Giảm chỉ tiêu lớp 10 không phải giải pháp phân luồng trong quyết định của Thủ tướng

02/05/2024 - 08:26

PNO - Theo PGS.TS Dương Bá Vũ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM “giảm chỉ tiêu lớp 10 công lập” không phải là giải pháp phân luồng được Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.

Cụ thể, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Dương Bá Vũ thông tin, Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kèm theo QĐ 522/QĐ-TTg từ năm 2018.

Trong đó, ở quyết định QĐ 522/QĐ-TTg, bên cạnh mục tiêu và chỉ tiêu, Thủ tướng còn định hướng các địa phương thực hiện 7 giải pháp có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phân luồng, bao gồm:

- Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

- Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

- Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

- Bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

- Huy động nguồn lực trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

- Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

PGS.TS Dương Bá Vũ cho hay, giảm chỉ tiêu lớp 10 công lập không phải là giải pháp phân luồng
PGS.TS Dương Bá Vũ cho hay, "giảm chỉ tiêu lớp 10 công lập" không phải là giải pháp phân luồng

Theo PGS. TS Dương Bá Vũ, nếu TP.HCM đã thực hiện hiệu quả cả 7 giải pháp trên thì việc phân luồng học sinh sau THCS sẽ thuận theo tự nhiên, đủ hấp dẫn để thu hút học sinh sau THCS vào trường nghề và các hệ thống giáo dục ngoài trường THPT công lập, đồng thời kèm theo đó là sự an tâm của phụ huynh, xã hội.

Nếu cả 7 giải pháp đã thực sự thực hiện hiệu quả, thì khó thể có sự lăn tăn của phụ huynh, học sinh, giáo viên khi TP.HCM giảm chỉ tiêu vào lớp 10 để thực hiện tốt chỉ tiêu phân luồng.

“Một điều cũng cần phải lưu ý rằng, trong cả 7 giải pháp mà Thủ tướng đưa ra nhằm thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS, thì không có giải pháp “giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10”.

Vì vậy, nếu cho rằng phải giảm chỉ tiêu vào lớp 10 để tăng phân luồng sau THCS là cách làm không thuận tự nhiên, và không thuận theo nguồn lực của thành phố. Dễ tạo một góc nhìn khác: có thể có biểu hiện đang chạy theo chỉ tiêu”- PGS. TS Dương Bá Vũ nêu vấn đề.

Ông đồng thời nhấn mạnh, việc được học phổ thông là quyền của trẻ em. Việc tạo điều kiện cho trẻ em học phổ thông là trách nhiệm của nhà nước và nhân dân, được quy định bởi Luật.

Theo ông, TP.HCM cần thực hiện tổng kết kết quả thực hiện 7 giải pháp trong Đề án phân luồng được Thủ tướng nêu ra, từ đó có định hướng phân luồng phù hợp.

Năm học 2024 - 2025, TP.HCM thực hiện tuyển sinh 71.020 chỉ tiêu lớp 10 THPT công lập, chiếm hơn 61% trong tổng số 116.296 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024. Tỷ lệ này trong nhiều năm nay được TP.HCM duy trì là 70%.

Việc TP.HCM đột ngột giảm sâu chỉ tiêu lớp 10 THPT công lập đã gây ra nhiều lo lắng cho phụ huynh, học sinh, giáo viên, khi năm nay là năm TP.HCM có số học sinh tốt nghiệp THCS cao nhất trong suốt nhiều năm. Điều này, theo các nhà giáo dục là không đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nên được tính toán lại.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI