Giảm đau chân khi đi giày cao gót

11/02/2014 - 20:04

PNO - PN - Nhiều chị em bị đau chân khi đi giày cao gót, làm thế nào để khắc phục?

edf40wrjww2tblPage:Content

Giam dau chan khi di giay cao got

Ảnh minh họa: internet

Chọn giày phù hợp

BS Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, có thể do chọn giày không phù hợp nên dẫn đến đau ở các điểm: ngón chân, gót, cổ chân, cẳng chân, khớp gối. Vì thế cần lưu ý:

Với những người có dáng mảnh mai thì có thể chọn giày gót nhọn, nhưng với những người mập mạp, nên chọn loại giày gót hơi dày để giữ được cân bằng.

Về chiều cao: cách thử giày là mang giày trên sàn, đầu gối thẳng, đứng nhón gót lên sao cho gót cách mặt đất khoảng 2,5cm. Nếu vẫn giữ được thăng bằng là chiều cao giày hợp với người, không giữ được thăng bằng thì đôi giày đó quá cao.

Về kích thước: chọn theo hình dáng bàn chân. Nên mua vào buổi chiều vì thời điểm này đôi chân lớn nhất. Phía lòng bàn chân cũng khác nhau, tùy từng cá nhân. Lòng bàn chân có thể hõm nhiều hoặc đầy, nếu hõm nhiều gọi là bàn chân lõm, quá đầy gọi là bàn chân bẹt. Bàn chân lõm quá mức hay bẹt cũng cần có loại giày dép phù hợp, nên chú ý đến đế giày, lớp đệm phải dày sao cho chỗ hõm của lòng bàn chân tương ứng với phần vòm ở khoảng giữa bàn chân. Nếu chọn giày không phù hợp, có thể gây đau các vùng khác của bàn chân như các nốt chai ở phần chân ngón cái, lòng bàn chân, hội chứng Morton - đau do chèn ép thần kinh ở vùng kẽ các xương bàn chân, viêm cân gan chân...

Về kiểu dáng: cần chọn giày vừa với chiều ngang và chiều dài bàn chân. Mũi giày nhọn hay bằng cũng phải dài hơn ngón chân từ 1,5 - 2cm để ngón chân thoải mái không quặp vào.

Mang đúng cách

Trong những lúc đi chơi xa, nên mang giày đế thấp. Mỗi loại giày sẽ phù hợp với những hoạt động khác nhau, nhưng nguyên tắc là phải thoải mái và vững vàng. Thời gian mang giày liên tục tốt nhất là dưới 5 giờ, nhất là các loại giày bít. Sau khi mang nên để giày nơi thoáng mát 24 giờ trước khi cất vào hộp, thay đổi giày luân phiên mỗi ngày (có ít nhất hai đôi giày để thay đổi).

Thói quen đi lết chân hay dậm chân quá mạnh đều không tốt cho sức khỏe của bàn chân. BS Thái Thị Hồng Ánh cho biết thêm, để giảm đau chân và chuẩn bị cho buổi diện giày cao gót vào hôm sau, có thể ngâm chân trong nước ấm vào cuối ngày từ 10 - 15 phút. Người bị tiểu đường không nên mang giày quá cứng, quá cao và không ngâm chân nước nóng vì có nguy cơ bị phỏng, trầy xước và nhiễm trùng. Người bị giãn tĩnh mạch không nên ngâm chân trong nước nóng vì làm bệnh nặng thêm. Có thể chườm mát quanh gót để giảm những cơn đau cấp tính, giảm phù nề; hoặc xoa bóp các vùng của bàn chân như cổ chân, gót chân, mắt cá chân, đốt ngón chân… để cơ bắp chân được thư giãn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI