Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần VII - năm 2022: Đổi mới hoạt động để hỗ trợ phụ nữ tốt hơn

17/10/2022 - 06:18

PNO - Ngày 18/10, Hội LHPN TPHCM sẽ tổ chức lễ trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định TPHCM lần thứ VII - năm 2022 cho 8 tập thể và 5 cá nhân...

Ngày 18/10, Hội LHPN TPHCM sẽ tổ chức lễ trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định TPHCM lần thứ VII - năm 2022 cho 8 tập thể và 5 cá nhân không ngừng tìm tòi mô hình, giải pháp sáng tạo để thực hiện có hiệu quả phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. 

Siêu thị lưu động thời giãn cách xã hội 

“Dịch này, cán bộ Hội chuyển qua bán siêu thị luôn hen?” - bà Nguyễn Thị Hương (ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) hồ hởi nói khi xách giỏ đi quanh chiếc xe tải đậu trên sân Trung tâm Văn hóa xã Hiệp Phước.

 

 

Từ một điểm đen về rác, Hội LHPN phường Cát Lái, TP.Thủ Đức đã cải tạo thành mảng xanh, vừa trồng rau, vừa làm vườn ươm cây giống (trong ảnh: Vườn rau và ươm cây giống vẫn được duy trì trong đợt dịch COVID-19) - Ảnh: T.L.X

Bà chọn 1 gói xúc xích, 5 lốc sữa, 2 lốc bánh flan, một ít cải bó xôi, và 2kg khoai lang cho vào giỏ. Bà cho biết, nhà có trẻ nhỏ nên suốt nửa tháng, bà không dám đi đâu vì sợ nhiễm bệnh, về lây cho cháu. Thỉnh thoảng, bà nhờ hàng xóm mua giúp nhưng vào lúc giãn cách xã hội, việc mua bán rất khó khăn.

Chọn xong hàng, bà Hương xách giỏ đến bàn tính tiền. Cố gắng mãi mới chất được những củ khoai cho ngay ngắn trên cái đĩa cân móp méo, chị Trần Thị Kim Đính - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Nhà Bè - hô lên: “Một ký hai năm mươi. Thôi, tính cô một ký hai cho chẵn đi”. Sau khi nhập tên hàng, giá tiền, chị Nguyễn Kiều Thu - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nhà Bè - rút mẩu hóa đơn vừa trồi ra từ chiếc máy in nhỏ đưa cho bà Hương, nói: “Hết 372.000 đồng cô nhé”.

Ngày đầu tiên, những người bán hàng không chuyên có phần lúng túng, nhất là ở khâu cân hàng, tính tiền. Không có chiếc cân chuyên nghiệp, nên việc cân đong chủ yếu bù qua sớt lại. Khâu thanh toán vẫn còn thủ công nên vừa lâu, vừa dễ nhầm lẫn. Nhưng đây là “cửa hàng thực phẩm dã chiến” của Hội Phụ nữ nên mọi người cùng cười ngặt nghẽo khi hóa đơn ghi nhầm 450g cà rốt thành 4,5kg.

Một lát sau, nụ cười chuyển thành nỗi niềm rưng rưng khi một người đàn ông khoảng 50 tuổi bước vào, đi một vòng siêu thị và chọn lấy 2 quả trứng gà cùng 1 gói mì tôm: “Chú chỉ còn vài ngàn, không biết có đủ không?”. Ông chìa mấy tờ tiền lẻ tổng cộng 9.000 đồng cuộn tròn trên tay, nhìn những người bán hàng với ánh mắt ái ngại. Chị Thu liền lấy một ít rau củ và vài thứ nhu yếu phẩm bỏ vào túi rồi trao cho người đàn ông. Không biết phải cảm ơn như thế nào, ông bối rối: “Mấy cô bán vậy, lỗ thì sao?”.

Đó là những hình ảnh diễn ra trong ngày 23/7/2021, khi chiếc xe tải chở khoảng 40 mặt hàng thiết yếu dừng lại trong sân Trung tâm Văn hóa xã Hiệp Phước để hỗ trợ nhu cầu thực phẩm của người dân sau hơn 10 ngày giãn cách xã hội trên toàn TPHCM. 

Chị Nguyễn Kiều Thu cho biết, khi bắt tay làm siêu thị lưu động, các cán bộ Hội LHPN huyện Nhà Bè gặp rất nhiều khó khăn do giấy đi đường hạn chế, chuỗi cung ứng hàng trục trặc, việc vận hành siêu thị quá mới mẻ: “Chúng tôi chưa biết cách nhập kho, tính hóa đơn. Có những lúc, chúng tôi thấy khó khăn đến mức muốn dừng lại”. Thế nhưng, những tin nhắn yêu cầu hỗ trợ cứ hiện ra trên hệ thống đăng ký mua hàng khiến chị cùng tập thể quyết tâm duy trì mô hình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Siêu thị đã di chuyển qua bảy xã, thị trấn, phục vụ cho 600 khách mua trực tiếp và hoàn thành 4.302 đơn hàng trực tuyến (online) với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Quảng bá sản phẩm của phụ nữ nghèo 

Trong khi siêu thị lưu động của Hội LHPN huyện Nhà Bè được hình thành và vận hành vỏn vẹn chưa đầy một tháng để giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân địa phương trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì “Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN quận 4 khởi xướng lại là một công trình được ấp ủ nhiều năm trời. 

 

Sản phẩm đan móc của nhóm nghề Hướng Dương được bày bán tại “Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” của Hội LHPN Q.4
Sản phẩm đan móc của nhóm nghề Hướng Dương được bày bán tại “Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” của Hội LHPN quận 4

Ngày 19/3/2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm len đan móc thủ công của nhóm nghề Hướng Dương được Hội LHPN quận 4 ra mắt tại địa chỉ 360C Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TPHCM. Với khoản kinh phí gần 100 triệu đồng, Hội LHPN quận 4 đã cải tạo căn nhà sinh hoạt cộng đồng cũ kỹ của phường 1 thành một cửa hàng bắt mắt với những tấm kính lớn gắn tường, tủ kính, kệ gỗ di động, trưng bày 52 danh mục và 164 sản phẩm đan móc theo từng khu vực.

Nhóm nghề Hướng Dương gồm 15 thành viên (là phụ nữ khuyết tật, hộ nghèo, diện hòa nhập cộng đồng…) được Hội LHPN quận 4 phối hợp với Chương trình Vùng quận 4 và Tổ chức Tầm nhìn thế giới thành lập để hỗ trợ sinh kế. Ban đầu, chỉ có bảy chị trong nhóm, bán được hàng qua Facebook cá nhân và những mối quan hệ thân quen. Tuy nhiên, sau khi cửa hàng được thành lập, tất cả sản phẩm của nhóm được đưa vào trưng bày, giới thiệu để bán. 

Theo đó, mức thu nhập của người cao nhất trong nhóm khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Dù có thu nhập thấp nhất nhóm (2 triệu đồng/tháng) nhưng C.K.L vẫn xem đây là niềm động viên lớn đối với mình. Bởi lẽ, trước giờ chị luôn nghĩ mình “vô dụng”.

Sự ra đời của cửa hàng đã khiến những phụ nữ nghèo được hỗ trợ phương tiện mưu sinh trong nhóm nghề Hướng Dương phải trăn trở tìm cách phát triển cơ sở. Họ phân chia lịch trực hợp lý, chia nhau mỗi người tự học vài kỹ năng như bán hàng, kế toán để vận hành công việc khoa học, hiệu quả. 

Sau sáu tháng ra mắt, hiện nay cửa hàng không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm của nhóm nghề Hướng Dương, mà còn giới thiệu các sản phẩm từ tranh giấy xoắn của phụ nữ khuyết tật hoặc các sản phẩm thủ công như túi vải, kẹp tóc, thực phẩm đóng gói của phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Trần Thị Lan - Phó Trưởng nhóm nghề Hướng Dương - đã mạnh dạn đề nghị Hội LHPN quận 4 tạo điều kiện cho các thành viên của nhóm được học tiếng Anh miễn phí để chủ động giao tiếp với khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng. 

Đến nay, sau hơn sáu tháng thành lập, “Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” không chỉ là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm của phụ nữ có gia cảnh khó khăn sau khi được dạy nghề mà còn là một điểm hẹn để các chị trao đổi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.

