Khi từ chối điều gì, người Nhật dùng một cách rất tế nhị - họ cúi đầu, nói khẽ: “Cảm ơn. Tôi sẽ suy nghĩ thêm”. Người Trung Quốc xưa sẽ trích đọc những bài thơ có ẩn ý, thường là từ Kinh Thi; dùng ngôn ngữ qua những cái khuôn có sẵn để bày tỏ điều muốn nói.
Động tác trả lại bằng khen dành cho phim Cha cõng con (ảnh) của đạo diễn Lương Đình Dũng tại Cánh diều vàng chỉ khiến nhiều người xót xa cho văn hóa từ chối
Chuyện về một trong sáu trường hợp từ chối giải Nobel văn học: Jean Paul Sartre. Ông nhà văn, nhà triết học hiện sinh người Pháp này khi nhận tin mình được tôn vinh đã thẳng thừng từ chối và nêu rõ quan điểm rằng “một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Tuy nhiên sau đó, khi Sartre rơi vào cảnh túng bấn, luật sư riêng của ông đã gửi thư tới Ủy ban Nobel yêu cầu chuyển số tiền thưởng từng bị Sartre từ chối cho nhà văn. Cũng rất thẳng thừng, Ủy ban Nobel từ chối trao tiền thưởng.
Ở xứ ta, những trường hợp từ chối đều có lý do và cách thức bày tỏ khác nhau, nhưng thường lại là lý do khác với lý do chính. Chẳng hạn, trường hợp nhà thơ Ly Hoàng Ly vào năm 2006. Khi nghe tin Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng thưởng cho tập thơ Lô Lô của mình và sau khi đọc bài phỏng vấn của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, tác giả quyết định gửi thư tới Hội Nhà văn xin không nhận tặng thưởng. Trong thư, Ly bày tỏ “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà hội đồng đưa ra để bình bầu”.
Trường hợp những từ chối tặng thưởng văn học 2012 ồn ào hơn. Năm đó, có bốn giải thưởng (Thành phố đi vắng - Nguyễn Thị Thu Huệ, Trường ca chân đất - Thanh Thảo, Giờ thứ 25 - Phạm Đương, Màu tự do của đất - Trần Quang Quý) và bốn tặng thưởng (Trò chơi hủy diệt cảm xúc - Y Ban, Thế kỷ bị mất - Phạm Ngọc Cảnh Nam, Chất vấn thói quen - Phan Hoàng và Hoa hoàng đàn nở muộn - Khuất Bình Nguyên).
Nhà văn Y Ban từ chối giải thưởng dành cho tác phẩm Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của mình
Điều lạ là ngay khi giải thưởng còn chưa được thông qua, đã có hai lá đơn của Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam xin rút và mạng internet dậy sóng với những phát biểu từ chối giải. Nhà văn Y Ban lên tiếng với hai lá phiếu trắng dành cho mình. Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam gửi thư bức xúc: “Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen của Hội Nhà văn. Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy, là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương”.
Tuy vậy, cuối cùng hội đồng giải thưởng vẫn không cắt giải và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phải khẳng định trước báo giới: “Hội làm việc theo nguyên tắc thấy đáng thưởng thì thưởng, thấy đáng khen thì khen”.
Mới đây nhất là chuyện từ chối giải của thi sĩ Trần Nhuận Minh với tập thơ Thành phố dịu dàng. Tập thơ xuất bản năm 2015, gồm 48 bài, được UBND tỉnh Quảng Ninh trao giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ VIII. Tuy chỉ là giải thưởng văn học địa phương nhưng mức độ “dậy sóng” cũng không kém vì nhà thơ Trần Nhuận Minh là tác giả đã được Giải thưởng Nhà nước.
Quan trọng là ngay sau khi có quyết định trao giải và ngay sau khi có đơn xin rút của tác giả thì ngày 25/5/2017, Cục xuất bản in và phát hành (Bộ TT-TT) đã ra quyết định đình chỉ phát hành tập thơ do “có những câu mang tính chủ quan, không phù hợp”.
Rất nhiều ý kiến. Người bênh vực, thông cảm cũng có; người bỉ bai quá lời cũng có. Rõ ràng việc từ chối giải thưởng trong một sức ép nhiều bề như vậy không những không mang lại kết quả mong muốn mà còn châm thêm dầu vào ngọn lửa lúc nào cũng sẵn sàng hừng hực của mạng xã hội ngày nay.
Tương tự, ở giải Cánh diều vàng, sau khi biết tác phẩm Cha cõng con của mình chỉ nhận được bằng khen, đạo diễn Lương Đình Dũng đã “trịnh trọng xin trả lại bằng khen” - động tác khiến người trong nghề không khỏi mỉm cười, cho rằng anh đang dằn dỗi.
Nếu không khát giải và không có duyên như lời anh nói, anh đã không nhiều năm đem phim dự Cánh diều vàng để nhận những bằng khen, những giải khuyến khích. Đã tự đem con bước vào cuộc chơi, trao quyền quyết định số phận con mình vào tay người khác, sao Dũng không chấp nhận quyết định ấy như một người hiểu chuyện?
Thực tế, có những tác giả mang lại sự sang trọng cho giải thưởng nhưng đa phần giải thưởng đem về cho tác giả nhiều lợi ích. Trên cái bệ phóng được khẳng định, được tôn vinh ấy, thường là sự hưng phấn sẽ đẩy tài năng phát triển cao hơn, cống hiến nhiều hơn. Cũng có những tác giả cả đời chẳng màng đến giải thưởng nhưng cống hiến của họ vẫn được độc giả, được lịch sử ghi nhận.
Xét cho cùng, từ chối giải thưởng không phải là điều quá lớn; nhưng từ chối thế nào, vào thời điểm nào cho có văn hóa; hay chỉ chuốc lấy sự phiền muộn và bị đánh giá. Nếu quả thật muốn từ chối thì sự chọn lựa của người Nhật: “Cảm ơn! Tôi sẽ suy nghĩ thêm” có lẽ vừa yên phần mình mà vừa giữ danh dự cho người trao giải.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.