Giảm áp lực nuôi dạy con để tăng tỉ suất sinh

16/10/2024 - 06:03

PNO - Ngày 15/10, Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn”. Các đại biểu cho rằng, để khuyến khích người dân sinh con và sinh đủ số con, cần có những chính sách đồng bộ về phát triển dịch vụ, giảm gánh nặng thuế, giúp phụ nữ cân bằng giữa gia đình và công việc, tăng tuyên truyền về hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc khi làm cha mẹ…

Nhiều lý do ngại sinh con

Tiến sĩ Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM - cho biết, TPHCM đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,32 con/phụ nữ, tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên đến cuối năm 2023 là 0,73% và tỉ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%.

Ông nhận định: “Tính đến cuối năm 2023, dân số TPHCM là 9.456.661 người. Nhìn chung, quy mô dân số TPHCM tăng chậm. Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như tốc độ già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội”.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 15/10 ẢNH: NGUYỄN QUANG
Hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 15/10 - Ảnh: Nguyễn Quang

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - lý giải, TPHCM có quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình về tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái… Áp lực đó khiến cư dân có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. Bên cạnh đó, hạ tầng, các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường... còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được mong đợi của các cặp vợ chồng trong việc chăm sóc con cái. Ngoài ra, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, sự thay đổi về quan điểm sống của giới trẻ cũng có tác động nhất định dẫn đến mức sinh thấp. Số ca phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát gia tăng cũng là những yếu tố khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Chia sẻ với hội thảo, chị Trần Thị Xuân Đào - 31 tuổi, đang làm việc trong ngành dược ở TPHCM - cho hay, chị vẫn chưa đủ tự tin để kết hôn và sinh con do còn nhiều khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Thêm nữa, những người đồng trang lứa với chị được tiếp cận nhiều đối tượng, có nhiều lựa chọn về người bạn đời. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mạng xã hội, những người như chị luôn mong muốn có người bạn đời hoàn hảo và thường cảm thấy cuộc sống hôn nhân trong đời thực không như mình mong đợi nên có tâm lý thất vọng, thiếu tự tin. Chị nói: “Tôi cũng muốn kết hôn, sinh con nhưng lại rất thiếu tự tin, lo sợ đủ điều: sợ bạn đồng hành không cùng chí hướng, quan điểm, sợ mình chưa đủ điều kiện để nuôi con, giáo dục con”.
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM - kể, bà cũng có con gần 30 tuổi, có người yêu nhưng hối mãi vẫn không chịu cưới bởi các con cho rằng cần thêm thời gian để khẳng định bản thân, để có sự nghiệp.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Phạm Chánh Trung cho rằng, để nâng cao mức sinh, bên cạnh giải pháp truyền thông, hỗ trợ y tế, người dân phải an tâm rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất. Muốn như vậy, sự đầu tư không chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho việc sinh con mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt, bao gồm tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với dịch vụ giáo dục có chất lượng tốt, chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng như đời sống tinh thần khỏe mạnh và môi trường trong lành.

“Bên cạnh đó, các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế phải hướng đến hỗ trợ các cặp vợ chồng nuôi con đến 18 tuổi thông qua việc hỗ trợ học phí, thời gian chăm sóc trẻ, đặc biệt là chế độ hỗ trợ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ, chưa thể gửi nhà trẻ. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là có phương án giảm bớt gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến” - ông nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC LỘC Viện trưởng Viện Nghiên cứu dời sống xã hội
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dời sống xã hội

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc - Phó chánh văn phòng Thanh tra TPHCM - đề xuất, cần tháo gỡ một số rào cản về pháp lý để việc khuyến sinh trở nên toàn diện hơn. Chẳng hạn, không nên đánh giá tiêu cực, thậm chí kỷ luật cán bộ, công chức, đảng viên chỉ vì họ sinh con thứ ba, bởi họ thường có điều kiện để chăm lo toàn diện cho con cái.

Nhìn từ góc độ kinh tế, chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - nhận định, chính sách thuế hiện nay có nhiều bất cập. Ông đề nghị, cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho người có con, nhằm làm tăng động lực sinh con trong dân, đồng thời nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, đa dạng hóa cơ cấu giảm trừ, như cho phép khấu trừ các chi phí liên quan đến nuôi dạy con cái. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động nuôi con nhỏ.

Ông nói: “Khi được giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ người lao động có con nhỏ, như xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo ngay tại nơi làm việc; cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà; hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chăm sóc con cái; tạo điều kiện để cho người lao động có con nhỏ làm việc linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ này sẽ giúp người lao động giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái, cân bằng giữa công việc và gia đình, từ đó nâng cao năng suất làm việc và lòng trung thành với doanh nghiệp”.

Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Bác sĩ Lê Khắc Tiến (Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận) nhận định, sức khỏe sinh sản là một trong những vấn đề quan trọng của tỉ suất sinh. Ngoài các nguyên nhân về kinh tế và xã hội, tỉ suất sinh giảm còn do các yếu tố sức khỏe và sinh học. Áp lực công việc và cuộc sống ở các thành phố lớn ngày càng căng thẳng làm tăng nguy cơ hiếm muộn, tăng biến chứng khi mang thai và giảm chất lượng dân số ở tương lai. Ông đề nghị, để khuyến sinh, cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, quan tâm chính sách bảo hiểm y tế liên quan đến sức khỏe sinh sản, chẳng hạn như hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật cơ bản.

Tiến sĩ CAO THANH BÌNH Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM
Tiến sĩ Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM

Thay mặt đơn vị tổ chức hội thảo, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cảm ơn các đại biểu, chuyên gia đã quan tâm, tham gia và đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất có giá trị. Bà khẳng định, sau hội thảo, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ tiếp tục nối dài câu chuyện này và rất mong tiếp tục nhận được những bài viết, ý kiến của các chuyên gia để tìm thêm giải pháp cho vấn đề khuyến sinh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” - Ảnh: Nguyễn Quang

Chia sẻ của 2 bà mẹ 3 con

Chia sẻ tại hội thảo, chị Trần Thị Thùy Trang cho hay, đã kết hôn được 13 năm, có 3 con. Vợ chồng chị là lao động phổ thông, thu nhập không cao nhưng chị vẫn gói ghém, cân đối được để nuôi con. Các con chị đều học trường công lập nên chi phí cho học tập cũng không nhiều. Chị nói: “Mình không suy nghĩ quá nhiều. Đừng sợ sinh con ra rồi không nuôi nổi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng có cách giải quyết. Trong cuộc sống, cũng có những lúc gặp khó khăn nhưng chúng tôi có vợ có chồng, đồng cam cộng khổ, chia sẻ, động viên và cố gắng cùng nhau vượt qua”.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc cũng có 3 con. Một ngày của chị bắt đầu từ 4g và kết thúc lúc 23g bởi chị vừa công tác, vừa chăm sóc gia đình. Theo chị, áp lực công việc và cuộc sống không nặng nề bằng việc chị bị kỷ luật do sinh con thứ ba khi đang là cán bộ, công chức, đảng viên. Hiện tại, các con chị đã lớn, đang học phổ thông và đại học nhưng vợ chồng chị vẫn sắp xếp thời gian đưa đón vì thấy hạnh phúc. Trong gia đình, vợ chồng chị hỗ trợ nhau việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái nên chị cũng không quá nhọc nhằn trong việc nuôi dạy con. Chị cho rằng, để cuộc sống ổn định, nuôi dạy con chu toàn, nền tảng kinh tế là yếu tố quyết định.

Đừng xem kết hôn và sinh con là việc riêng

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang đối diện với vấn đề dân số, cụ thể là tỉ suất sinh giảm. Năm 2012, Viện quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản dự báo, dân số đất nước này năm 2100 là 50 triệu người và năm 3000 là 62 người. Đó cũng là vấn đề mà Hàn Quốc sẽ phải đối mặt bởi theo dự báo, vào năm 2100, Hàn Quốc có khoảng 20 triệu dân (mất hơn 61% dân số so với năm 2020). Tương tự, có 38/40 nước có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỉ suất sinh (TTSS) dưới 2.

TTSS thấp là do lãnh đạo các nước, các chủ doanh nghiệp không coi việc tái tạo con người, tái tạo gia đình là điều kiện tiên quyết và là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển bền vững, để dân tộc trường tồn. Khi TTSS dưới 2 kéo dài trên 20 năm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn lao động, kinh tế trì trệ, sụt giảm nguồn thu ngân sách. Điều này làm cho triển vọng kinh tế xã hội xấu hơn, làm cho những người đến tuổi kết hôn ngại kết hôn, người đã kết hôn ngại sinh con, từ đó tiếp tục làm giảm TTSS.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại hội thảo - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận thức rõ hệ lụy của việc dân số ngày càng giảm, các quốc gia trên đã nỗ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con, tốn hàng chục tỉ USD mỗi năm, với mục đích phục hồi TTSS trở lại mức cao hơn nhưng đều không thành công. Đó là do các nước bắt đầu chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con quá muộn. Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo về hậu quả tỉ suất sinh giảm (dân số năm 3000 chỉ còn 500 người), nhưng dù đã chi 20 tỉ USD/năm từ năm 2018 đến 2020, Thủ tướng Nhật Bản năm 2023 vẫn tuyên bố: “Khủng hoảng lớn nhất hiện nay của đất nước là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ giải quyết được”. Ngoài ra, khả năng hỗ trợ tài chính của chính phủ để các gia đình có thể nuôi và cho 2 con đi học đến 18 tuổi rất hạn chế, nếu các chủ doanh nghiệp không vào cuộc thì sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề này.

Từ đó cho thấy, để phát triển dân số, phát triển đất nước bền vững, để gia đình và người dân hạnh phúc, ngoài các giải pháp đồng bộ về kinh tế, hạ tầng, dịch vụ, y tế, giáo dục… thì cốt lõi nhất vẫn là phải thay đổi triết lý quản trị đất nước, đó là không lấy tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu mà phải lấy hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc làm mục tiêu cao nhất, tăng trưởng kinh tế là một công cụ quan trọng. Chỉ khi đó, đất nước mới có đủ quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và trí tuệ để thay đổi chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, làm cho kết hôn và sinh con, sinh từ 2 con trở lên trở thành mong ước của mỗi người dân, của các chủ doanh nghiệp, trở thành cương lĩnh hành động của các đảng phái, là một thước đo bắt buộc của thành công với mỗi chính phủ.

Kết hôn và sinh con là sự lựa chọn và quyền của mỗi công dân, nhưng đó cũng là yếu tố quyết định dân tộc có tồn tại lâu dài hay sẽ tự tiêu vong. Một xã hội coi kết hôn và sinh con chỉ là việc riêng, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với đất nước thì xã hội đó sẽ tự tiêu vong.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM

Đẩy mạnh truyền thông về hạnh phúc gia đình

Từ 10 năm trước, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức các lớp tiền hôn nhân và duy trì mô hình này cho đến nay. Hiện nay, hội còn có các lớp về sức khỏe, đặc biệt là các lớp học làm cha mẹ, thành lập các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và vận động các gia đình trẻ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ… Đây cũng là một số cách làm gián tiếp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người trẻ và cùng hướng đến việc nâng mức sinh.

Để nâng mức sinh, theo tôi, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hạnh phúc đôi lứa, hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc khi làm cha mẹ, khi đón đứa trẻ chào đời… Đặc biệt, trong công tác truyền thông, cần quan tâm đến tình huống gia đình chỉ sinh 1 con mà cha mẹ, ông bà lại không có chế độ hưu trí.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Thay đổi cấu trúc giá trị trong nhận thức của người trẻ

Xã hội đang bước vào giai đoạn khiến người trẻ phân vân, lưỡng lự, thậm chí chênh vênh giữa giá trị phát triển cá nhân và giá trị gia đình. Với tôi, đó là một điều may mắn bởi còn phân vân là còn cơ hội để thay đổi. Do đó, khi tìm giải pháp cho vấn đề khuyến sinh, đừng bỏ quên giải pháp văn hóa. Hãy từng ngày, từng bước thay đổi cấu trúc giá trị trong nhận thức của người trẻ bằng cách dựng lại văn hóa gia đình. Tôi nghĩ, đây là việc không dễ làm nhưng chính quyền TPHCM cần làm, không phải cho riêng mình mà còn cho cả nước.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

Tăng thời gian nghỉ thai sản để con được chăm tốt hơn

Hiện nay, quy định 1 giáo viên mầm non phụ trách 3 trẻ và quy định đó sẽ cần rất nhiều giáo viên nhóm lớp. Là một người mẹ, là lãnh đạo nhà trường, tôi đề xuất nên cho người mẹ được nghỉ thai sản 9 tháng, bởi mẹ là người chăm sóc con tốt nhất, tốt hơn giáo viên mầm non.

Bà Lê Ái Sơn Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ

Lời cảm ơn

Để tổ chức thành công hội thảo “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn”, Báo Phụ nữ TPHCM đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, các chuyên gia và sự đồng hành của Hệ thống Y tế phụ sản 315, Bệnh viện Mỹ Đức.

Hệ thống Y tế phụ sản 315 là nơi chuyên cung cấp dịch vụ khám phụ khoa, khám sản khoa toàn diện, bao gồm khám bệnh (khám phụ khoa, sản khoa và hiếm muộn), phòng khám siêu âm 4D (siêu âm sản - phụ khoa, siêu âm có thai, siêu âm thai nhi), đo điện tim, đo tim thai, HPV, dịch vụ cấy que, đặt vòng, kế hoạch hóa gia đình.

Bệnh viện Mỹ Đức chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với mũi nhọn chuyên môn là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bệnh viện Mỹ Đức đã triển khai thành công và đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ như hiếm muộn, sản phụ khoa, nhi sơ sinh, nội tiết sinh sản...

Thiên Ân - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI