PNO - Văn chương chính thống không bắt kịp thời đại, hay sự chậm rãi của cách làm cũ đã khiến những tác phẩm có giá trị cứ im vắng, chìm khuất giữa những dòng sách thị trường?
Trong số các tác phẩm vừa được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020 và Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (giai đoạn 2016-2019), chỉ có vài tựa sách phổ biến với bạn đọc như Từ Dụ Thái hậu (Trần Thùy Mai), Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn), Gió xanh (Chu Lai), Vùng xoáy (Vũ Quốc Khánh…); còn lại phần lớn là các tác phẩm phát hành khá lặng lẽ, nếu không xuất hiện trong danh sách đoạt giải lần này, dễ bị chìm lấp.
Một trong năm giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần 5 là tác phẩm Mệnh đế vương của nhà văn Trương Thị Thanh Hiền (An Giang). Sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lần đầu (theo kế hoạch A) chỉ vỏn vẹn 500 bản, tác giả nhận sách thay tiền nhuận bút. Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền nói: “Lúc đó còn lo sách bán không hết thì tội nhà xuất bản”. Chị mua thêm sách, sau đó tự phát hành, chủ yếu “bán” chia vui với bạn bè văn chương ở miền Tây.
"Từ Dụ thái hậu" của nhà văn Trần Thùy Mai
“Tôi viết Mệnh đế vương rất thầm lặng, cũng không nghĩ nhiều đến giải thưởng. Trong thời gian ấp ủ, hoàn thành tác phẩm, đều không biết đến cuộc thi. Duyên may sau khi sách in, tôi có gặp vài anh chị ở Hội Nhà văn Việt Nam, họ hỏi thăm tình hình sáng tác thế nào, thì biết tôi đang có cuốn sách này. Mọi người đọc và khen hay, nên đề nghị giới thiệu đưa vào cuộc thi tiểu thuyết” - nhà văn Trương Thị Thanh Hiền chia sẻ. Giải thưởng dành cho Mệnh đế vương là điều bất ngờ với tác giả, còn với độc giả, có thể là sự tiếc nuối khi ở thời điểm hiện tại, muốn tìm đọc tác phẩm viết về thời Lý - Trần (với góc nhìn khác về Thái sư Trần Thủ Độ) này cũng không phải dễ.
Không riêng Mệnh đế vương, tác phẩm cùng giải nhì: Quay đầu là bờ (Hữu Phương), Thị Lộ chính danh (Võ Khắc Nghiêm); và cùng giải ba: Và khép rồi lại mở (Vũ Từ Trang), Sông Luộc ở phương Nam (Khôi Vũ), Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn (Nguyễn Bắc Sơn), Gió Thượng Phùng (Võ Bá Cường)… cũng chung số phận im ắng trên văn đàn. Đó thật sự là điều đáng tiếc cho văn chương chính thống, khi những tác phẩm được giải lại không được quảng bá đúng tầm.
Trong những năm qua, nhiều cuộc thi văn chương dành cho người viết trẻ tận dụng được sức mạnh của công nghệ, tiếp cận bạn đọc qua mạng xã hội. Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ thu hút sự quan tâm của đông đảo người viết lẫn người đọc trẻ thông qua fanpage, những cuộc thi truyện ngắn, tản văn cũng ít nhiều lan tỏa nhờ tương tác qua mạng xã hội. Thế nhưng, những giải thưởng thường niên, các cuộc thi văn chương của Hội Nhà văn (Việt Nam và TP.HCM) vẫn theo cách truyền thống.
Cuộc thi tiểu thuyết lần 5 kéo dài từ năm 2016-2019, trong chừng ấy thời gian, không chỉ độc giả mà cả người sáng tác nhiều khi cũng không biết đến. Không có fanpage riêng cập nhật thông tin về các tác phẩm dự thi, thiếu những giới thiệu, đánh giá, tạo diễn đàn tương tác dành cho các tác phẩm dự thi, góp phần mở lối để bạn đọc tiếp cận tác phẩm. Gõ từ khóa “cuộc thi tiểu thuyết” + “vanvn.net” (website của Hội Nhà văn Việt Nam) chỉ cho ra kết quả là thông báo thể lệ cuộc thi (đăng tải vào ngày 19/1/2019).
Nhiều tác phẩm dự thi đã in thành sách (theo thể lệ có thể gửi bản thảo chưa in, viết tay), số ít tác phẩm có được những buổi ra mắt riêng: Từ Dụ Thái hậu (Trần Thùy Mai) hoặc được lan tỏa nhờ chia sẻ trên mạng xã hội: Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn)… Những tương tác trực tiếp hay gián tiếp đều mở ra nhiều góc nhìn về tác phẩm, kiến giải những giá trị, góp phần thu hút người đọc.
Nếu chỉ nhìn vào danh sách kết quả giải thưởng vừa được Hội Nhà văn Việt Nam chính thức công bố, rất khó nói được điều gì về sự lan tỏa sau đó của những tác phẩm đoạt giải. Tiền lệ đã nhìn thấy với những tác phẩm được vinh danh từ những mùa giải trước: Trụ lại (Hồ Duy Lệ), Quán thủy thần (Nguyễn Hải Yến), Bay trong mơ (Trần Quang Đạo), Nguồn (Trần Quang Quý)… Đây đều là các tác phẩm được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019.
“Hôm qua, khi đọc thông tin hồi ký Gánh gánh gồng gồng (Xuân Phượng) đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, các thành viên Hội đồng Văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam) cũng như ban sơ khảo của giải ngơ ngác hỏi nhau: “Đã đọc tác phẩm này chưa?”, và hầu như tất cả đều chưa đọc. Hóa ra Gánh gánh gồng gồng đã được gửi thẳng lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, ban chung khảo giải thưởng đã đọc và bỏ phiếu, với mục đích là không bỏ sót tác phẩm có giá trị” - nhà văn Bích Ngân chia sẻ trên trang cá nhân.
Không bàn đến cách chấm giải ngoại lệ (đã từng xảy ra với tác phẩm Bãi vàng, đá quý, trầm hương của nhà văn Nguyễn Trí, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013), chỉ riêng việc tác phẩm đoạt giải năm nay chỉ có ban chung khảo giải thưởng đọc và bỏ phiếu, đã thấy được phần nào sự lặng lẽ của giải thưởng. Gánh gánh gồng gồng là hồi ký của nữ đạo diễn phim tài liệu lão thành Nguyễn Thị Xuân Phượng (91 tuổi). Tác phẩm lẽ ra đã tạo được dư luận nhiều hơn về cuộc đời chìm nổi, thăng trầm nhưng cũng thật kỳ lạ của người phụ nữ được gọi là “pho lịch sử của thế kỷ XX”.
Văn chương chính thống không bắt kịp thời đại, hay sự chậm rãi của cách làm cũ đã khiến những tác phẩm có giá trị cứ im vắng, chìm khuất giữa những dòng sách thị trường? Câu hỏi mà chính những người sáng tác cũng thấy ngậm ngùi khi văn đàn Việt trước thời đại công nghệ lại hoàn toàn mất hút dấu ấn những tranh luận/thảo luận về tác phẩm giá trị (thay vào đó thi thoảng lại xôn xao ồn ào bởi những câu chuyện ngoài văn chương).
Tác giả, nhà xuất bản, cộng đồng yêu sách đều có riêng những trang cá nhân, fanpage góp phần lan tỏa tác phẩm. Còn Hội Nhà văn Việt Nam có vẻ cứ “im lìm” bao năm trong dòng chảy của thời đại công nghệ. Cuối năm, đến hẹn lại lên, những giải thưởng văn chương sẽ được các hội công bố kết quả, rồi sau những buổi lễ tổng kết và trao giải như thường lệ, thì phần lớn tác phẩm được vinh danh lại dễ dàng chìm khuất, lãng quên.