Biến điểm đen về rác thành mảng xanh 

Phần đất thuộc dự án Trường THPT chất lượng cao Cát Lái (từ đầu đường 13, khu phố 1 kéo dài đến gần Bệnh viện Lê Văn Thịnh) từng là một điểm đen về rác. Hội LHPN phường Cát Lái, TP.Thủ Đức đã cải tạo nơi này thành mảng xanh. Ban đầu, Hội làm vườn rau 100m2. Người dân địa phương đã chủ động góp thêm cây giống, phân bón và hằng ngày thay nhau chăm sóc, mở rộng diện tích vườn lên hơn 1.000m2, cho thu hoạch 400 - 500kg rau sạch mỗi tháng. 

Nhờ diện tích đất lớn, từ năm 2021, Hội LHPN phường Cát Lái vừa trồng rau, vừa làm một vườn ươm cây giống, biến nơi đây thành địa điểm tham quan, trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” cho trẻ mầm non và cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cùng năm, Hội cải tạo một phần diện tích đất trồng rau làm sân tập luyện thể dục thể thao cho người dân. 

Không chỉ góp phần tạo mỹ quan, bảo vệ môi trường, nhờ nguồn thu từ vườn này, Hội LHPN phường Cát Lái còn có kinh phí mua 10 thẻ bảo hiểm y tế, 3 góc học tập, 1 góc bếp yêu thương tặng phụ nữ, trẻ em nghèo; sơn, vẽ mảng tường cổ động việc bảo vệ môi trường ở khu phố 1; lắp màn hình tuyên truyền hoạt động Hội tại cổng chào đầu đường 13, khu phố 1. Với những cây giống từ vườn ươm, Hội tiếp tục cải tạo điểm đen về rác ở đường số 5, khu phố 2 thành tuyến đường hoa với 1.000 cây hoa các loại. 

Chị Nguyễn Thanh Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Cát Lái - cho biết, dự kiến cuối năm 2022, Hội sẽ cải tạo thêm 200m2 khu đất quanh vườn để trồng cây thuốc nam và đến năm 2023 sẽ trồng sen quanh vườn rau. Đến khi dự án Trường THPT chất lượng cao Cát Lái khởi công, Hội sẽ trả mặt bằng và tìm các khu đất trống khác để duy trì mô hình. 

Cũng băn khoăn về nạn ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm chất thải nhựa và túi ni-lông, trong bốn năm qua, Hội LHPN xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni-lông. Tháng 6/2018, mô hình “Điểm thu gom, trao đổi túi ni-lông, chất thải nhựa đã qua sử dụng” được thành lập tại hai ấp Thạnh Hòa và Thiềng Liềng với ba điểm thu gom. Các điểm này thực hiện việc quy đổi tiền hoặc túi cho người nộp rác thải. Theo đó, cứ 3kg túi ni-lông, rác thải nhựa khó phân hủy đổi được 1kg túi ni-lông thân thiện với môi trường hoặc 10.000 đồng. 

Song song đó, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp tổ chức các hội nghị chuyên đề, đối thoại giữa lãnh đạo với hội viên phụ nữ về việc giảm thiểu sử dụng túi ni-lông khó phân hủy. Hằng năm, Hội còn tổ chức nhiều đợt thu gom rác, tổng vệ sinh môi trường, kết hợp trao tặng thùng chứa và thùng phân loại rác, giỏ nhựa đi chợ, túi vải cho người dân. 

8 tập thể và 5 cá nhân được trao giải thưởng 

Các tập thể được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần VII - năm 2022 gồm: Hội LHPN phường Cát Lái, TP.Thủ Đức; Hội LHPN phường Đa Kao, quận 1; Hội LHPN quận 4; Hội LHPN phường 16, quận 8; Hội LHPN phường 4, quận 10; Hội LHPN quận Gò Vấp; Hội LHPN huyện Nhà Bè và Hội LHPN xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Các cá nhân được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần VII - năm 2022 gồm bà Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 12, quận Tân Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Sáng Tạo Xanh; bà Nguyễn Thị Tuyết Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn ngành y tế TPHCM, Phó chủ tịch Hội Hộ sinh TPHCM, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ; bà Trần Thị Ngọc Nữ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; bà Lương Thanh Trúc - Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN quận 6; bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.

Thu Lê - Mẫn Nhi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI