“Tuổi trẻ, tình yêu, nỗi đau, sự cô độc"
Trong số 12 tác giả, chỉ có ba người thuộc thế hệ 7X và 8X: Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1976, Hải Dương), Đinh Thành Trung (sinh năm 1984, Hà Nội) và Hoàng Công Danh (sinh năm 1987, Quảng Trị). Còn lại đều là những cây bút 9X, trong đó có hai tác giả tham gia với tác phẩm đầu tay: Duy Ân (sinh năm 1995, với tập truyện ngắn Nửa lời chưa nói) và Phã Nguyện (sinh năm 1997, với truyện dài Kẻ săn chuột). Thế hệ, không gian sống, nghề nghiệp có ảnh hưởng khá rõ nét trong các tác phẩm, vì vậy, người đọc có thể nhìn thấy một bức tranh văn chương đa chiều, đa sắc trong lựa chọn thể hiện của những người viết trẻ.
Phảng phất trong Chuồng cọp trên cao (tập truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng) là hình bóng quê nhà với những biểu tượng: cây gạo bên sông, đàn trâu nước, chùa làng, khu vườn gió, những “con ngõ hun hút sâu”… Những câu chuyện nhìn về phận người cũng thường được tìm thấy trong tác phẩm của nhiều tác giả 7X, 8X từng tham gia cuộc vận động Văn học tuổi 20 trước đó. Ở giải thưởng lần này, phận người vùng nông thôn còn được tìm thấy trong tập truyện ngắn Vệt nắng của bụi của Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, An Giang). Còn lại, phần lớn đều là những câu chuyện được kể từ bối cảnh đô thị.
|
Tác phẩm được chọn in trong tổng số 511 bản thảo dự thi |
Hiện thực cuộc sống được phản chiếu từ “thế giới ẩn sau những con đường xô bồ đầy ánh sáng” (Bí mật của bóng tối, Đinh Thành Trung) đến bi kịch của tầng lớp thượng lưu. Nhưng nổi bật nhất trong trang viết của người trẻ chính là chủ đề “tuổi trẻ, tình yêu, nỗi đau và sự cô độc”, như bày tỏ của Nguyên Nguyên (tác giả tập truyện Có thú dữ trong thành phố). Khi nói về truyện dài Ngủ ngon nhé, nàng thơ! của mình, tác giả Nguyễn Dương Quỳnh tự nhận định: “Đây có lẽ là câu chuyện về nỗi ám ảnh và sự cô đơn”. Còn Yang Phan trong Vụn ký ức đã có lời tự sự: “Rồi một ngày, những cuộc đời điên rồ và khác biệt sẽ được cất tiếng nói của mình. Họ không còn cô độc nữa”.
Trong cuộc dấn mình với chữ nghĩa, những người viết trẻ không ngừng làm mới ngòi bút và ngày càng khẳng định mình. Hiền Trang (từng được trao giải ba Văn học tuổi 20 lần VI với tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa) trở lại với truyện dài Chopin biến mất. Nguyễn Dương Quỳnh cũng là “người cũ” của Văn học tuổi 20. Lần này cô viết từ cảm hứng nghệ thuật và hội họa, đặc biệt là niềm say đắm với tranh Monet. Hoàng Công Danh kể về cuộc hôn nhân tan vỡ của đôi vợ chồng trẻ bằng lối kể đầy cuốn hút trong Bảy bảy bốn chín, lồng ghép cả đời sống và tâm linh, bi kịch và giải mã bi kịch bằng những uẩn khúc tâm lý của các nhân vật. Còn Mắc cạn cõi người của Hoàng Khánh Duy viết về mảnh đất đã ngày càng khô cạn nơi miền Tây Nam bộ…
Bối cảnh trong các tác phẩm có khi rõ ràng là một vùng quê, một địa danh, nhưng có lúc rộng lớn hơn, đó là toàn bộ thế giới phẳng với sự đa dạng văn hóa và toàn cầu hóa văn hóa. Bằng phương thức biểu đạt khác nhau, những câu chuyện không đơn thuần chỉ là phản ánh hiện thực, mà chính là cách người trẻ nhìn về cuộc sống hôm nay, soi chiếu, hiểu thấu, giãi bày và chừng như cũng là một nhu cầu được nhận diện.
Một bước dài của Văn học tuổi 20
Từ mùa thứ VII, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 được đổi tên thành giải thưởng Văn học tuổi 20. Từ “vận động” không còn phù hợp trong tình hình mới, khi mà lực lượng người viết trẻ vô cùng hùng hậu, và họ cũng hoàn toàn có thể sáng tác với tâm thế chủ động trong việc in sách, ra mắt sách, truyền thông, phát hành… Nhưng Văn học tuổi 20 duy trì như một sân chơi ý nghĩa, đậm dấu ấn cho những ngòi bút trẻ.
|
Các tác phẩm của những ngòi bút trẻ bổ sung những gam màu mới cho bức tranh của văn chương hôm nay |
Thống kê qua mỗi mùa cũng thấy được sự gia tăng lực lượng khi số bản thảo dự thi tăng theo từng đợt. Hơn 2.000 bản thảo dự thi qua bảy lần tổ chức, trong đó đợt vận động đầu tiên vào năm 1995 với 171 tác phẩm, đến nay đã có 511 tác phẩm. Con số bản thảo dự thi chưa được in thành sách cho thấy một trữ lượng và năng lượng sáng tác hết sức dồi dào. Sau gần 30 năm nhìn lại, Văn học tuổi 20 đã đi một bước dài, để lại nhiều dấu ấn cho văn chương. Trong đó có những tác giả từng được trao giải “văn trẻ” ngày xưa giờ đã là những nhà văn tên tuổi: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Phan Việt… Những năm về sau này, có rất nhiều cây bút đoạt giải đã rời khỏi văn đàn, hoặc hoàn toàn im vắng sau khi được vinh danh. Nhưng ở thời điểm cầm bút, họ đã cùng góp một tiếng nói cho thế hệ mình, kể những câu chuyện từ thế giới quan và những trải nghiệm khác biệt của bản thân: Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Bài học đầu tiên), Trương Anh Quốc (Sóng biển rì rào), Nguyễn Thị Việt Nga (Ngã ba), Thiên Di (Những giao diện ẩn)… Bên cạnh đó, cũng có những tác giả tiếp tục cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa, ngày càng cho thấy “nội lực” và tình yêu với văn chương: Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Thiên Ngân, Đinh Phương, Khánh Liên…
“Các tác phẩm dự thi trong 28 năm qua không chỉ đậm chất văn chương mà còn vẽ lên được chân dung của thế hệ. Cuộc vận động sáng tác hay giải thưởng này đã khẳng định được mình, đặc biệt dòng chảy văn học trong cuộc sống chúng ta hôm nay vẫn chảy và không ngừng lớn mạnh. Bởi viết cho hay về tuổi đôi mươi, chính là cách các tác giả thể hiện và chia sẻ tiếng nói của mình cho những người cùng thế hệ” - ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ - nhìn nhận. “Tiếng nói thế hệ” cũng chính là dấu ấn của những tác phẩm được chọn chấm giải cao qua các mùa: Người ngủ thuê (Đỗ Nhật Phi), Người lạ (Mai Thảo Yên) và Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây)… Góc nhìn của người trẻ về cuộc sống đã được phản chiếu rõ nét qua lăng kính thế hệ, cũng là điều ý nghĩa nhất của Văn học tuổi 20.
Nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ sống ở nước ngoài Trong những câu chuyện của Văn học tuổi 20 hôm nay, đã thấy sự xuất hiện của các tác giả là du học sinh, những người trẻ sống và làm việc ở nước ngoài - điều mà nhiều cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 trước đó không có. Bốn năm trước, khi tác phẩm Người lạ của Mai Thảo Yên tham gia cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI, nhiều người đã nhìn nhận ngay đây là một tác phẩm độc đáo, khác biệt so với nhiều tác phẩm dự thi của người viết trẻ trong nước. Người lạ kể câu chuyện về người trẻ du học nước ngoài, phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách và cả sự khác biệt về văn hóa… Mai Thảo Yên từng là du học sinh tại Thụy Điển, những gì cô thể hiện trong trang viết cũng là sẻ chia một hành trình hòa nhập và trưởng thành, bản lĩnh của người trẻ nơi xứ người. Và không ngoài dự đoán, tác phẩm Người lạ đã được trao giải nhì (không có giải nhất, tại cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần VI-2018). Ở mùa giải lần này, lại thấy thêm sự góp mặt của Duy Ân (sinh năm 1995, đang học tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ) với tác phẩm Nửa lời chưa nói và Mai Thanh Nga (hiện là kỹ sư viễn thông, đang sống và làm việc tại Anh) với Lũ chim thích chọn cành khô. Truyện ngắn của Duy Ân lấy cảm hứng từ một phần nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức trong luận án tiến sĩ của cô. Với lối viết có phần siêu thực, tác giả dùng ngôn ngữ để kết nối con người, kết nối văn hóa hay ở mức độ cao hơn là “kết nối đồng loại”. Trong khi đó, Mai Thanh Nga viết về những người trẻ xa xứ, với những nhận diện và cả những rào cản khác biệt văn hóa, tâm thức ly hương đau đáu về cội nguồn… Một tác phẩm khiến người đọc ấn tượng ngay từ đôi dòng giới thiệu từ bìa bốn là Vụn ký ức của Yang Phan (tên thật là Phạm Anh Tuấn, sinh năm 1994): “Trong cơn mơ đêm ấy, nơi Thờ Tự Ký Ức bốc cháy dữ dội. Cô cảm nhận được sức nóng của nó, cả tiếng la hét đau đớn của loạt câu chuyện bị giam cầm. Rồi, Thờ Tự Ký Ức sụp đổ, hóa tro bụi…”. Một cuộc “truy vấn ký ức” được tác giả chọn bắt đầu bằng cái chất của nhân vật G. - một chàng trai gốc Á, cử nhân ngành khoa học vũ trụ đang sinh sống ở nước ngoài. Từ cái chết của G., ký ức của các nhân vật khác có liên quan đến anh dần dần được đánh thức, hé mở những sự thật không ngờ về mỗi người… Từ nhiều nơi chốn, góc nhìn, các cây bút trẻ đã cùng góp tiếng nói cho thế hệ mình bằng những phong cách sáng tác, tư duy mới mẻ với lối viết độc đáo và ấn tượng. Các tác phẩm của họ cùng bổ sung những gam màu mới, sắc nét trên bức tranh chung của văn chương trẻ hôm nay. Lục Diệp |
Cầm Thi