Giải tỏa nỗi lo thái quá hậu COVID-19

25/01/2022 - 06:16

PNO - Khi TPHCM bước vào “bình thường mới”, đội ngũ y bác sĩ trực đường dây nóng 1022 ngỡ đã có thể thở phào. Nhưng đến nay, họ vẫn dành nhiều thời gian đón những cú chuyển máy bất ngờ. Phần lớn các cuộc gọi đều liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Phải học cách chấp nhận hiện tại 

Điện thoại reo, bác sĩ Lê Thành Tân, quyền Trưởng bộ môn tâm thần Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhấc máy. Đầu dây bên kia, người phụ nữ giới thiệu mình tên T. cho biết, suốt ba tháng kể từ khi hết bệnh COVID-19, chị luôn cảm thấy cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi, làm việc không hiệu quả khiến chị rất thất vọng về bản thân.

Rất nhiều bệnh nhân cần được tư vấn về những triệu chứng hậu COVID-19, trong đó có những trường hợp lo lắng thái quá cần được chia sẻ, trấn an kịp thời - Ảnh mang tính minh họa: SHUTTERSTOCK
Rất nhiều bệnh nhân cần được tư vấn về những triệu chứng hậu COVID-19, trong đó có những trường hợp lo lắng thái quá cần được chia sẻ, trấn an kịp thời - Ảnh mang tính minh họa: SHUTTERSTOCK

Áp lực càng đè nặng khi chị đang là sếp một công ty, công việc những tháng cuối năm ngổn ngang, dồn ép nhưng sức khỏe lại không cho phép chị làm việc. “Mỗi lần thấy không khỏe, tôi bỏ tất cả để đi nghỉ nhưng sau đó, lại tá hỏa vì mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Ngày nối ngày như vậy khiến tôi stress, chán sống”, chị T. chia sẻ. Chị càng cô đơn hơn khi không được người xung quanh thấu hiểu do ai cũng nghĩ chị đã hết bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh.

Bác sĩ Lê Thành Tân cho hay, tại TPHCM, hàng trăm ngàn người mắc COVID-19 trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, đã để lại một di chứng về sức khỏe tâm thần nặng nề. Tình trạng của chị T. cũng là hiện tượng chung sau một cơn bạo bệnh của phần lớn bệnh nhân.

“Các di chứng hậu COVID-19 không còn là chuyện mới. Điều mà nhiều người mắc kẹt chính là nỗi lo không còn được như trước, khó trở lại với nhịp sống và làm việc trước đây”, bác sĩ Tân khẳng định. Cảm giác bất lực, thất vọng với bản thân dễ khiến các bệnh nhân gặp các rối loạn tâm lý. Theo bác sĩ Tân, với mỗi cuộc gọi như vậy, anh thường dành hơn một giờ đồng hồ để tư vấn, giúp “khổ chủ” tháo gỡ khúc mắc.

Lời khuyên của bác sĩ thường là đề nghị các bệnh nhân học cách chấp nhận sức khỏe hiện tại của mình, thậm chí chỉ còn 60 - 70%, đồng nghĩa bằng lòng với năng suất làm việc, thu nhập, chất lượng cuộc sống không còn được như trước.

“Để giúp họ tìm được niềm vui sống, tôi đề nghị các bệnh nhân chia nhỏ mục tiêu công việc. Mỗi khi hoàn thành được mục tiêu nào đều nên lấy làm vui và tự thưởng cho mình”, bác sĩ Tân nói. Một hiện tượng khác của giai đoạn “bình thường mới” cũng trở nên bức bối hơn bao giờ đó chính là sự thiếu cảm thông, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình khi đi qua cuộc chiến với COVID-19. Bác sĩ Tân kể: “Có người chồng đi chống dịch về chỉ nhận được oán trách từ người vợ, do vợ cho rằng chồng thiếu trách nhiệm với gia đình, bỏ mặc vợ loay hoay trong đại dịch. Cũng có người vợ đi điều trị COVID-19, chứng kiến các ca tử vong khiến sốc tâm lý, tính khí trở nên thất thường dẫn đến người chồng không chịu được, muốn chia tay…”.

Tháng 7/2021, Hội Y học TPHCM phối hợp Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mở tổng đài 1022 giải đáp thắc mắc của người dân về dịch bệnh. Bác sĩ Lê Thành Tân là thành viên của đội ngũ thuộc nhánh 3, chuyên hướng dẫn điều trị các F0 tại nhà. Để kịp thời giúp đỡ người dân lẫn tránh quá tải, tổng đài 1022 tiếp tục ra mắt nhánh 5, với hơn 200 bác sĩ thuộc đủ các lĩnh vực. Bác sĩ Tân tiếp tục tham gia nhánh 5 với chuyên khoa chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19.

Anh cho hay, khi thành phố mở cửa, các cuộc gọi đến tổng đài 1022 không còn nhiều như trước. Thế nhưng, ở lĩnh vực tâm lý, không phải bệnh nhân nào cũng dễ dàng đối mặt trực tiếp với tư vấn viên. Do đó, dù trở lại giảng dạy, anh vẫn hiếm khi rời chiếc điện thoại bởi nhiều trường hợp qua 1022 nối máy, đang cần anh tư vấn.

Cần thời gian để phục hồi

Từ đầu tháng 10/2021, trở lại giảng dạy và công tác chuyên môn ở Khoa Hô hấp Bệnh viện Nguyễn Trãi, bác sĩ Trần Thị Tố Quyên vẫn tiếp nhận hàng chục cuộc gọi từ 1022 chuyển đến. Chị chia sẻ: “Không còn những ca F0 tại nhà đầy hoảng loạn, giờ đây người dân chủ yếu hỏi thăm các triệu chứng hậu COVID-19 và cũng… hoảng loạn không kém”. Theo bác sĩ Quyên, phần lớn các cuộc gọi đều có chung tâm lý lo lắng thái quá các di chứng hậu COVID-19 và mong muốn được trấn an hơn là cho lời khuyên vào bệnh viện thăm khám. Có không ít trường hợp, người thân của bệnh nhân cũng lo lắng thái quá.

Bác sĩ Quyên kể, một tối cách đây vài ngày, đầu dây bên kia giọng người đàn ông hốt hoảng: “Bác sĩ, ba em sắp chết rồi”. Trấn an, hỏi thăm tình hình, bác sĩ Quyên suýt… ngã ngửa bởi được biết, ông H. - cha của người gọi vừa chiến thắng căn bệnh COVID-19. Dù vậy, người thân vẫn rất lo lắng cho ông. Nhân lúc ông ngủ, người con trai đo nhịp tim cha và phát hiện chỉ còn 60 nhịp/phút. “Nhịp tim chậm khi chúng ta ngủ là bình thường, song người con cho rằng tim cha mình có thể ngưng đập bất cứ lúc nào nên gọi đến tôi thông báo cha mình… sắp chết”, bác sĩ Quyên dí dỏm, bật cười. 

Một trường hợp khác, quá lo lắng cho khả năng làm việc chỉ còn 70% năng suất so với trước nhiễm COVID-19 của chồng, một người vợ gọi đến nhờ bác sĩ Quyên thuyết phục chồng đi kiểm tra, làm xét nghiệm để chắc chắn hoàn toàn khỏe mạnh. “Tôi gọi cho người chồng, tìm hiểu quá trình bệnh COVID-19 và thấy sức khỏe ông hiện đều bình thường. Các triệu chứng mệt mỏi, làm việc kém cũng là điều tất nhiên với bất kỳ ai vừa trải qua một cơn bệnh nặng. Tuy nhiên, càng hỏi thăm, tôi càng phát hiện bà vợ… mới thực sự là người cần chữa trị. Chồng là trụ cột của gia đình, do đó bà lo sợ ông có thể ra đi bất cứ lúc nào”, bác sĩ Quyên cho hay. 

Theo bác sĩ Quyên, những di chứng hậu COVID-19 như mệt mỏi kéo dài, mất tập trung, không làm được việc… cho đến giờ này, thế giới cũng chưa khẳng định điều trị hết trong một sớm một chiều mà cần thời gian để cơ thể phục hồi. Bằng các biện pháp như ăn uống, vận động và tùy thể trạng mà mất 3 - 6 tháng hay nhiều hơn sẽ trở lại như trước. Thế nhưng, người dân vẫn thường… thiếu kiên nhẫn và luôn lo lắng thái quá trước bất cứ một biến động sức khỏe.

Do đó, mặc dù không còn phải giải quyết những cuộc gọi căng thẳng, cấp bách như trước, song các bác sĩ của 1022 vẫn miệt mài hỗ trợ, làm chỗ dựa cho các bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân mất ngủ cả tuần, chỉ cần gọi đến 1022, gặp bác sĩ nghe thăm hỏi vài câu là… ngủ ngon trở lại”, bác sĩ Quyên chia sẻ. 

 Phong Vân 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI