|
Nghệ sĩ Võ Thành Phê dự thi vai Lộc trong trích đoạn Con cò trắng, ở mùa giải 2020 |
Tranh luận về nguồn kịch bản mới
Câu chuyện kịch bản mới được quan tâm hàng đầu trong buổi họp báo giới thiệu cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 vào sáng 13/7, tại TPHCM. Mùa trước, phần lớn thí sinh chọn kịch bản cũ để dự thi, thậm chí thi từ vòng bán kết đến chung kết một trích đoạn; hoặc nhiều thí sinh chọn trùng kịch bản... Có ý kiến đề xuất BTC hỗ trợ thí sinh trong việc tìm chất liệu mới, để tránh lặp đi lặp lại cái cũ.
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - cho biết việc tìm kịch bản mới, đặt tác giả viết mới rất khó, ngay với các đơn vị chuyên nghiệp. Việc chọn trích đoạn, kịch bản mới, đôi khi giám khảo không nắm được diễn biến trước đó của nhân vật, nên chấm không chính xác.
Theo ông, những vai được các thí sinh chọn thường là nhân vật mẫu. Khi xem, giám khảo có thể so thí sinh này với thí sinh kia, thấy sự mới mẻ trong cách thể hiện. Ông đánh giá thí sinh e dè, chứ không hẳn không có nhiều kịch bản. Giao BTC tìm, hỗ trợ kịch bản cho thí sinh là điều rất khó vì nhiều vấn đề: thời gian, kinh phí, nhân lực...
|
Hầu hết vai diễn, kịch bản dự thi ở mùa giải 2020 đều cũ. Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo dự thi vai Huyền Nga quận chúa trong trích đoạn Bão táp nguyên phong, đoạt huy chương vàng. |
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam - cho rằng BTC chỉ định hướng, việc tìm kịch bản, tìm đạo diễn... thuộc về thí sinh, đơn vị cử thí sinh tham gia. Tác phẩm cũ có nhiều đất diễn nên thí sinh có xu hướng chọn vì thấy an toàn. Bà khuyến khích thí sinh chọn kịch bản mang hơi thở mới.
NSND Thanh Tuấn phân tích thực trạng: "Hiện, thí sinh dễ dàng xem lại các kịch bản kinh điển, học theo và dự thi. Nhưng khi đặt họ vào kịch bản mới, họ lại không làm được. Đây là một lối mòn. Theo tôi, chỉ cần chọn kịch bản đã có, nhưng phải làm sao hệ thống được một loạt kịch bản hay, chứ không thể năm trước, năm sau cũng loanh quanh vài kịch bản".
|
NSND Thanh Tuấn tham gia buổi họp báo giới thiệu cuộc thi vào sáng 13/7 |
NSƯT Lê Thiện ví von cuộc thi như một buổi tiệc, nên người chủ trì phải có thời gian chuẩn bị nguyên liệu. Bà đề xuất phải có một ban sưu tầm kịch bản, nếu chưa làm được trong mùa này thì cần cố gắng làm trong mùa sau. Từ đó, BTC có thể nắm được khả năng thí sinh để phân bổ tác phẩm cho phù hợp, làm đa dạng sự lựa chọn cho họ.
NSƯT Thoại Mỹ, một trong những giám khảo của mùa thi năm 2020, nhận định tác phẩm dự thi hơi hạn hẹp, mong BTC có thể hỗ trợ thêm thí sinh, đưa ra lựa chọn giúp họ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM, Trưởng BTC - lưu ý, cái mới phải đảm bảo được sự mực thước, khuôn mẫu, cái hay, cái đẹp của cải lương. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lưu giữ nguồn kịch bản lớn, sẽ hệ thống lại để cung cấp cho các đơn vị.
NSƯT thi cùng diễn viên trẻ
NSND Thanh Tuấn nói khi đạt danh hiệu NSƯT thì nghệ sĩ đã có ít nhất 15 năm làm nghề, còn cuộc thi dành cho nghệ sĩ đủ 5 năm làm nghề trở lên. Vì thế, NSƯT có khả năng cao đoạt giải. Theo ông, BTC cần nghiên cứu lại đối tượng NSƯT được tham gia cuộc thi này.
NSƯT Lê Thiện đề xuất chia thành hai nhóm riêng. "Việc để NSƯT với thí sinh trẻ thi chung khiến tôi băn khoăn. Trong phạm vi một tiết mục thi 20 phút, nếu NSƯT có sơ suất, chúng ta có thể nể nang hơn. Như thế thì thiệt cho thí sinh trẻ thi cùng", bà nói.
Theo NSƯT Thoại Mỹ, việc phân chia theo đề xuất trên giúp ban giám khảo chấm điểm thuận tiện hơn so với hiện tại.
NSND Trịnh Thúy Mùi thì cho rằng cuộc thi đã có vòng sơ tuyển nên thí sinh vào chung kết đã "một chín một mười". Kết quả phụ thuộc sự thể hiện trên sân khấu. Chia hai cấp không công bằng trong đánh giá nghệ thuật.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định việc chấm chọn công bằng.
|
NSƯT Lê Trung Thảo dự thi ở mùa 2020, đoạt huy chương bạc |
Lịch trình cuộc thi
Cuộc thi dành cho những nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương trên phạm vi toàn quốc, bao gồm sân khấu công lập và ngoài công lập, có thâm niên hoạt động trên 5 năm (tính từ năm 18 tuổi). BTC miễn vòng thi sơ tuyển đối với thí sinh đã đoạt huy chương vàng của giải thưởng Trần Hữu Trang những năm trước (trừ năm 2020) và huy chương bạc tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2020.
Vòng sơ tuyển tổ chức ở 3 địa điểm: TPHCM (dành cho thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ, từ 9-12/9, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Hà Nội (dành cho thí sinh từ Thừa Thiên - Huế trở ra, từ 14-15/9, tại Nhà hát Cải lương Việt Nam); Cần Thơ (thí sinh thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ 17-20/9, tại Nhà hát Tây Đô).
Vòng chung kết diễn ra từ 18-22/10, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Lễ trao giải dự kiến vào ngày 22/10, tại Nhà hát TPHCM.
BTC sẽ trao 30 huy chương, trong đó có 10 huy chương vàng, 20 huy chương bạc gồm các thể loại vai: kép mùi - đào mùi, kép độc - đào lẳng, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài. Thành tích được tính để xét danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ do Nhà nước phong tặng.
Có 5 giám khảo chấm vòng sơ tuyển. Số lượng này ở vòng chung kết là 7, gồm các nghệ sĩ, chuyên gia, giảng viên, hoạt động nghệ thuật lâu năm, có chuyên môn cao, uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương.
Trung Sơn