Giảm cân bằng thuốc chống rối loạn mỡ máu: “Dục tốc” hại thân!

09/05/2013 - 07:29

PNO - PN - Nhiều phụ nữ đang lạm dụng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu với mục đích giảm béo một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Cục Quản lý dược vừa gửi văn bản thứ hai đến các cơ sở y tế nhằm cảnh báo về tác dụng phụ nguy...

Dễ teo cơ, viêm gan

Gần đến ngày vu quy nhưng chị Huỳnh Thảo, Q.11, TP.HCM rất khổ sở vì “bề dày” quá khổ của mình. Dù nhịn ăn nhiều ngày nhưng cân nặng của chị vẫn ở mức 70kg. Nghe bạn bè “mách nước” dùng thuốc Lipisim sẽ giúp tiêu mỡ, xuống ký nhanh chóng, chị hí hửng “tự kê toa”. Tuy nhiên, uống thuốc một thời gian, chị cảm thấy cơ thể hay mệt mỏi, bụng đầy hơi, tay chân run.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, BV này đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị tăng men gan, ăn khó tiêu, nước tiểu vàng... do tự uống thuốc điều trị rối loạn mỡ máu hoặc do bác sĩ (BS) không chuyên khoa tim mạch và nội tiết kê toa, dù bệnh nhân không thuộc đối tượng dùng thuốc. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là sử dụng thuốc nhóm Fibrat. Tương tự, BV Nhân dân 115 TP.HCM cũng tiếp nhận một số bệnh nhân nữ bị vàng da, ăn khó tiêu... do lạm dụng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu để giảm cân.

Đáng lưu ý, ngoài việc nhiều phụ nữ lạm dụng thuốc giảm béo còn có một số BS kê toa thuốc điều trị rối loạn mỡ máu. BS Phạm Hữu Văn, Trưởng khoa nhịp tim học BV Nhân dân 115 khuyến cáo: “Kỹ thuật xét nghiệm rối loạn mỡ máu hiện nay là một phương pháp dễ bị sai lệch. Do đó, những trường hợp được chẩn đoán rối loạn mỡ máu nhẹ thì nên thận trọng xem xét và cần có thời gian để xác định chính xác có bị rối loạn mỡ máu hay không. Và khi đã có kết quả chính xác là bị rối loạn mỡ máu, tùy theo mức độ định lượng mỡ máu và tình hình cụ thể của người bệnh như có nguy cơ bị xơ vữa động mạch đến mức nào mới có những chỉ định điều trị, chứ không phải trường hợp nào cũng uống thuốc.

TS-BS Phạm Hữu Văn cho biết, hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, nhưng phổ biến là hai nhóm Statin và Fibrate. Mỗi nhóm đều có tác dụng lên tình trạng rối loạn mỡ trong máu, nhưng mức độ ảnh hưởng khác nhau và có cả tác dụng ngoài ý muốn.

Ở nhóm Statin có nhiều loại thuốc. Một số loại thuốc trong nhóm này có tác dụng điều trị dự phòng rất tốt cho bệnh nhân có nguy cơ cao xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây ra tổn thương cơ, thậm chí tổn thương gan (tuy hiếm gặp). Vì đây là loại thuốc uống dự phòng nên nhiều bệnh nhân nhầm lẫn cho rằng thuốc có tác dụng tiêu mỡ, giúp giảm béo nên tự sử dụng.

Nhóm thuốc Fibrate dùng chủ yếu cho người bị tăng tryglyceride có thể làm tổn thương tế bào gan, đặc biệt là ở người gan đã có bệnh trước đó. Vì vậy, nếu sử dụng thuốc này cần phải kiểm tra chức năng gan trước khi dùng và theo dõi chặt chẽ chức năng gan, đặc biệt trong thời gian đầu điều trị. Với bệnh nhân bị xơ gan, viêm gan siêu vi, phải cân nhắc khi sử dụng thuốc.

Giam can bang thuoc chong roi loan mo mau: “Duc toc” hai than!

Các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu thuộc nhóm Statin có tác dụng phụ là gây tổn thương cơ, thậm chí tổn thương gan

Hai lần cảnh báo

Trong hai năm 2011-2012, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ liên tục đưa ra các thông báo về độ an toàn kèm theo yêu cầu cần thay đổi thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu của nhóm thuốc Statin. Trước đó, vào năm 2008, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan quản lý dược của các nước cảnh báo về nhóm thuốc Statin; Cục Quản lý dược đã gửi công văn đề nghị các cơ sở cập nhật thông tin liên quan đối với thuốc nhóm Statin vào tờ hướng dẫn sử dụng và tờ tóm tắt đặc tính sản phẩm của thuốc. Tại Việt Nam, nhóm thuốc Statin hiện đang lưu hành dưới dạng chế phẩm đơn thành phần (atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin, simvastatin) và chế phẩm phối hợp (phối hợp simvastatin với ezetimib hoặc atorvastatin với amlodipin).

Theo báo cáo từ WHO và cơ quan quản lý dược ở các nước thì nhóm thuốc Statin có nguy cơ gây ra các phản ứng có hại với hệ cơ như: teo cơ, viêm cơ; đặc biệt với bệnh nhân vốn có yếu tố nguy cơ (bệnh nhân trên 65 tuổi, bệnh nhân bị thiểu năng tuyến giáp không được kiểm soát, bệnh nhân mắc bệnh thận). Những bệnh nhân này cần phải được theo dõi chặt chẽ các phản ứng có hại trong quá trình dùng thuốc.

Muốn giảm cân, giảm mỡ trong máu, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp không dùng thuốc như: tăng vận động, giảm cân khi thừa cân, béo phì, chế độ ăn cữ mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật.

 Thanh Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI