Giải thưởng văn học nghệ thuật vinh danh ai?

24/04/2019 - 05:30

PNO - Giải thưởng là nơi những giọt nước mắt rơi xuống sau một đời cần mẫn, lặng lẽ kiếp tằm tơ, được ghi nhận giá trị hay là nơi sự ích kỷ, lòng tham lên ngôi và ngự trị đến bẽ bàng?

Các giải thưởng văn học - nghệ thuật nhằm tôn vinh “cái khác” trong nghệ thuật hay “trả bài” bằng một thứ văn nghệ minh họa? Giải thưởng là nơi những giọt nước mắt rơi xuống sau một đời cần mẫn, lặng lẽ kiếp tằm tơ, được ghi nhận giá trị hay là nơi sự ích kỷ, lòng tham lên ngôi và ngự trị đến bẽ bàng? Pha tối, pha sáng cứ thế đan xen, để mỗi mùa giải thưởng về, không ít ngậm ngùi dậy lên từ chính những người trong cuộc.

Nụ cười nhận giải thưởng văn học - nghệ thuật (VHNT) TP.HCM lần thứ II (2012-2017) của một quan chức văn nghệ ngồi ghế hội đồng trên bục tôn vinh vừa qua đã làm dày thêm cảm trạng ngao ngán đối với các giải thưởng VHNT ở nước ta hiện nay; từ Trung ương đến địa phương; từ giải thưởng thường niên đến giải thưởng lâu năm, khắp các lĩnh vực. Trong khi đó, có không ít người thuộc giới văn nghệ lại chẳng mặn mà, xem giải thưởng VHNT chỉ là một miếng bánh được cắt sẵn, để chia phần cho những người cần/phải chia, không tới lượt mình. Và giờ đây, có vẻ như, scandal văn nghệ cũng chẳng khác scandal của giới showbiz là bao.

Giai thuong van hoc nghe thuat vinh danh ai?
Kết quả của Giải thưởng văn học - nghệ thuật TP.HCM lần II (2012-2017) khiến công chúng ngao ngán

Những bất cập trong quy chế xét giải, sự lúng túng trong quá trình kêu gọi tác giả tham gia, sự khó hiểu về lịch thời gian 2012-2017 nhưng đến năm 2019 mới trao, trình độ thẩm định của những người ngồi ghế hội đồng… đều đã được mổ xẻ sau khi kết quả giải thưởng VHNT TP.HCM được xướng lên.

Một điều dễ nhận ra, cũng như nhiều giải thưởng VHNT khác, ở giải thưởng này, dường như có một sự mặc định ngầm, đó là những tác phẩm viết về chiến tranh, cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dễ “ăn” giải hơn là những tác phẩm mang hơi thở, những vấn đề hiện thực nổi cộm của đời sống xã hội hiện nay, tạo tâm lý và ý hướng sáng tác theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chiều lòng Nhà nước. Nhìn vào danh mục đạt giải, có thể thấy, cán cân lệch hẳn về phía những tác phẩm viết về đề tài này.

Tất nhiên, nói như thế không có ý phủ định giá trị và đóng góp của mảng đề tài chiến tranh, cách mạng, xây dựng đất nước. Với một đất nước mà lịch sử chống ngoại xâm còn dài hơn lịch sử kiến quốc như nước ta, vào lúc Tổ quốc lâm nguy, khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị là cần thiết, không những đáp ứng nhu cầu của thời cuộc mà cũng thuận nhân tâm, trách nhiệm của trí thức văn nghệ đối với thời đại.

Và thực tế đã chứng minh, ta vẫn có những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng, dù được viết ra cách đây hàng chục năm, đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị. Một nhà văn lão thành nói với tôi, lỗi không thuộc về những đề tài đó, mà ở sự giả tạo, thiếu chân thật và lên gân mang tính “trả bài” trong sáng tác về mảng đề tài này của họ, nhằm vào những mục đích ngoài VHNT, thông qua cách thể hiện cũ kỹ, nặng ước lệ, khuôn sáo.

Giai thuong van hoc nghe thuat vinh danh ai?

Chuyện bây giờ mới kể - vở chính luận hiếm hoi sống được nhờ doanh thu

Sinh thời, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải đều là những gương mặt xuất sắc của nền văn học Việt Nam, nhưng chính các ông cũng đã phải “tự giễu” mình một cách sâu sắc và đầy phản tỉnh. Chế Lan Viên để lại Di cảo, có nhiều bài thơ phê phán chính các tác phẩm trước đó của mình, tiêu biểu là bài Bánh vẽ. Nguyễn Minh Châu viết Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa. Còn Nguyễn Khải đã nói lên sự sám hối của mình trong bài Đi tìm cái tôi đã mất hoặc là lời tự nhạo trong Thượng đế thì cười. Sự phản tỉnh đó như một nhắc nhớ những người làm văn nghệ, quay về cái Chân mà trước hết là cái Chân trong tư cách của một người làm nghề sáng tạo.

VHNT cũng giống như dòng nước chảy không ngừng nghỉ và cũng cần phải đổi mới, nhập cuộc với đời sống của hôm nay. Có thế, VHNT mới chạm được vào lớp công chúng mới. Giải thưởng VHNT đúng nghĩa nên chăng là giải thưởng tôn vinh những khám phá mới về nghệ thuật, nội dung tư tưởng, thậm chí có tính khiêu khích, đủ sức đối thoại với những gì cũ mòn và đề cao giá trị khai phóng, tôn vinh “cái khác” trong nghệ thuật và xem đó như một thứ mỹ học mới.

Nguyễn Minh Châu viết: “Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng - nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo, mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn”, có lẽ cũng bắt nguồn từ giá trị đích thực của VHNT.

Một trí thức văn nghệ mới đây có nhắc về một “mùa đẹp” từng có trong VHNT, không chỉ bội thu về chân dung văn nghệ có gương mặt rõ nét mà bội thu cả niềm tin của công chúng. Song, dường như hiện nay, ta đang “khát” những giải thưởng như thế?! 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI