Giải thưởng văn chương là chuyện 'nội bộ'?

19/01/2017 - 13:17

PNO - Mà một khi tác phẩm không đến với công chúng một cách rộng rãi, thì việc các hội trao giải hằng năm có khác gì chuyện “nội bộ” của nhau?

Đối với giới sáng tác văn học nghệ thuật ở nước ta, một năm có đến… năm mùa. Trước lúc tống tiễn năm cũ, dăm tháng còn lại, có tên gọi mỹ miều là “mùa giải thưởng”, “mùa kết nạp hội viên mới”. Từ nhiều năm nay, mọi việc cứ tuần tự như thế, cứ “đến hẹn lại lên”.

Do đó, đã có không ít năm, sau khi trao các loại giải thưởng, lập tức có nhiều thông tin tranh luận. Tại sao trao giải hoặc loại tác phẩm của người này, người kia? Khó có sự đồng tình. Văn chương là sự cảm nhận riêng tư. Với ban giám khảo này là tốt, ngược lại, với giám khảo kia có thể kết quả lại khác hẳn.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi” là điều không thể chấp nhận. Đã có chân trong ban chấm giải, dù quy chế có cho phép đi nữa thì bản thân cũng nên rút lui hoặc không nên gửi tác phẩm dự giải. Vì trong trường hợp này, ít ra khi biểu quyết, chính mình đã có thêm một phiếu bầu cho mình. Liệu có nên chăng?

Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2016 trao cho bảy tác phẩm. Ở hạng mục văn xuôi có tập truyện ngắn Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê, tiểu thuyết Mưa đỏ của Chu Lai. Ở hạng mục thơ, là tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và tập thơ song ngữ Việt-Tày Vũ khúc Tày của Y Phương. Tương tự, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2016, hạng mục tiểu thuyết trao giải cho Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương.

Giai thuong van chuong la chuyen 'noi bo'?
Nhà thơ Xuân Quỳnh vừa bị đánh trượt ở Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 khiến nhiều người bức xúc

Chưa vội đánh giá về chất lượng của nó, nhưng trường hợp Chu Lai - Chủ tịch Hội đồng văn xuôi; Y Phương - phó chủ tịch Hội đồng thơ; Nguyễn Việt Chiến - ủy viên Hội đồng thơ; Trầm Hương có chân trong ban bệ của Hội nhà văn TP.HCM, đều nhận giải đã khiến dư luận có “lời ong tiếng ve”. Xin nhấn mạnh, dù rằng quy chế có cho phép đi nữa nhưng rồi dư luận vẫn không “tâm phục khẩu phục”. Dư luận cần sự minh bạch hơn, trong sáng hơn, dù rằng, nếu cách chấm giải vừa qua không có gì mờ ám đi nữa.

Nhìn chung, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay hoàn toàn không có tác giả mới và trẻ. Ngoài những tác giả nêu trên, thì tập chân dung văn học Giọt nước trong lá sen (Khuất Bình Nguyên), chuyên luận phê bình Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại (Trần Huyền Sâm), tác phẩm văn học dịch Lâu đài sói của Hilary Mantel do Nguyễn Chí Hoan dịch, đều là của những tác giả quen thuộc.

Ngược lại, ở giải thưởng Hội nhà văn TP.HCM, đáng chú ý là tập thơ Bao giờ đến được cánh đồng của nhà thơ Hoa Níp, và tập thơ Nốt lặng của Ngô Thúy Nga được tặng giải thưởng Nhà văn trẻ. Họ là những người vừa bước chân vào nghề (Hoa Níp mất tháng 5/2016), đã có thành tựu cần ghi nhận và khuyến khích.

Tuy nhiên, có một điều cần trao đổi là dù các tác phẩm được giải thưởng đi nữa nhưng liệu chừng công chúng có biết đến? Khi được hỏi về các tác phẩm nêu trên, hầu hết các đồng nghiệp cho biết, họ chưa có dịp được đọc. Sở dĩ như thế vì số lượng in ấn quá thấp, chỉ chừng một - hai ngàn bản thì khác nào muối bỏ biển? Đành rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhưng do không có điều kiện để mua/đọc, liệu tác phẩm đoạt giải có tìm được tiếng nói đồng tình từ phía công chúng?

Mà một khi tác phẩm không đến với công chúng một cách rộng rãi, thì việc các hội trao giải hằng năm có khác gì chuyện “nội bộ” của nhau? Nói như thế, vì chúng tôi mong rằng, các nhà xuất bản nên mạnh dạn tái bản các tác phẩm trên. Có thể qua sự đón nhận của độc giả, ắt ta có thể tìm ra câu trả lời về chất lượng của giải thưởng trong năm đó.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI