Giải thưởng truyền thống mất giá

14/01/2016 - 10:17

PNO - Tối 11/1, giải thưởng Zing Music Awards (ZMA) 2015 đã tìm ra những gương mặt cho các hạng mục.

Ngày 15/1, Bài hát yêu thích (BHYT) sẽ công bố người đoạt giải thưởng năm. Từ đây, một góc quan trọng của nhạc Việt được nhận diện: sự mất giá của các giải thưởng truyền thống.

Ai là người đoạt giải tại BHYT đã được biết đến cách đây vài tuần. Bởi, dựa vào các giải nhất tháng (là cơ sở để trao giải năm), ca khúc Có khi của Hoài Lâm đã nhất ba tháng, trong khi các đối thủ theo sau đều chỉ có một lần. Điều đó có nghĩa, khi kết quả tháng 12 được công bố vào tối 15/1 (cũng là đêm trao giải năm), dù ca khúc nào đoạt giải tháng 12 thì Hoài Lâm vẫn là người chiến thắng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ sau vài mùa, BHYT đã không còn nhận được sự quan tâm dù chương trình thay đổi khá nhiều về đối tượng tham gia. Nếu trước đây, bảng xếp hạng này gần như là chỗ của các ca sĩ có tên tuổi và các sản phẩm truyền thống (năm đầu tiên bài hát đoạt giải là Chiếc khăn piêu với Tùng Dương và năm thứ hai là Chiếc vòng cầu hôn với Đàm Vĩnh Hưng) thì hiện tại, nhiều cái tên mới, underground đã được tăng cường. Kết quả của năm, dù đã lộ diện nhưng vẫn không thấy một dòng bình luận hay sự tranh cãi, ca thán nào của khán giả. Bảng xếp hạng “Billboard Việt” - giấc mơ ngày nào của BHYT dường như đã tắt.

Giai thuong truyen thong mat gia
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh đoạt giải Song ca được yêu thích nhất - Ảnh: Hải An

Những giải thưởng truyền thống khác có bề dày và đóng góp thành tích lớn cho nhạc Việt cũng phải gắng gượng để không phải… nói lời từ biệt, dù đã nỗ lực cập nhật theo xu hướng mới. Làn sóng xanh (LSX), sau sự phát triển như vũ bão của nhạc số, đã “thức thời” với việc kết hợp bình chọn trên website Nhaccuatui và trên YouTube thông qua đơn vị Pops Worldwide.

Tuy nhiên, trong đêm trao giải vừa qua, có hai lần gọi tên người nhận giải nhưng ca sĩ không đến. Đây không phải chuyện diễn ra lần đầu ở LSX. Không còn được khán giả quan tâm, giải thưởng vì thế cũng nhận sự thờ ơ của chính đối tượng được trao giải. Các hạng mục của giải thưởng Mai Vàng năm nay cũ ng không còn được người trong cuộc nhắc đến nhiều. Việc nghệ sĩ kêu gọi khán giả/độc giả bình chọn cho mình sôi động như nhiều năm trước đã biến mất, dù ngày trao giải đã gần kề.

Trong lúc đó, các giải thưởng nhạc số lại ngày càng trở thành chủ đạo trong thị trường giải trí Việt. Sau sáu mùa diễn ra với khởi phát bị không ít người dè chừng vì lo rằng đây là giải thưởng mang tính nội bộ (dựa vào bình chọn trên Zing Mp3), ZMA ngày càng cho thấy sức ảnh hưởng của mình.

Ngoài chuyện nghệ sĩ kêu gọi bình chọn, dịch vụ “hack bình chọn” cũng được chào hàng đến các nghệ sĩ với số tiền cụ thể… Năm 2012, khi LSX công bố con số bình chọn chỉ hơn 12.000 qua các kênh như email, tin nhắn, thư tay… thì con số bình chọn, nghe, tải ở ZMA là hàng triệu.

Từ quy mô vừa phải năm đầu tiên, đêm chung kết năm nay của ZMA diễn ra ở nhà thi đấu Quân khu 7 để đáp ứng nhu cầu dàn dựng chương trình và nhu cầu của khán giả. Không là sân chơi dành hẳn cho các gương mặt underground như nhiều người nhầm tưởng, giải thưởng này vẫn “cân bằng” với những cái tên chính thống (mà năm nay trong danh sách đoạt giải là Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Lệ Quyên…).

Giải thưởng non trẻ POPS Awards chỉ mới diễn ra hai năm, dành cho các sản phẩm kỹ thuật số và dựa vào lượt nghe/xem/ chia sẻ/đăng ký theo dõi trên YouTube, iTunes, Amazon.mp3, Spotify, Deezer, Guvera, Mix Radio… cũng đang cho thấy sức tác động của mình. Ở ZMA hay POPS Awards, không chỉ nghệ sĩ mới, nghệ sĩ trẻ háo hức mà các tên tuổi gạo cội cũng ra sức ủng hộ.

Ca sĩ Mỹ Linh nói về POPS Awards: “Là người có hơn 20 năm hoạt động trong thị trường âm nhạc, mình phải biết cập nhật và phát triển theo thời cuộc. Nhận thấy sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số đối với âm nhạc, tôi mong muốn học hỏi ở các bạn trẻ cách mà các bạn ấy thể hiện mình trên nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận khán giả của mình”.

Sự chuyển biến của hệ giải thưởng nhạc Việt phần nào tương tự sự chuyển biến của thị trường, khi các sản phẩm truyền thống (băng, đĩa…) dần biến mất, thay vào đó là các sản phẩm kỹ thuật số. Thậm chí, trong giải thưởng POPS Awards, kênh YouTube của các đài truyền hình cũng “chen chân” cạnh tranh như kênh của Đài Truyền hình Vĩnh Long, HTV2, VTC… Sự xuống dốc của các giải thưởng truyền thống (khởi đầu với việc chọn các ca sĩ chính thống và các sản phẩm truyền thống như băng, đĩa…) là điều tất yếu.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI