Giải thưởng 'tôn vinh' hay để cho đồng tiền thao túng?

21/04/2018 - 08:39

PNO - Lãnh đạo của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã phủ nhận “có liên quan” đến chương trình tôn vinh thương hiệu thực phẩm chức năng giả Vinaca. Đây là cách ứng xử thường thấy mỗi khi xảy ra...

Sự phủ nhận trên có phải là một cách lảng tránh trách nhiệm hay không, dư luận đã có thể nhận thấy.

Nhưng ở một góc độ khác, cho thấy VATAP – cơ quan chủ quản của Viện Công nghệ Chống làm giả là nơi đã tổ chức chương trình vinh danh trên – hoàn toàn thiếu trách nhiệm trong việc quản lí những đơn vị trực thuộc. Cứ “đẻ” ra các đơn vị, để những “đứa con” của mình làm gì không biết, khi gây ra chuyện thì lại giải thích là không được mời dự và không được báo cáo.

Giai thuong 'ton vinh' hay de cho dong tien thao tung?
Khi một giải thưởng “vinh danh” có được nhờ tiền thì điều dễ hiểu là chất lượng của sự bình chọn hay vinh danh đó là thiếu chất lượng như thế nào. 

Đó là căn bệnh chung đang rất trầm kha của nhiều hiệp hội hiện nay. Hiệp hội bị khai thác cái danh vào mục đích kinh doanh thương mại, còn việc quản lí thì lỏng lẻo, thậm chí buông xuôi.

Trong đó, tình trạng chung và phổ biến hiện nay là những “đứa con” của các hiệp hội – điển hình như Viện Công nghệ chống làm giả trực thuộc VATAP – tổ chức những chương trình “bình chọn”, “vinh danh”, “top hàng đầu”, “thương hiệu hàng đầu”… mà thực chất là doanh nghiệp tham gia phải đóng tiền.

Ông Lê Trọng Anh - quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (cũng trực thuộc VATAP), Thường trực ban tổ chức chương trình Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017 – trả lời báo chí cho biết “các doanh nghiệp trong đó có công ty Vinaca tự động đăng ký rồi chi tiền để chương trình được diễn ra thường xuyên”.

Chính vì có sự “chi tiền để chương trình được diễn ra thường xuyên” nên trường hợp thương hiệu thực phẩm chức năng giả như Vinaca mới trở thành “thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng đầu”. 

Giai thuong 'ton vinh' hay de cho dong tien thao tung?

Và khi một giải thưởng “vinh danh” có được nhờ tiền thì điều dễ hiểu là chất lượng của sự bình chọn hay vinh danh đó là thiếu chất lượng như thế nào. Hàng chục cuộc bình chọn như thế hàng năm, hàng chục thương hiệu chưa hề được người tiêu dùng biết đến nhiều, chưa hề lọt vào con mắt đánh giá đầy khắt khe và chuẩn mực của các chuyên gia thương hiệu và công ty nghiên cứu thị trường, chính là thứ sản phẩm được đẻ ra bởi sự thao túng của đồng tiền và sự hám lợi của nhà tổ chức.

Quá dễ để lọt vào top này, top kia vì chỉ cần vài chục hoặc vài trăm triệu đồng tiền đóng vào theo hồ sơ đăng kí, là có thể được vinh danh. Chính vì thế, không ít cuộc vinh danh doanh nghiệp vi phạm pháp luật; sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng các tiêu chuẩn…

Cách đây nhiều năm là trường hợp VEDAN, còn mới nhất là trường hợp Vinaca, rồi FLC (vừa được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trao 3 giải thưởng trong đó có giải Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất dù để xảy ra hàng loại sự cố, sai phạm)…

Một khi các hiệp hội còn dễ dãi để “đẻ” ra những “đứa con” nhằm mục đích làm ăn mà thiếu sự quản lí, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ còn những trường hợp như Vinaca xảy ra trong tương lai.

Không thể tiếp tục để cho tình trạng các hiệp hội tùy tiện lập ra những viện này hay trung tâm kia mà thực chất chỉ để làm ăn chứ chẳng có nhân sự, nguồn lực đáp ứng về nghiệp vụ, chuyên môn. Vậy, cơ quan chức năng nào quản lí vấn đề này cần rà soát và qui hoạch lại.

Trên thực tế, nhiều hiệp hội, viện, trung tâm được lập ra chỉ có cái danh chứ chẳng mang lại lợi ích hay bảo vệ được người tiêu dùng, thì cũng chẳng cần những tổ chức như vậy tồn tại.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI