Hiện tượng “Modern Family”
Modern Family là sê-ri sitcom (hài kịch tình huống) phát sóng từ năm 2009 trên kênh ABC (Mỹ), được làm theo phong cách “giả tài liệu” (mockumentary), châm biếm, các nhân vật hư cấu thường xuyên nói chuyện trực tiếp vào máy quay. Nội dung xoay quanh cuộc sống thường nhật của các gia đình hiện đại kiểu Mỹ, trong đó có cả gia đình
Ngay khi ra mắt, Modern Family lập tức trở thành “hiện tượng” của truyền hình Mỹ và nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, giành được nhiều giải thưởng lớn cũng như được bầu chọn chương trình hay nhất nhiều năm liền, được mua bản quyền phát sóng ở nhiều kênh khác. Ngoài việc mang lại doanh thu khủng, thành công và xếp hạng của phim còn làm sống lại thể loại sitcom, đưa dàn diễn viên lên hàng “sao”. Bộ phim còn nhận giải Quả cầu vàng dành cho phim truyền hình âm nhạc/hài kịch xuất sắc nhất năm 2012.
|
Modern Family - sê-ri sitcom cảm động về gia đình của Mỹ |
Sau 11 năm “ngự trị” trên sóng truyền hình, Modern Family đã tạm biệt khán giả vào tháng Tư năm nay; đồng thời, sê-ri phim cũng vừa được giới thiệu lần lượt trở lại trên Netflix để tiếp tục câu chuyện của mình trong một không gian mới.
Vì sao một câu chuyện đặt ra từ 11 năm trước, đến nay không hề cũ và vẫn “hút” khán giả? Kịch bản hài hước, chân thực mang đến cảm giác vui nhộn, nhẹ nhàng, gần gũi? Đúng, nhưng chưa đủ. Sở dĩ Modern Family được chào đón, được truyền từ gia đình này đến gia đình khác bởi chính tư tưởng, thông điệp mà đội ngũ làm phim gửi gắm qua 200 tập phim, là vì nó xác định lại giá trị hai chữ “gia đình”.
Trước Modern Family, các bộ phim sitcom gia đình của truyền hình Mỹ có xu hướng nói về các gia đình truyền thống, gồm cha mẹ và con cái, thỉnh thoảng có ông bà. Thời điểm mới ra mắt, bộ phim nhận được sự ủng hộ lớn từ các gia đình đồng tính, vì đã đưa câu chuyện về một cặp đồng tính nam vào phòng khách của hàng triệu người Mỹ mỗi tuần. “Chúng ta thừa biết những định kiến gắn với mô hình gia đình truyền thống ra sao. Modern Family đã làm thay đổi điều đó. Nó cho thấy ngoài mô hình truyền thống đó, còn có thể có tất cả các mô hình gia đình ở đất nước này” - Johanna Blakley (Đại học Nam California) chia sẻ. Nói một cách khác, bộ phim đã đưa ra một quan điểm tiến bộ về quá trình phát triển của những gì cấu tạo nên “gia đình hiện đại” trong tổng thể đa dạng văn hóa.
Với Modern Family, Los Angeles hiện lên không phải là một địa ngục trần gian với những khu ổ chuột, băng đảng, bạo lực, thuốc súng hay một vùng đất khoái lạc. Đó chỉ là nơi những người Mỹ bình thường nhất sống một cuộc sống bình thường nhất, với những người mà họ yêu thương. Modern Family đã biến hiện thực điên rồ của đời sống gia đình thành một chiếc ti vi vui nhộn suốt hơn một thập niên.
Việt Nam… đứng ngoài hiện đại
Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân: “E dè khi nghe triển khai những tư duy mới về gia đình”
Những người làm game show đôi khi cũng muốn đưa những hình mẫu gia đình kiểu mới, chẳng hạn gia đình có thành viên là những người đồng tính hay chuyển giới, nhưng không dám làm vì dễ gặp khó khăn trong khâu kiểm duyệt. Chẳng hạn, ngay cả vấn đề con chung con riêng rất phổ biến hiện nay, các nhà sản xuất muốn truyền đi những thông điệp mới về chuyện này cũng hết sức dè dặt, vì cái gì mới rất dễ bị săm soi, bắt lỗi, nhiều khi bị dư luận phản ứng, nên tốt nhất là tránh. Kể cả một số nghệ sĩ mà tôi có dịp làm việc chung, họ cũng có tâm lý e dè khi nghe triển khai những tư duy mới về gia đình. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn có thể đề cập những vấn đề mới mẻ này trong các chương trình chiếu trên mạng.
Hương Nhu(ghi)
|
Trong xu thế phát triển hiện nay, cùng với những vận động và biến đổi của xã hội, gia đình Việt Nam chịu những tác động không nhỏ mà ở đó, gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái) trở thành xu hướng lựa chọn phổ biến không chỉ với giới trẻ. Tuy nhiên, đang có hai hiện tượng mới thú vị, đó là sự hiện hữu của mẹ/cha đơn thân và việc sống chung của những cặp đồng tính, dù chưa phổ biến nhưng có xu hướng tăng. Họ ở đâu, xuất hiện thế nào, được đề cập ra sao trên các phương tiện truyền thông giải trí ở ta?
Lên sóng năm 1998, Ở nhà Chủ nhật với một format thuần Việt nhanh chóng chiếm cảm tình công chúng Việt. Thông qua các trò chơi, tiểu phẩm chia sẻ mẹo vặt thiết thực trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, cách nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, mọi người dù ở lứa tuổi nào cũng có thể đón xem cùng người thân ngày cuối tuần. Tuy nhiên, sau chín năm phát sóng, chương trình đã nói lời chia tay khán giả vào cuối năm 2007, thay thế bằng Ô cửa bí mật.
Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ của các game show, hàng loạt game show về gia đình, các chương trình truyền hình có yếu tố gia đình cũng được “đà” đổ bộ. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như Cố lên con yêu, Con biết tuốt, Con nhà người ta, Con đến từ hành tinh nào?, Out of Control, Con tôi vô số tội, Gia đình thông thái, Thử thách lớn khôn, Gia đình hoàn mỹ, Bố ơi, mình đi đâu thế?…
Tuy nhiên, từ Ở nhà Chủ nhật - trò chơi truyền hình có tuổi đời “già” nhất trên sóng truyền hình quốc gia - đến nay đã hơn 20 năm, gia đình hiện đại ở Việt Nam trên các phương tiện truyền thông giải trí chủ yếu vẫn là gia đình theo kiểu truyền thống, nghĩa là cha mẹ, con cái, thỉnh thoảng có ông bà… Câu chuyện gia đình quanh đi quẩn lại ở không gian đó. Nếu khai thác câu chuyện mẹ/cha đơn thân hoặc người thuộc cộng đồng LGBT… mục đích cũng tạo chiêu trò, câu view phản cảm; họ chỉ được xem như một câu chuyện cộng thêm, bên lề… chưa được nhìn nhận như một nhân vật chính trong nhiều nhân vật chính của “bộ dạng” gia đình hiện đại. Thậm chí, trong số những game show về gia đình hiện tại, có ít chương trình đi vào những ngóc ngách li ti, tinh tế của đời sống gia đình; mà thiên về những trò chơi, những vòng thi, thử thách khoe tài năng, trí tuệ…
|
Phim Thưa mẹ con đi là một thành công hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam khai thác thành công yếu tố đồng tính |
Trong lĩnh vực phim truyền hình và điện ảnh, ít nhiều đã có một cuộc vượt thoát khỏi giới hạn lâu nay để chạm vào một phần của bức tranh gia đình hiện đại ấy. Phim truyền hình đã đề cập đến câu chuyện của những ông bố/bà mẹ đơn thân, như Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái… Người đồng tính trong phim điện ảnh gần đây nhất có Thưa mẹ con đi; trước đó có Hot boy nổi loạn, Lạc giới… Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đó vẫn là những đề cập dè dặt, chưa toàn diện. Vì thế, khi xem, ta không thấy có một sự thoải mái, nhẹ nhõm như ở Modern Family. Trong khi đó, trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam đương đại, mảng đề tài này vẫn còn mờ nhạt…
Chuyện kiểm duyệt hay chuyện tài năng?
Khi mang câu chuyện gia đình hiện đại hỏi một số biên kịch, đạo diễn… đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí ở ta, đa số đều thừa nhận họ cũng trăn trở về đề tài này; tuy nhiên, họ vẫn chọn mẫu gia đình truyền thống để khai thác. Lý do: an toàn, dễ “lọt” kiểm duyệt.
Lâu nay, những người làm giải trí ở ta có một thói quen, đó là, cái gì khó làm, gai góc, thường áp đặt cho “kiểm duyệt” để lý giải, biện minh. Và thực tế cũng cho thấy, ở ta, cũng đã có những tác phẩm lên sóng đầu xuôi đuôi lọt, thể hiện thành công đề tài mà nhiều người vẫn xem là giới hạn đó. Bộ phim gây sốt phòng vé Thưa mẹ con đi là ví dụ.
Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Là câu chuyện của “kiểm duyệt” hay tài năng của đội ngũ biên kịch, đạo diễn?
Những giới hạn bó buộc, cách nhìn và tư duy cũ, tài năng giới hạn… đã tạo ra một vùng trắng của khuôn dáng và bản chất của gia đình hiện đại trên các phương tiện truyền thông giải trí. Những câu chuyện gia đình là những câu chuyện xã hội, đồng thời cũng là những câu chuyện của văn hóa. Chúng kết nối với nhau trong cái nhìn biện chứng và theo kịp thời đại, hiện thực cuộc sống. Nhìn chưa toàn diện, hoặc không đủ tài năng để thể hiện nó ra, thì đừng bảo sao, giải trí Việt mãi giậm chân tại chỗ.
Biên kịch Phạm Hạ Thu: “Cũng trăn trở về những vấn đề gia đình thời hiện đại”
Một trong những phim đề tài gia đình ăn khách thời gian qua là Về nhà đi con, khai thác gia đình bố đơn thân nuôi ba cô con gái, nhưng khi có sự xuất hiện của nhân vật “cô Hạnh”, khán giả luôn mong bố Sơn “có đôi có cặp”. Đó là tâm lý thường tình của người xem. Một ví dụ để thấy rằng, khán giả vẫn luôn mong những kết thúc có hậu. Cho nên, việc phim truyền hình có xây dựng đề tài gia đình hiện đại (mẹ đơn thân/gà trống nuôi con) hay không thì cuối cùng thường sẽ luôn quy về những kết thúc tốt đẹp.
Lâu nay, biên kịch ít viết kịch bản về mẹ đơn thân hay phụ nữ mạnh mẽ “không cần đàn ông”, không phải đó là đề tài khó hay vấp phải những rào cản, mà đa phần ý tưởng thiên về suy nghĩ tích cực, trọn vẹn. Bản thân tôi cũng rất trăn trở về những vấn đề gia đình thời hiện đại, đã viết kịch bản phim Hổng cần đàn ông (đang phát sóng lúc 18g45 thứ Bảy hằng tuần, trên kênh VTV9). Nhưng cho dù phim có khai thác nhân vật mạnh mẽ, tự lập thế nào, thì sự thật của đời sống vẫn là: người phụ nữ nào cũng mong muốn được yêu thương, cần một bờ vai, một gia đình thật sự trọn vẹn. Cho nên, những câu chuyện biên kịch viết ra là sự chia sẻ, đồng cảm với những nỗi đau, gánh nặng của người mẹ đơn thân. Nhưng cuối cùng vẫn phải đi đến một kết thúc có hậu, tích cực, có ý nghĩa trọn vẹn. Phim truyền hình luôn cần có thông điệp rõ ràng như vậy.
Còn về việc khai thác nhân vật thuộc cộng đồng LGBT trên màn ảnh nhỏ, không phải biên kịch không nghĩ tới. Nhưng dạng nhân vật này, đặt họ bên cạnh tuyến nhân vật chính thì phù hợp. Còn nếu tập trung khai thác họ là tuyến chính thì e rằng sẽ khó ở khâu kiểm duyệt. Lâu nay cũng có nhiều phim truyền hình khai thác nhân vật đồng tính, họ được biên kịch, đạo diễn thể hiện khéo léo. Không nhấn mạnh vào yếu tố giới, không khai thác kiểu gây cười, để họ tự nhiên với những diễn tiến tâm lý. Và vì họ không phải là nhân vật chính nên chưa thấy được sự nổi bật.
Song Giang(ghi)
|
Đậu Dung