Học rất giỏi vẫn thi trượt
Mấy ngày nay, không khí gia đình học sinh N.V.N. (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) lúc nào cũng nặng nề, ngột ngạt.
N. đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chu Văn An, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Kết quả, N. chỉ thiếu 1,25 điểm ở nguyện vọng 1 (Trường THPT Chu Văn An lấy điểm chuẩn 43,25 - cao nhất TP.Hà Nội). Trường THPT Nguyễn Gia Thiều lấy điểm chuẩn 41,75 nhưng theo quy định, điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 phải nhiều hơn một điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, tức là N. phải đạt 42,75 điểm mới trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Việc N. bị trượt cả hai nguyện vọng là cú sốc không chỉ với riêng N., với gia đình N. mà còn với thầy cô của N., bởi N. nhiều năm là học sinh giỏi của một trường THCS nổi tiếng, thường xuyên đóng góp thành tích trong các cuộc thi mà trường này tham gia.
Trong “lịch sử” thi vào lớp 10, N. không phải là trường hợp hiếm. Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022, tỉnh Quảng Bình có hàng trăm học sinh giỏi, thi đạt điểm cao nhưng vẫn không được vào lớp 10 công lập. Ngược lại, có không ít học sinh chỉ đạt điểm dưới trung bình, vẫn trúng tuyển vào lớp 10.
Ở TP.Hà Nội, có đến 11 trường THPT lấy điểm chuẩn chỉ bằng phân nửa so với các trường ở tốp đầu. Trong đó, các trường THPT Minh Hà, Hợp Thanh, Ứng Hòa B, Nguyễn Văn Trỗi cùng lấy điểm chuẩn là 19. Một số trường lấy điểm chuẩn trong khoảng 16 - 17 điểm. Đặc biệt, điểm trúng tuyển vào Trường THPT Mỹ Đức C chỉ 15,75 và Trường THPT Bắc Lương Sơn là 15. Với điểm hai môn văn, toán nhân hệ số 2, thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn là đã trúng tuyển. Trong khi đó, ở tốp 10 trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất, thí sinh phải đạt hơn 8 điểm/môn.
|
Thí sinh thi lớp 10 năm 2022 tại TPHCM Ảnh: Tam Nguyên |
Chị T.K. (Q.Gò Vấp, TPHCM) rất tiếc nuối khi con không đậu vào lớp 10 của trường công lập chỉ vì lựa chọn nguyện vọng chưa hợp lý: “Cháu thi được 16,25 điểm, trượt cả nguyện vọng 1 (Trường THPT Nguyễn Trung Trực, 17 điểm), nguyện vọng 2 (Trường THPT Thạnh Lộc, 16,5 điểm) và nguyện vọng 3 (Trường THPT Phan Đăng Lưu, 16,5 điểm). Đáng nói là, nếu cháu chọn Trường THPT Phan Đăng Lưu là nguyện vọng 1 hoặc 2 thì đã đậu rồi bởi trường này lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 là 14,5 điểm, nguyện vọng 2 là 15,5 điểm, nguyện vọng 3 là 16,5 điểm. Nếu điểm thi của con quá thấp thì không nói, đằng này do chọn sai nguyện vọng mà rớt nên tôi rất tiếc”.
Học sinh H.S. (Q.5, TPHCM) thi được 23 điểm, cũng trượt cả nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (điểm chuẩn 23,25) và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Gia Định (điểm chuẩn 23,5). H.S. cho biết, năm nay, trường Gia Định và Nguyễn Hữu Huân có sự “đổi ngôi”. Các năm trước, điểm chuẩn vào trường Gia Định bao giờ cũng cao hơn trường Nguyễn Hữu Huân, nên em chọn trường Nguyễn Hữu Huân là nguyện vọng 1, trường Gia Định là nguyện vọng 2. Nếu đổi lại, em đã đủ điểm đậu vào trường tốp đầu. Do chọn nhầm nên em đành ngậm ngùi học ở một trường thuộc tốp dưới theo nguyện vọng 3.
Năm nay, ở TPHCM, có chín trường lấy điểm chuẩn là 10,5, tức trung bình 3,5 điểm/môn vẫn đậu, nhưng ở các trường “hàng tốp” như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (24,25 điểm), thí sinh vẫn rớt dù thi đạt 8 điểm/môn.
Điểm chuẩn vào các trường luôn biến động qua từng năm, gây khổ cho học sinh khi chọn nguyện vọng trước mỗi kỳ thi. Chỉ cần ghi thứ tự nguyện vọng khác đi, kết quả có thể là đậu hoặc không đậu vào trường công lập.
Có giải pháp nhưng thực hiện chưa tốt
Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - cho rằng, năm nào cũng có tình trạng học sinh đạt điểm khá, giỏi mà vẫn trượt vào trường công lập do đặt nhầm nguyện vọng. Nghịch lý là người có học lực kém vẫn vào được lớp 10 công lập, học lực khá, giỏi lại trượt. Nghịch lý này tạo ra áp lực lớn cho học sinh, buộc các em ở độ tuổi 15 này phải dự đoán điểm chuẩn của các trường và điểm thi của mình để đăng ký nguyện vọng, rồi hồi hộp chờ kết quả như kiểu đặt cược vào một canh bạc đầy may rủi.
Không ít ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi vào lớp 10, chỉ nên xét tuyển, nhằm giảm bớt áp lực lên học sinh, phụ huynh, tránh lãng phí công sức, tiền bạc. Một số người lại cho rằng, đây là điều không thể, trong bối cảnh hiện nay.
Hơn 20 năm trong nghề, thầy giáo T.S. (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trước đây, ngành giáo dục tỉnh này từng chọn hình thức xét tuyển nhưng sau đó phải quay lại hình thức thi tuyển. Đó là do các trường THCS đánh giá không chính xác, khách quan về kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh. Nhiều thầy cô thương học trò nên cho điểm cao hơn năng lực của học sinh để các em có cơ hội vào lớp 10.
|
Thí sinh thi vào lớp 10 năm 2022 tại TPHCM trao đổi bài làm với nhau - Ảnh: Tam Nguyên |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cũng khẳng định, bệnh thành tích ở bậc THCS là nguyên nhân chính khiến việc xét tuyển trở nên bất công và khiến thi tuyển vào lớp 10 trở thành phương thức công bằng nhất. Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh chưa đến nơi đến chốn cũng tạo áp lực sĩ số quá lớn lên trường THPT công lập. Ông nói: “Nếu làm tốt việc phân luồng sau THCS thì đã không xảy ra sự căng thẳng, áp lực quá mức như hiện nay”.
Thay đổi cách đăng ký nguyện vọng để giảm áp lực Thừa nhận kỳ thi tuyển vào lớp 10 đang ngày càng căng thẳng, nhưng ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho rằng, đây gần như là điều khó tránh khỏi. Giải pháp là làm cho công tác thi tuyển hợp lý hơn, tăng cơ hội để thí sinh được vào những trường phù hợp với năng lực bản thân. Chẳng hạn năm nay, TPHCM tuyển được 96,8% chỉ tiêu, như vậy vẫn còn hơn 2.300 “suất” vào trường công lập trống chỗ, trong khi không ít học sinh khá, giỏi phải ngậm ngùi tìm cơ hội ở trường ngoài công lập. “Như vậy, có thể xem xét tăng số nguyện vọng vào lớp 10, có thể tăng lên năm nguyện vọng thay vì chỉ ba nguyện vọng như hiện nay. Tăng số nguyện vọng thì sẽ tăng cơ hội cho thí sinh và cũng tăng cơ hội để một số trường tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này sẽ tốt hơn việc để trường dư chỗ mà học sinh có năng lực lại bị rớt” - ông đề xuất. Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên cũng cho rằng, năm nay, thí sinh thi vào đại học có thể đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, ngành giáo dục có thể nghiên cứu, áp dụng cách này vào kỳ tuyển sinh lớp 10. Việc biết điểm rồi mới đăng ký sẽ giúp học sinh bớt “đau đầu” khi lựa chọn nguyện vọng, giúp các em tìm được trường phù hợp với năng lực bản thân. |
Cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu học sinh ở từng khu vực Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, về lâu dài, các địa phương đông dân như TPHCM và TP.Hà Nội cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu học sinh vào THPT ở từng khu vực, từ đó quy hoạch xây dựng, mở rộng trường, lớp cho từng giai đoạn. Theo ông, hiện nay, có nghịch lý là khu vực nội thành đông dân cư nhưng trường lớp lại thiếu nên phải dùng điểm chuẩn cao để hạn chế học sinh vào trường. Như vậy là đi ngược với chủ trương phổ cập giáo dục. Trong khi đó, trường ở ngoại thành lại được đầu tư xây to, rộng nhưng cư dân ít nên phải hạ điểm chuẩn xuống để thu hút học sinh. Điều này góp phần tạo nên sự thiếu công bằng bởi cùng học trường công lập nhưng chất lượng học sinh quá chênh lệch nhau. “Theo tôi, công tác quy hoạch, dự báo cần đi trước chứ không nên để tự phát. Mặt khác, nâng chất lượng trường tư và có giải pháp hỗ trợ học phí cho trường ngoài công lập cũng sẽ giúp “hạ nhiệt” cho khối công lập” - ông nói. |
Phụ huynh cũng cần thay đổi Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích: Hiện nay, sau bậc THCS, học sinh có hai hướng là học THPT và học trung cấp nghề. Tuy nhiên, đa số phụ huynh đều muốn con mình học THPT, sau đó vào đại học. Bên cạnh đó, học phí ở trường tư hiện nay đang cao hơn khá nhiều so với trường công. Việc phân luồng không tốt này khiến nhiều học sinh có học lực yếu vẫn đậu vào lớp 10, nhiều trường tư không có người học. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, có 95% học sinh học trường công lập, chỉ có 5% học trường tư thục. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo) việc phân luồng học sinh sau THCS là rất quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Mỗi học sinh có năng lực, nguyện vọng khác nhau. Không ít học sinh muốn học bậc cao hơn nhưng năng lực không phù hợp và ngược lại. “Các em có thể chọn học nghề, vì không nhất thiết phải vào đại học, cao đẳng mới có cuộc sống tốt” - bà nói. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa - người từng nổi tiếng về chống tiêu cực trong thi cử - cũng cho rằng, cần làm tốt công tác phân luồng sau THCS: “Hiện rất nhiều trường THPT ở nông thôn phải nhận cả những học sinh chỉ đạt trung bình 1 - 2 điểm mỗi bài thi. Vào được trường THPT rồi, các em biến việc đến trường thành những buổi đi chơi, vì đã học kém thì càng thấy sợ học và chán học”. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, chỉ có nhận thức của cả xã hội đúng mới giúp giảm được áp lực của kỳ tuyển sinh lớp 10. Từng cá nhân, từng phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận về ngành nghề. Có rất nhiều con đường để đi đến hạnh phúc và thành công; ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải bỏ công sức lao động thực sự và cũng đều cao quý như nhau. Chỉ khi nào người chọn con đường học nghề và người chọn con đường học thuật cùng nhận được những “cái nhìn” như nhau thì khi đó, áp lực thi vào lớp 10 mới thực sự giảm. |
Phương Thanh - Ngọc Minh Tâm