Lễ trao giải Sách Quốc gia lần 4-2021 dự kiến diễn ra trung tuần tháng 11. Nhưng tối 1/1, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên hội đồng xét giải Sách Quốc gia lần 4-2021 đã chia sẻ trên trang cá nhân tin vui: tác phẩm Bài thơ của một người yêu nước mình của cố nhà thơ Trần Vàng Sao đã được hội đồng giám khảo chấm giải B.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chính là người đã viết lời tựa cho Bài thơ của một người yêu nước mình (Hội Nhà văn ấn hành, 2020). Tác phẩm gồm 32 bài thơ, hầu hết được nhà thơ Trần Vàng Sao viết từ những năm thập niên 1960-1990. Đó là những năm tháng đầy khó khăn của đất nước và bản thân ông phải chịu nhiều đau đớn trước thời cuộc.
|
Tập thơ do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn, gồm một số bài đã in trên các báo/tạp chí và di cảo của cố nhà thơ được gia đình lưu giữ. |
"Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào. Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông... Và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết trong lời tựa.
Một nhận xét dồn dập tính từ và nhịp điệu, đúng như chất thơ của Trần Vàng Sao. Đọc những bài thơ ông viết, cảm giác như trong tâm cảm của người thơ ấy con chữ sóng tràn và đau đớn: Đồng chí, Người mất trí hát, Trong cơn sốt đưa chị Miên về Long Xuyên, Hai mươi mốt muôn năm, Gọi tìm xác đồng đội...
|
Nhà thơ Trần Vàng Sao lúc sinh thời. Ảnh: Tạp chí sông Hương. |
Trần Vàng Sao chủ yếu sáng tác theo thể thơ tự do, ông tái hiện một hiện thực ngổn ngang, giàu hình ảnh và cảm xúc mà không cần phải chú trọng quá nhiều vào ẩn ngữ hay những biện pháp tu từ. Cách ông kể về tình cảnh nghèo khó của một thời: "Cây cỏ lùng mọc dưới nước chết khô/Những cọng rơm rớt vãi giữa đường/Hai con trâu nằm nhai cỏ đầu ngã ba sợi dây dắt mũi chảy nước/Con nhện sa trước mặt...(trích Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ, tháng 3/1985).
Hoặc cách ông viết về cái chết: "Lý do: Ăn cắp bỏ chạy/Kêu không đứng lại", "Cuốc đất trên núi/Lựu đạn nổ", "Đói lâu ngày ăn quá nhiều/Chết", "Đứt mạch máu/Lúc đang đọc diễn văn/Gần đến đoạn cuối" (trích Văn bia, 1982).
Những dòng thơ tự nhiên như lời kể mà khiến người đọc cay mắt: "Con Lê Thị Cam ơi/Chết đất nào về đây với bầm/Bầm khô gan héo ruột", "Mấy người có ai có con chết như tôi không/Liệt sĩ không có xác/(...)/Có ai biết con tôi chôn ở đâu không..." (trích Gọi tìm xác đồng đội, 1996).
Đọc thơ Trần Vàng Sao phải nhìn vào bối cảnh xã hội mà ông sống và viết, trong từng giai đoạn của đất nước từ chiến tranh, cho đến ngày hòa bình; phải hiểu cả những đoạn đời mà ông đã trải qua mới nhìn thấy hết trong từng bài thơ ông viết là nỗi đau đời nhưng cũng là một tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương, đất nước, cho cuộc đời này.
|
Bìa 4 tập thơ |
Trong số các tác phẩm của Trần Vàng Sao, Bài thơ của một người yêu nước mình nổi bật nhất. Tác phẩm được sáng tác vào tháng 12/1967 này đã làm nên tên tuổi ông. Đây cũng là bài thơ được bình chọn trong tuyển tập 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX (Trung tâm Văn hóa doanh nhân và nhà xuất bản Giáo dục, 2007).
Bài thơ của một người yêu nước mình dài hơn 150 câu, như một tự thuật của tác giả về đời mình, về đất nước những năm cuối thập niên 1960. Tác phẩm thấm đẫm tình yêu dành cho quê hương đất nước, cỏ cây, mái nhà; yêu con người, vạn vật và thể hiện khát vọng hòa giải dân tộc.
"Tôi yêu đất nước này rau cháo/Bốn nghìn năm cuốc bẫm cày sâu..."
"Tôi yêu đất nước này lầm than/Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển", "Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật/Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ/Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng..." - một bài thơ dài, mà càng đọc càng thương.
Bài thơ của một người yêu nước mình được xuất bản sau hai năm nhà thơ tại thế. Giải thưởng Sách Quốc gia dành cho tác phẩm như một sự vinh danh tưởng nhớ đầy ý nghĩa và trân trọng dành cho cố nhà thơ. "Chúng ta cứ yêu nhau như thế này/Và đừng bay lên trời..." - ông viết câu thơ đẹp cho tình yêu và sự sống, và ông rời khỏi cuộc đời.
Nhà thơ Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính) sinh năm 1941 tại Thừa Thiên Huế. Năm 1961, ông đỗ Tú tài và vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh-sinh viên tại Huế. Từ năm 1965-1970, ông lên chiến khu và tham gia công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Các bút danh ông từng dùng khi viết báo: Trần Sao, Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc. Sau năm 1970, ông ra miền Bắc và sau năm 1975 trở về Huế. Ông qua đời vào ngày 9/5/2018. |
Lục Diệp