PNO - PN - Mới được mùa thứ sáu, nhưng Giải thưởng Văn hóa (GTVH) Phan Châu Trinh đã được nhìn nhận như một sự kiện văn hóa uy tín. Hoạt động nghề nghiệp (và công trình, tác phẩm) của những cá nhân đoạt giải luôn được thừa nhận...
Quyền đề cử danh sách xét giải hàng năm chỉ dành cho Hội đồng khoa học (thành viên gồm các nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa - xã hội có uy tín, do nhà văn Nguyên Ngọc làm chủ tịch, GS triết học Nguyễn Trọng Chuẩn làm phó chủ tịch) và những cá nhân từng đoạt GTVH Phan Châu Trinh. Người đoạt giải phải nhận được 100% phiếu đồng thuận, giải chỉ trao cho các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, nhà khoa học, dịch giả đang còn sống. “Chúng tôi cảm nhận dư luận xã hội đang dành sự tin cậy, cũng như giới trí thức trẻ ngày càng quan tâm đến giải. Những người sáng lập và điều hành giải cũng mong muốn trẻ hóa giải thưởng nên năm nay Hội đồng khoa học có bổ sung thêm ba thành viên mới là PGS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, nhà kinh tế học Nguyễn Đức Thành - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và TS Vũ Thành Tự Anh - CEO Quỹ Fulbright. Năm nay, người đoạt giải cao tuổi nhất cách người trẻ nhất tới 55 tuổi, đây cũng là khía cạnh cho thấy sự đa dạng thú vị của mùa giải 2012” - GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh nói.
Hệ thống GTVH Phan Châu Trinh gồm các giải: Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục (tiền thân là giải thưởng Giáo dục, từng trao cho GS Hồ Ngọc Đại, GS Hoàng Tụy, ông Nguyễn Sự - Chủ tịch thị xã Hội An); Dịch thuật (tiền thân là giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế, từng trao cho nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn với dịch phẩm Phê phán lý tính thuần túy của I.Kant, dịch giả Phạm Anh Tuấn với bản dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey, nhóm dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương với bản dịch Emile hay là về giáo dục của J.Jacques Rousseau, GS Phạm Vĩnh Cư với Siêu lý tình yêu của Soloiev, dịch giả Lê Anh Minh với Lịch sử triết học Trung Hoa của Phùng Hữu Lan, dịch giả Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước với những dịch phẩm phổ biến kiến thức, dịch giả Nguyễn Văn Khoa với Đối thoại Socratic 1 của Plato); Việt Nam học (dành cho tác giả nước ngoài, có công dịch và giới thiệu văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới, từng trao cho GS David Marr, GS Sakurai, nhà dân tộc học Georges Condominas, Kevin Bowen, Ivo Vasiljev, Alain Ruscio, Pozner Paven Vladimirovich); Nghiên cứu (từng trao cho học giả Nguyễn Đình Dậu, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara Phú Trạm, nhà văn bản học Lại Nguyên Ân, GS Trần Văn Khê, nhà Hán-Nôm học Nguyễn Thạch Giang).
“Slogan” của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh là CANH TÂN VĂN HÓA, chính vì vậy ngoài ghi nhận những công trình và nghiên cứu có thành tựu và tạo ảnh hưởng trong giới chuyên môn, giải còn tôn vinh những khuynh hướng tư tưởng mới, coi văn hóa và con người là trọng tâm phát triển.
Dù nhận được sự kỳ vọng và tin cậy của dư luận, nhưng huy động tài chính cho GTVH Phan Châu Trinh thường xuyên gặp khó khăn (dù may rằng phút cuối cùng luôn xuất hiện nhà tài trợ). Nói về con đường dài của Quỹ, GS Chu Hảo trầm ngâm: “Chúng tôi cam kết cố gắng duy trì giải thưởng như một hoạt động văn hóa thường niên trong xã hội dân sự lành mạnh. Mỗi năm yêu cầu về chất lượng của giải lại đè nặng hơn, chúng tôi hiểu giữ được uy tín và giá trị văn hóa của giải là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, có điều đáng buồn là những tác giả và tác phẩm đoạt giải không vì thế mà dễ phổ cập hơn. Có những cuốn sách rất có giá trị nhưng không thể bán quá 2.000 bản trên 84 triệu dân. Đây là sự thật buộc phải chấp nhận, vì nền văn hóa phổ thông của chúng ta chỉ đến mức như thế. Nhưng, vì lý do cần duy trì nhu cầu văn hóa, bù đắp sinh hoạt tinh thần của xã hội, thì dù lỗ chúng tôi vẫn làm sách. Cứ xác định là mình làm đầu tiên cho giới tinh hoa, rồi những hoạt động cá nhân của họ dần dần sẽ lan tỏa và tác động đến cộng đồng”.
Quỳnh Hương
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần VI - 2012
- Giải thưởng Việt Nam học trao cho GS sử học Philippe Langlet (SN 1935): là người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về VN, đóng góp xuất sắc trong việc giới thiệu văn hóa và lịch sử VN ra nước ngoài. Các tác phẩm chính của ông: Phương pháp biên soạn lịch sử xưa tại Việt Nam, Giới thiệu lịch sử VN đương đại (1975-2001)…
- Giải thưởng Nghiên cứu trao cho GS Lê Thành Khôi (SN 1923): là nhà tư vấn, GS thỉnh giảng tại nhiều nước trên thế giới, với những đóng góp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Trong số những tác phẩm quan trọng của ông có: Việt Nam, lịch sử và nền văn minh, Nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á, Lịch sử Đông Nam Á… GS Lê Thành Khôi hiện định cư tại Pháp.
- Giải thưởng Dịch thuật trao cho dịch giả Chu Tiến Ánh (SN 1933): Ông có hàng chục công trình dịch thuật từ các tác phẩm triết học, xã hội học và nhân học nổi tiếng tiếng Pháp, Anh, Nga, trọng tâm là bộ sách đồ sộ của Edgar Morin. Ông được ghi nhận ở công lao đưa tinh hoa tri thức nhân loại về cho người Việt.
- Giải thưởng dịch thuật trao cho dịch giả Phạm Nguyên Trường (SN 1951): với các dịch phẩm kinh điển về kinh tế học, phổ biến kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; đã đưa về VN một khối lượng tri thức mới mẻ, cập nhật, góp phần vào sự chuyển động của tư duy xã hội.
- Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục trao cho GS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, là người đã đưa ra những tư duy tiên tiến về giáo dục đại học. Hoa Sen là nơi đi đầu trong phương pháp giảng dạy mới, tiêu chí đánh giá mới, đề cao giá trị văn hóa và tinh thần, cũng là trường đầu tiên đưa ra mô hình Đại học sạch.
- Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục trao cho họa sĩ Vũ Đức Hiếu (SN 1977): người đã xây dựng bảo tàng tư nhân cho không gian văn hóa Mường. Không chỉ có tính chất sưu tập, nơi đây thực sự là một “bảo tàng sống” với hình thức nghiên cứu và duy trì cuộc sống của người Mường ngay trong không gian bảo tàng. Vũ Đức Hiếu còn xây dựng được một trung tâm nghệ thuật đương đại mới của ASEAN qua những workshop thiết thực được tổ chức tại đây, thu hút giới nghệ sĩ từ nhiều nơi trên thế giới đến tham gia.