Giải Trần Hữu Trang: Ghi nhận nhiều tài năng trẻ

31/03/2014 - 16:26

PNO - PN - Vòng 1 - Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 12/2014 đã khép lại sau đêm thi 30/3. Dù được tổ chức gấp rút để kịp có đêm trao giải trong khuôn khổ Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 1(dự kiến 23/4), nhưng vòng sơ tuyển...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một trong những điều đặc biệt của mùa giải năm nay là khán giả được gặp lại nhiều gương mặt thân quen ở những cuộc thi liên quan đến sân khấu cải lương trước đây: Lâm Ngọc Hoa (chuông Bạc - Chuông Vàng vọng cổ (CVVC) - 2012), Đặng Thị Mỹ Vân (chuông Bạc CVVC 2010), Nguyễn Hoàng Hải - giải Nhất giải thưởng Nguyễn Thành Châu lần thứ 4/2012… Ba trong số bảy TS ở giải Xuất sắc là những gương mặt vừa đoạt huy chương Vàng Giải Trần Hữu Trang lần thứ 11.

Đa phần những gương mặt quen đều thể hiện bước tiến về khả năng ca diễn trong cuộc tranh tài lần này. Ấn tượng và bất ngờ nhất có lẽ là Lâm Ngọc Hoa (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu). Chỉ sau sáu tháng kể từ ngày “rinh” chuông Bạc, Lâm Ngọc Hoa tiến bộ rất nhiều về giọng ca lẫn diễn xuất. Đầy đủ yếu tố để trở thành đào thương từ sắc vóc đến khả năng ca diễn, Lâm Ngọc Hoa đang là một trong những ứng viên sáng giá của chiếc huy chương Vàng năm nay.

Ngoài Lâm Ngọc Hoa, Bạc Liêu còn có đến tám TS khác lọt vào vòng 1, thực sự trở thành điểm sáng của mùa giải năm nay về chất lượng TS. Những đêm thi có sự góp mặt của TS Bạc Liêu như Lâm Ngọc Hoa, Trần Thoại Mỹ, Nguyễn Thị Diễm My, Nguyễn Văn Sơn, Mỹ Hạnh… luôn để lại cho khán giả nhiều cảm xúc đẹp. Những gì TS thể hiện trên sàn diễn còn cho thấy nỗ lực và sự đầu tư nghiêm túc, bài bản cho sân khấu cải lương của tỉnh Bạc Liêu.

Giai Tran Huu Trang: Ghi nhan nhieu tai nang tre

Lâm Ngọc Hoa, một trong những ứng cử viên sáng giá của Giải Trần Hữu Trang lần thứ 12/2014

Chỉ có ba TS dự thi (hai Triển vọng, một Xuất sắc) là Nguyễn Thị Kim Ngân, Võ Hồng Thủy và Nguyễn Phương Anh, nhưng Đoàn cải lương Tây Đô cũng là một trong những đơn vị có sự chăm chút cho TS từ cách lựa chọn trích đoạn, dàn dựng đến đầu tư cảnh trí, phục trang. Ở giải Xuất sắc, TS Mai Thắm (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An) là một gương mặt gây bất ngờ. Ngoài khả năng ca diễn, trích đoạn dự thi Hồn của đất còn được chính TS này chuyển thể từ vở kịch nói Âm binh (tác giả Nguyễn Quang Vinh). Tự chuyển thể, viết lời ca cho trích đoạn nên Mai Thắm đã tận dụng tối đa cơ hội để phát huy thế mạnh của mình trong ca diễn.

Dẫu vậy, những điểm sáng ấy vẫn chưa đủ sức để vòng 1 cuộc thi năm nay sôi động và nhiều kịch tính. Có một khoảng cách khá lớn trong khả năng ca diễn của các TS dự giải Triển vọng. Suốt ba đêm diễn đầu tiên, con số TS để lại ấn tượng đẹp cho người xem chỉ đếm chưa hết một bàn tay. Và, dù đa phần các TS dự thi là diễn viên (DV) của các đoàn cải lương chuyên nghiệp nhưng không ít DV chuyên nghiệp này lại mắc những lỗi cơ bản như rớt nhịp, giọng ca bị tù, thiếu sức truyền cảm. Bên cạnh đó, một số lỗi về phục trang, hóa trang ở TS cũng rất khó chấp nhận. Huỳnh Mơ với vai vợ Trương Định (trích đoạn Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy), dù bị kẻ thù đánh đập, tra khảo nhưng vẫn cứ “mặt hoa da phấn”, đẹp không tì vết đến khó chấp nhận. Hay kiểu hóa trang còn nặng tính nghiệp dư của Nguyễn Thị Kim Thùy, Bùi Mỹ Hạnh khi đóng vai già. Lối tư duy tạo hình nhân vật theo kiểu hễ đóng gái làng chơi là phải váy ngắn, mắt xanh, môi đỏ, tóc nhuộm vàng… vừa xưa cũ, vừa hạn chế diễn xuất của TS .

Lỗi phổ biến nhất từng xảy ra ở mùa thi trước, giờ lặp lại thậm chí nhiều hơn ở mùa giải năm nay là kiểu “khoe” mảng miếng dàn dựng của đạo diễn (ĐD) thay vì nên “khoe” bản lĩnh ĐD bằng thủ pháp dàn dựng, tôn vinh tối đa khả năng ca diễn của TS. Nhiều khán giả bày tỏ sự luyến tiếc với phần dự thi của Nguyễn Thanh Phong, Đinh Đặng Thanh Phương, Nguyễn Thị Chúc… bởi các TS này có khả năng ca diễn khá tốt nhưng lại rơi vào cảnh loay hoay, lúng túng với cách xử lý mảng miếng, không gian, cảnh trí của ĐD để rồi… hụt hơi đuối giọng. Bên cạnh đó còn là sự non kém trong chọn lựa trích đoạn và thiếu tinh tế, sắc sảo trong khai thác nội lực ca diễn của TS, yếu tố cực kỳ quan trọng ở một giải thưởng chuyên nghiệp như Trần Hữu Trang. Không hiếm những trích đoạn đơn thuần chỉ đầy nước mắt, khóc than, TS diễn xuất một chiều, đều đều, thiếu cao trào, thiếu điểm nhấn, người xem phát… mệt. Cá biệt, trích đoạn dự thi giải xuất sắc của TS Văn Thị Hiền lại giống với trích đoạn kịch nói vì rất ít bài ca. TS thoại lời theo phong cách của sân khấu cải lương và la hét gần hết phần thi của mình.

Vòng 2 - Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 12/2014 sẽ tiếp tục diễn ra tại Cần Thơ vào các ngày 18, 19, 20/4 và Bạc Liêu ngày 22/4.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI