Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến khán giả ngại đến rạp và chọn giải pháp an toàn là "giải trí tại nhà". Dù không phải là loại hình giải trí mới nhưng ở thời điểm này, phim truyền hình và web-drama vẫn chứng tỏ sức hút của mình khi được lựa chọn nhiều nhất hiện nay.
Thế nhưng, khi nhu cầu tăng cao, cùng lúc có quá nhiều sản phẩm web-drama và phim truyền hình được tung ra, chất lượng trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt để thu hút khán giả.
Thời của phim truyền hình và phim chiếu mạng
Những năm gần đây, phim truyền hình dần lấy lại vị trí của mình khi yếu tố kịch bản, bối cảnh quay và chi phí đầu tư được đoàn phim chú trọng. Bên cạnh đó, cách khai thác câu chuyện có chiều sâu và đánh trúng tâm lý khán giả đã giúp phim truyền hình có hướng đi mới.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đa số người xem cho biết, phim truyền hình đang là một trong những lựa chọn hàng đầu. Nắm bắt nhu cầu khán giả, nhà đài ngay lập tức có những sự điều chỉnh.
VTV tăng thêm một buổi chiếu vào tối thứ Sáu hàng tuần để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Như vậy, phim trên VTV3 sẽ lên sóng từ thứ Hai đến thứ Sáu, thay vì từ thứ Hai đến thứ Năm như trước. Bộ phim Tiệm ăn dì ghẻ sẽ lên sóng 2 tập/tuần, Cô gái nhà người ta sẽ tăng lên 3 tập/tuần. Bên cạnh đó, VTV1 vẫn tiếp tục phát sóng bộ phim Sinh tử vào giờ vàng từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Trong tháng 3, VTV cũng ra mắt nhiều phim truyền hình mới như: Đừng bắt em phải quên (tiếp sau phim Sinh tử); Tình yêu và tham vọng sẽ thay thế Tiệm ăn dì ghẻ vào 23/3; Nhà trọ Balanha từ thứ Tư đến thứ Sáu trên VTV3, bắt đầu từ 19/3...
|
Cô gái nhà người ta được VTV tăng phát sóng trên khung giờ vàng |
Đạo diễn phim Cô gái nhà người ta - Trịnh Lê Phong cho biết: “Tôi không nắm rõ raiting của phim trước và sau thời điểm dịch bệnh, nhưng có một sự thay đổi rõ ràng là từ khi COVID-19 bùng phát, sự tương tác của khán giả, ý kiến bàn luận về bộ phim nhiều hơn, kéo theo đó, sức ảnh hưởng của phim cũng có phần lan rộng hơn".
Bên cạnh phim truyền hình, web-drama cũng được các nghệ sĩ đẩy mạnh trong thời dịch bệnh COVID-19. Thời gian gần đây, không ít web-drama nằm trong top thịnh hành trên kênh YouTube.
Hiếu bến tàu của Hồ Quang Hiếu thu hút hàng triệu view cho mỗi tập lên sóng. Đặc biệt, các tập phát trong thời điểm dịch bệnh có lượng view cao hơn 1-2 triệu so với các tập phát sóng trước đây.
Chia sẻ với Phụ nữ Online, Hồ Quang Hiếu cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ định làm 8 tập nhưng thời gian gần đây, lượt khán giả xem ngày càng tăng nên ê-kíp quyết định làm thêm 2 tập nữa. Đặc biệt, với tập 9 phát sóng mới đây, lượt xem tăng đột biến và cao nhất trong tất cả các tập. Ngoài ra, tập 9 còn trụ vững ở top 2 trending, chỉ thua MV mới của nhóm nhạc Hàn đình đám BTS”.
|
Lượt xem Hiếu bến tàu có sự tăng đột biến ở các tập trong thời dịch bệnh COVID-19 |
Không chỉ có phim của Hồ Quang Hiếu, Nhà trọ có quá trời phòng của Nam Thư cũng "được mùa" khi phát trong thời dịch bệnh COVID-19. Chọn đề tài gần gũi, Nhà trọ có quá trời phòng khai thác câu chuyện về những người xa quê, sống cuộc đời nghèo khó nhưng đùm bọc lẫn nhau trong một xóm trọ nghèo.
Các tập phát sóng của bộ phim đều nhận được lượt xem và tương tác tăng đều. Khi phim kết thúc cách đây vài ngày, ê-kíp của Nam Thư tiết lộ không ít khán giả mong muốn nhà sản xuất làm thêm phần 2 vì "xem chưa đã".
“Phim được ra mắt trước và trong thời dịch bệnh, lượt xem luôn tăng, đặc biệt các tập đều nằm top trending. Chính vì sức hút của phim và yêu cầu của khán giả, chúng tôi đang lên kế hoạch sản xuất phần 2. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến khó lường nên ê-kíp phải tính toán kỹ lưỡng để có biện pháp phòng tránh” – Nam Thư chia sẻ.
|
Web-drama của Nam Thư cũng nhận được những phản hồi tích cực |
Các phim web-drama khác cũng nhận được hiệu ứng không kém có thể kể như: Bố già của Trấn Thành, Tô An ký của Adam Lâm…
Mới đây, sau tuyên bố đóng cửa sân khấu kịch Hồng Vân vì vắng khán giả, NSND Hồng Vân đã công bố web-drama mới Đại Kê chạy đi. Phim sẽ chính thức ra mắt vào ngày 8/3 tới.
Lợi thế nhưng không được chủ quan
Với sự vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là các tác phẩm ăn khách như: Người phán xử, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ… phim truyền hình đang có hướng đi đúng trong sứ mệnh chinh phục khán giả. Thế nhưng, các nhà làm phim cũng không nên “ngủ quên” trong chiến thắng.
Nói về vấn đề này, đạo diễn phim Cô gái nhà người ta - Trịnh Lê Phong thẳng thắn: “Không thể phủ nhận dịch bệnh khiến nhiều người xem chọn các loại hình giải trí tại nhà, trong đó có phim truyền hình. Nhưng khán giả bây giờ rất khó tính, họ luôn tìm xem những bộ phim phù hợp thị hiếu nhưng phải đảm bảo chất lượng nghệ thuật.
Một bộ phim chỉ chạy theo lợi nhuận hoặc theo thời thế sẽ dễ bị đào thải, khán giả quay lưng. 2 năm trở lại đây phim truyền hình đang có sự khởi sắc, thu hút sự chú ý của khán giả nhiều hơn. Đó là thành công chung của phim truyền hình Việt Nam. Nhưng chúng tôi không bao giờ ỷ lại về việc "thiên thời địa lợi nhân hòa", mà luôn cố gắng hết sức để có bộ phim tốt nhất”.
Với web-drama, chính vì được phát miễn phí, rộng rãi trên YouTube, nên một số sản phẩm được phát hành tràn lan, thiếu tính chuyên nghiệp, kém chất lượng. Bên cạnh đó, nội dung nhạy cảm được khai thác không phù hợp lứa tuổi khán giả.
Web-drama được xem là hướng đi tốt cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Nhưng khi sự cạnh tranh của web-drama ngày càng khốc liệt, muốn có chỗ đứng, các nghệ sĩ phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo hơn nữa để “giữ chân” khán giả.
|
Để đầu tư tác phẩm Hiếu bến tàu, nam ca sĩ đã cầm cố nhà |
Nói về sản phẩm của mình, Nam Thư và Hồ Quang Hiếu đều có chung quan điểm: Phim chiếu mạng vẫn phải được đầu tư và thực hiện nghiêm túc. Nếu qua loa, cẩu thả, khán giả sẽ không ủng hộ dù họ không có nhiều lựa chọn để giải trí như trước khi dịch bệnh lây lan.
Rõ ràng, phim truyền hình và web-drama đang có nhiều lợi thế, nhưng các nhà làm phim lẫn nghệ sĩ cũng không thể chủ quan. Bởi cốt yếu, chất lượng nội dung của tác phẩm mới là khâu quyết định níu chân khán giả.
Đông Đông