiện là người làm việc toàn thời gian tại phòng khám đó. Bộ Y tế cũng quy định như trên.

Sở Y tế cấp phép “dễ như cho” 

Khoản 13, Điều 6, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước”.

Chưa hết, nếu quay lại thời điểm ông Quốc đang còn làm việc tại Phòng Thanh tra Sở Y tế TPHCM, bỗng dưng ông lại được cấp chứng chỉ hành nghề y vào ngày 3/1/2013 với phạm vi hành nghề là chuyên khoa tai mũi họng và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Trong khi, theo Thông tư 41/2011/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 14/11/2011, thời gian khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề là thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh kể từ ngày người đó bắt đầu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp văn bằng chuyên môn đến ngày đề nghị cấp chứng chỉ, bao gồm cả thời gian học chuyên khoa hoặc sau đại học theo đúng chuyên khoa mà người đó đề nghị cấp.

Việc bắt đầu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp văn bằng chuyên môn được xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng. Vậy, với tư cách là thanh tra viên toàn thời gian tại Sở Y tế TPHCM, sao ông Quốc có thể hoàn thành các thủ tục, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề như trên?

Muốn chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, ông Quốc phải là bác sĩ có thời gian khám chữa bệnh ít nhất 54 tháng tại chuyên khoa đó. Năm 2013, ông mới có chứng chỉ hành nghề, vậy mà tháng 8/2015, ông đã là bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám tại số 274 Lê Văn Sỹ. Hơn nữa, lúc này, ông đã là Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp. Thế thì, bộ phận cấp phép liên quan các hoạt động chuyên môn của Sở Y tế TPHCM phải giải thích thế nào về trường hợp này? 

Theo những gì mà chúng tôi thu thập được, ông Quốc không phải là trường hợp duy nhất đang là nhân viên tại sở mà vẫn có thể lấy chứng chỉ hành nghề y dược.

Mới đây, hồi cuối tháng Hai, trong lúc cả nước căng mình chống dịch COVID-19, ông Phạm Hữu Quốc bị tố cáo về hành vi thu gom khẩu trang bán giá cao. Từ các thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội, UBND Q.Gò Vấp đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với ông Quốc, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Công an quận. Cuối tháng Tư, Công an Q.Gò Vấp xác định, hành vi của ông Quốc không có dấu hiệu phạm tội đầu cơ, nên không khởi tố. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI