Giải thưởng Nhà nước bao giờ gọi tên Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Thanh Tùng, Phùng Gia Lộc…?

15/09/2020 - 18:37

PNO - Với Giải thưởng Nhà nước, tuyệt đối không được dùng quan niệm “văn chương tự cổ vô bằng cứ” giống như thái độ tiếp nhận của giáo viên dạy văn trường huyện.

Việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt thứ 5 đang được tiến hành khá khẩn trương trên toàn quốc. Bên cạnh những gương mặt xứng đáng, công chúng vẫn băn khoăn khi có nhiều tác giả quen thuộc chưa được vinh danh trong những năm qua. Phải chăng, xung quanh Giải thưởng Nhà nước còn nhiều bất cập cần được tu bổ cho hợp lý hợp tình hơn?

Sao phải là “đơn xin…” mà không phải “đơn yêu cầu”, “đơn tham dự…”?

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đã được trao bốn lần vào các năm 2001, 2007, 2012 và 2017. Vì sao xuất hiện Giải thưởng Nhà nước? Vì trước đó, vào năm 1996 và 2000, đã có Giải thưởng Hồ Chí Minh ghi nhận đóng góp của những nhân vật lừng lẫy như Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lưu Quang Vũ… Vậy những người có thành tích mỏng hơn một chút, thì không lẽ lãng quên? Nói cách khác, Giải thưởng Nhà nước ra đời, để tránh thiệt thòi cho những tác giả chưa đạt tầm cỡ Giải thưởng Hồ Chí Minh. 

Nhà văn Phùng Gia Lộc (1939-1992)
Nhà văn Phùng Gia Lộc (1939-1992)

Giải thưởng Nhà nước là một sự trọng thị của quốc gia đối với các tác giả, tiền thưởng tương đối cao, nhưng cốt lõi vẫn khiến nhiều người quan tâm vì yếu tố “một miếng giữa làng”. Đa số, người được nhận Giải thưởng Nhà nước cảm thấy vẻ vang lắm. Thậm chí, một tác giả ở Thái Bình còn tổ chức khoe thành tích một cách rình rang ở xã mình với băng rôn “Lễ đón nhận Giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch nước trao tặng”. Thế nhưng, Giải thưởng Nhà nước xác lập giá trị sáng tạo của cả cộng đồng, không thể dựa trên tâm lý “được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ”. Giải thưởng Nhà nước cần phải được trao cho các tác giả theo tiêu chí công bằng và xứng đáng.

Vì sao nhiều tác giả quen thuộc vẫn chưa được gọi tên ở Giải thưởng Nhà nước? Ngoài những cá nhân chủ động đứng ngoài danh lợi, chỉ xem phương tiện duy nhất để mình tồn tại là tác phẩm, thì có không ít tác giả e ngại… thủ tục. Không có mẫu chung, nên ứng viên Giải thưởng Nhà nước phải tự làm đơn xin, trong đó liệt kê tác phẩm và giải thưởng. Nếu tác giả đã khuất, thì đơn xin còn có thêm ý kiến đồng thuận và cam kết không tranh chấp bản quyền giữa những người thừa kế.

Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn khái tính đã thẳng thắn rằng, họ không thích cơ chế xin - cho nên không đoái vọng Giải thưởng Nhà nước. Ai cũng có lòng tự trọng, kẻ cầm bút càng tự trọng. Tại sao bắt buộc tuân thủ “Đơn xin Giải thưởng Nhà nước” mà không phải là “Đơn yêu cầu xét tặng Giải thưởng Nhà nước”, hoặc “Đơn tham dự xét tặng Giải thưởng Nhà nước”?

Sau khi đã có đơn, ứng viên Giải thưởng Nhà nước phải trải qua hai vòng bình chọn, một vòng cơ sở và một vòng quốc gia. Ở địa phương thành lập một hội đồng bình chọn, và ở các hội chuyên ngành thành lập thêm một hội đồng bình chọn nữa, trước khi bước vào cánh cửa của hội đồng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Câu hỏi thứ nhất, hội đồng ở địa phương có đủ năng lực để thẩm định không? Câu hỏi thứ hai, hội đồng chuyên ngành có thực sự vô tư và khách quan không? Chỉ hai câu hỏi ngỡ rất đơn giản nhưng khá phức tạp ấy, đã đủ làm nản lòng những tác giả có tâm, có tài muốn hướng đến Giải thưởng Nhà nước.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhiều cái tên quen thuộc bị “bỏ quên” trong nhiều năm qua

Ở đây, xin mạn phép không nhắc đến những trường hợp được trao Giải thưởng Nhà nước mà độc giả và đồng nghiệp không thấy chút lấp lánh nào từ tác phẩm, cứ xem như họ may mắn “giữa đường nhặt được của rơi”. Chỉ xin liệt kê những tác giả rất quen thuộc mà nhắc đến bút danh thì công chúng nhớ ngay tác phẩm tiêu biểu, nhưng vẫn chưa được Giải thưởng Nhà nước như nhà văn Trang Thế Hy - tác giả tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, nhà văn Trần Kim Trắc - tác giả tập truyện Ông Thiềm Thừ, nhà thơ Thanh Tùng - tác giả bài thơ Thời hoa đỏ, nhà thơ Hoài Vũ - tác giả bài thơ Vàm Cỏ Đông, nhà văn Nhật Tuấn - tác giả tập truyện Con chim biết chọn hạt, nhà văn Trần Hoài Dương - tác giả truyện dài Miền xanh thẳm, nhà văn Văn Lê - tác giả tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, nhà văn Bảo Ninh - tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh

Ngoài ra, còn có những tác giả đang đứng ngoài Giải thưởng Nhà nước mà cống hiến của họ đã tạo ra nhiều con sóng khác biệt cho dòng chảy văn chương nước nhà như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền… Không phải tự nhiên mà năm ngoái, nhà văn Bảo Ninh “rớt” Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, dư luận lại bức xúc đến vậy. 

Một trong những tiêu chí bắt buộc để trở thành “gạo trên sàng” khi xét tặng Giải thưởng Nhà nước là từng được các giải thưởng văn học. Nếu những tác giả không mặn mà thi thố hoặc chưa có điều kiện thi thố, thì khoảng cách với Giải thưởng Nhà nước càng xa vời vợi. Hiện nay, nhiều địa phương lập ra giải thưởng riêng về văn học nghệ thuật cũng nhằm bổ sung hồ sơ cho các tác giả, như Giải thưởng Lưu Trọng Lư, Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ, Giải thưởng Phạm Văn Đồng… 

Để có cơ sở cho những nhà văn ưu tú nhưng thiếu hụt giải thưởng trong lý lịch cầm bút, Hội Nhà văn Việt Nam nảy sinh sáng kiến trao giải thưởng “cống hiến trọn đời” cho nhà văn Văn Linh, nhà văn Phượng Vũ, nhà thơ Hữu Đạt, nhà thơ Hồ Khải Đại, nhà thơ Hải Hồ, nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Hoài Anh, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Từ Bích Hoàng, nhà thơ Lê Văn Ngăn…

Có lòng nhớ đến nhau và có lòng hỗ trợ nhau như vậy, cũng là động thái đáng hoan nghênh. Thế nhưng, cũng đừng quá đặt nặng giải thưởng mà hãy nhìn vào tác động của tác giả - tác phẩm đến hành trình tiến bộ và văn minh của đất nước. Ví dụ, chỉ với bút ký Cái đêm hôm ấy, đêm gì?, nhà văn Phùng Gia Lộc (1939-1992) đã vượt trội không ít tác giả từng được Giải thưởng Nhà nước, nhưng không ai vì lẽ phải để lên tiếng truy lĩnh giá trị cho người đã nằm dưới nấm mộ úa cỏ bên bờ sông Chu ở Thọ Xuân - Thanh Hóa. 

Chỗ nào có danh lợi thì không tránh khỏi thị phi. Tuy nhiên, quan trọng nhất của Giải thưởng Nhà nước vẫn là chất lượng. Không thể hồ đồ nghi ngờ về chuyện “chạy chọt giám khảo” hoặc “vận động hành lang”, nhưng trình độ của những người bình chọn không thể không lưu ý.

Nhà văn Bảo Ninh
Nhà văn Bảo Ninh

Để những tác giả quen thuộc với công chúng không tiếp tục xa lạ với Giải thưởng Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam cần phát huy tích cực hơn vai trò hội nghề nghiệp. Cụ thể, Hội Nhà văn Việt Nam nên rà soát những tác giả có cống hiến cho văn học cả nước, và chủ động mời họ làm hồ sơ hoặc đề nghị họ ủy quyền cho hội làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước.

Nếu làm theo cách này, thì sẽ bớt chuyện ùn ứ hồ sơ do một vài người viết sốt ruột hoặc nhanh nhảu làm “đơn xin” kiểu “hú họa”. Mặt khác, Hội Nhà văn Việt Nam phải phô diễn thiện chí với những tác giả cầm bút lâu năm, hãy trao tặng Giải thưởng Nhà nước khi họ còn sống, thì có ý nghĩa hơn truy tặng Giải thưởng Nhà nước khi họ đã mất. 

Với Giải thưởng Nhà nước, tuyệt đối không được dùng quan niệm “văn chương tự cổ vô bằng cứ” giống như thái độ tiếp nhận của giáo viên dạy văn trường huyện. Tác giả và tác phẩm phải được định tính và định lượng thật rành mạch. Muốn làm được điều ấy, đầu tiên cần xây dựng một bộ khung những người thẩm định chuyên nghiệp và uy tín. Danh sách những người “cầm cân nảy mực” cho Giải thưởng Nhà nước phải được thông báo công khai, để họ chịu trách nhiệm về lá phiếu bình chọn của họ, cũng như đối diện sự phản biện của xã hội.

Giám khảo nào thì chất lượng nấy. Những tác giả bản lĩnh và trong sạch sẽ nhìn vào đội ngũ những người thẩm định, để quyết định có nên ứng tuyển Giải thưởng Nhà nước hay không. Còn cách thực hiện Giải thưởng Nhà nước đang áp dụng, vẫn là cơ chế xin - cho, khiến mỗi lần công bố danh sách được vinh danh thì lại diễn ra bi hài kịch “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. 

Lê Thiếu Nhơn

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI