Khi phụ nữ ở đô thị ngại sinh con - Bài cuối:

Giảm chi phí nuôi trẻ để khuyến khích sinh đủ con

11/05/2023 - 06:26

PNO - Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) - cho rằng, để khuyến khích các gia đình sinh đủ con, chính quyền các thành phố lớn nên có các chính sách hỗ trợ, như giảm bớt chi phí nuôi, dạy trẻ, khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu, sở thích.

Nên giảm chi phí nuôi, dạy trẻ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng ngày nay, trình độ dân trí đã cao nên ở các thành phố lớn, các gia đình hướng đến chăm sóc, nuôi dạy con toàn diện và không phân biệt con trai hay con gái. Họ không muốn sinh nhiều mà chỉ sinh 1 đứa để chăm sóc chu đáo. Thêm nữa, phụ nữ cũng muốn có thời gian phát triển bản thân, nghề nghiệp, giải trí. Đó là chưa kể, nuôi 1 người con ăn học, mua sắm đồ cho con, cho con học các kỹ năng cũng rất tốn kém. 

Cán bộ dân số ở tỉnh Nghệ An (bìa trái) đến tận các nhà dân tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình - ẢNH: PHAN NGỌC
Cán bộ dân số ở tỉnh Nghệ An (bìa trái) đến tận các nhà dân tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình - Ảnh: Phan Ngọc

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng, cần có biện pháp khuyến khích các gia đình sinh thêm con bởi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hóa và việc phụ nữ không sinh hoặc sinh ít thì sẽ không đạt được mức sinh thay thế. Theo bà, cần tăng chất lượng trường học, khu vui chơi, giải trí lành mạnh, trung tâm phát triển năng khiếu cho trẻ; hỗ trợ người mẹ trong một số hoạt động để họ có thời gian chăm sóc, đồng hành quá trình phát triển của con. Chính quyền các thành phố lớn nên hỗ trợ để các gia đình giảm bớt chi phí nuôi, dạy con, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ trẻ phát triển năng khiếu, sở thích bản thân cho đến khi trưởng thành.

Giáo sư Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho biết, trước thực trạng mức sinh thay thế ở TPHCM và một số địa phương giảm, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, các đối tượng tới năm 2030. 

Theo đó, TPHCM cần đẩy mạnh giáo dục, truyền thông; thông điệp truyền thông cần nhấn mạnh mặt trái của kết hôn muộn, của tình trạng không gia đình và ly hôn về các phương diện an toàn, tâm lý, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, sự phát triển của xã hội... Cần đổi mới chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng sống trong và ngoài nhà trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người vị thành niên, thanh niên, hạn chế hoạt động phá thai để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ, ngăn ngừa vô sinh. 

Cũng theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, để tăng mức sinh ở TPHCM, cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự điều phối liên ngành về công tác dân số, hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sinh đủ 2 con. Cần bãi bỏ mọi hình thức xử phạt việc sinh con thứ ba, không đưa việc sinh con vào tiêu chuẩn bình xét đối với mọi danh hiệu. 

Giáo sư Nguyễn Đình Cử cho hay, năm 2016, mức sinh thay thế của Trung Quốc là 1,62. Chính phủ Trung Quốc đã gỡ bỏ chính sách 1 con, đồng thời có nhiều biện pháp khuyến khích sinh con. Mức sinh thay thế hiện nay của TPHCM còn thấp hơn Trung Quốc năm 2016, nên cũng cần bãi bỏ các chính sách hạn chế sinh.

Ông đề nghị, chính quyền TPHCM cần có các chính sách khuyến khích các gia đình trẻ sinh đủ 2 con, như hỗ trợ tiền, miễn giảm các khoản đóng góp, kéo dài thời gian “vợ đẻ, chồng nghỉ”, miễn giảm học phí cho trẻ, khen thưởng các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con khỏe mạnh.

Xem trọng sức khỏe sinh sản

Về mức sinh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng, cần phải có kế hoạch chặt chẽ, điều hòa theo vùng. Hiện nay, mức sinh ở các thành phố thấp, có thể cho phép sinh con thứ ba, hạn chế sinh con thứ tư. Ở các vùng nông thôn, vùng có nhiều hộ nghèo, cần tiếp tục vận động kế hoạch hóa gia đình, bởi các gia đình ở đó vẫn sinh 5-6 con, thậm chí 8-9 con.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đang thực hiện một trong các bước của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.  Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị hiếm muộn, vô sinh góp phần tăng tỉ suất sinh - ẢNH: PHẠM AN
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đang thực hiện một trong các bước của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị hiếm muộn, vô sinh góp phần tăng tỉ suất sinh - Ảnh: Phạm An

Bà cũng nêu thực trạng đáng báo động là, TPHCM có mức sinh thấp nhưng cũng là địa phương có tỉ lệ phá thai rất cao, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe cho phụ nữ. Nạo phá thai thường gây biến chứng và tai biến nguy hiểm. Việc nạo phá thai dù an toàn cũng dễ gây viêm tắc 2 vòi trứng hoặc dính buồng tử cung. Bà nói: “Nếu chỉ bị viêm tắc 2 vòi trứng, vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm để có con, nhưng bị dính buồng tử cung thì vô phương. Đây là nguyên nhân gây vô sinh mà các bác sĩ cũng đành bất lực dù y học hiện nay đã rất phát triển”.

Cũng theo bà, các bé gái tuổi vị thành niên bỏ thai có thể bị các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, vô sinh. Việc nạo phá thai ở các cơ sở không có chuyên môn (như phòng mạch tư, nhà thuốc) có thể dẫn đến vô sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Do vậy, nếu chưa muốn có con thì nên tránh thai bằng cách dùng thuốc, bao cao su, đừng để mang thai rồi nạo phá thai.

Bà cũng đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở không được phép mà vẫn làm thủ thuật bỏ thai. Với những cơ sở được phép, nếu người cần phá thai là người chưa thành niên thì phải có cha mẹ đi cùng. Trường học nên có nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề về sức khỏe sinh sản, các bậc cha mẹ cần giáo dục, định hướng cho trẻ về giới tính, về tình dục an toàn. 

Đào tạo, đãi ngộ tốt cho cộng tác viên dân số

Với khẩu hiệu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, hiện đội ngũ này lại có trình độ không tương thích với công việc. Công việc lại quá nhiều, việc tuyên truyền, đưa các chính sách về đến tận thôn bản, phường xã sẽ khó khăn hơn trước. Để đạt được mục tiêu kép “vừa giảm sinh, vừa nâng cao chất lượng dân số”, theo tôi, cần có chính sách tăng cường đào tạo cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, đồng thời có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ này.

Ông Nguyễn Bá Tân 

Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An

Cần Thơ vận động sinh đủ 2 con 

TP Cần Thơ là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (1,74 con/phụ nữ) so với mức chung của cả nước. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, xu hướng giảm sinh là rất đáng lo. Do đó, sắp tới, chi cục sẽ đề xuất Sở Y tế TP Cần Thơ chấm dứt mô hình “Xã, phường, thị trấn không sinh con thứ ba”, chuyển sang vận động “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”. Chi cục cũng sẽ đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mức sinh chung của thành phố về mức sinh thay thế trung bình (2,1 con/phụ nữ), giảm chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị.

* Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Y tế Phương Châu - 10 năm qua, Khoa Hiếm muộn IVF Phương Châu đã tư vấn cho hơn 31.500 cặp gia đình hiếm muộn và đã chào đón hơn 3.000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sự ra đời của Khoa Hiếm muộn IVF Phương Châu đã góp phần phục vụ nhu cầu điều trị vô sinh, hiếm muộn cho các cặp vợ chồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi mà trước đó, họ phải đến TPHCM, TP Hà Nội hoặc ra nước ngoài điều trị. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào điều trị vô sinh, hiếm muộn cũng góp phần làm tăng mức sinh ở TP Cần Thơ.

Huỳnh Trọng

Phạm An - Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI