Giải thưởng Nguyễn Thị Định tiếp thêm động lực cho cán bộ Hội

17/10/2022 - 16:16

PNO - Giải thưởng Nguyễn Thị Định là một hình thức vinh danh các gương cán bộ, hội viên điển hình, có nhiều đóng góp, cống hiến cho phong trào, hoạt động Hội Phụ nữ.

Các ý tưởng, sáng kiến của các cá nhân, tập thể được đề cử trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2022 đều có ý nghĩa, mang tính thực tế cao. Từ cấp cơ sở, chúng tôi có thể tham khảo, học tập và triển khai các mô hình đó, như mô hình trao yêu thương, khu phố xanh, giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp…

Giải thưởng Nguyễn Thị Định là một hình thức vinh danh các gương cán bộ, hội viên điển hình, có nhiều đóng góp, cống hiến cho phong trào, hoạt động Hội Phụ nữ. Tôi mong rằng, giải thưởng sẽ tiếp tục được duy trì, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân có mô hình, sáng kiến, cách làm hay. Từ giải thưởng này, Hội Phụ nữ ở cơ sở sẽ được tiếp thêm động lực để tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho phong trào phụ nữ. 

Chị Nhuyễn Quốc Toản - Chủ tịch Hội LHPN phường 7, quận Phú Nhuận

Tôi rất vui và tự hào khi biết mô hình “Bếp nhỏ Hội em” của Hội LHPN quận Gò Vấp được đề cử trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2022. Đây là sự động viên tinh thần rất lớn để cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục chủ động, sáng tạo trong từng phong trào, hoạt động tại địa phương. 

Có thể nói, trong đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19, cán bộ Hội LHPN quận Gò Vấp đã không kể ngày đêm, liên tục “đỏ lửa” mỗi ngày để phục vụ các suất ăn, nước uống cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Bếp được tổ chức thực hiện từ tháng 5 - 10/2021 với hơn 200 suất ăn kèm thức uống mỗi ngày. Dù vất vả nhưng tất cả các chị vẫn luôn nhiệt tình, luôn là hậu phương đáng tin cậy cho tuyến đầu chống dịch. 

Để bếp được duy trì, Hội LHPN quận Gò Vấp đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm, vận động sức dân để chăm lo cho dân, cùng địa phương hoàn thành nhiệm vụ chống dịch. 

Đến nay, các cấp Hội vẫn tiếp tục duy trì và tổ chức bếp ăn linh động theo từng địa phương, theo định kỳ hằng tháng, hằng quý, phục vụ người dân, người lao động khó khăn. 

Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận Gò Vấp

Với tôi, việc Hội LHPN quận Tân Phú được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định cho sáng kiến thành lập “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” vào năm 2010 vẫn để lại những cảm xúc tốt đẹp. 

Đây là mô hình đầu tiên và có giá trị lan tỏa không chỉ trong cấp quận, cấp thành phố mà còn rộng hơn. Từ mô hình này, hệ thống Hội Phụ nữ đã góp sức bảo vệ, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em yếu thế, không may bị bạo hành, bạo lực. Khi chị em không biết hay không còn ai đáng tin cậy để kêu cứu thì địa chỉ tin cậy là nơi tạm lánh an toàn. 

Từ hiệu quả của mô hình này, đến nay, tại từng chi hội phụ nữ ở khu phố hay tổ phụ nữ ở tổ dân phố, đều có những mô hình tương tự. Như ở khu phố 5, phường Tây Thạnh hiện có tổ tư vấn cộng động, tổ hòa giải cộng đồng, nhà tạm lánh… Thành viên các tổ là tư vấn viên, hòa giải viên giúp các gia đình hàn gắn khi có bất hòa, lên tiếng và có biện pháp bảo vệ kịp thời nạn nhân bạo hành, xâm hại… 

Bà Lê Thị Ngọc Nga (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú)

Thiên Ân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI