Giải rượu theo Đông y

07/02/2018 - 15:00

PNO - Theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM, ngay trong kệ bếp của mỗi gia đình thường có sẵn những nguyên liệu giải rượu rất hiệu quả.

“Thuốc” từ nhà bếp  

Các loại thảo mộc dưới đây có tác dụng làm thuốc thanh lọc và bảo vệ cơ thể khi uống quá nhiều rượu - đặc biệt là bảo vệ gan, trái tim thứ hai của cơ thể.  

- Rau má: chống viêm, lợi tiểu, lợi mật, chống ôxy hóa tốt cho não, bền thành mạch…

- Rau bồ ngót: có vị ngọt, tính mát, lá và rễ đều có tác dụng kích thích lưu thông máu, hạ sốt, lợi tiểu, giải độc, cầm máu, nhuận trường, kháng khuẩn, tiêu viêm. 

Giai ruou theo Dong y
 

- Cần tây: có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp, bảo vệ gan, phòng sỏi thận. Bổ sung chất khoáng, vitamin, kích thích tiêu hóa.

- Cà chua: tính mát, giúp ăn ngon, hạ nhiệt, cầm máu, kháng khuẩn, giải độc, giảm acid hóa máu, lợi tiểu, tăng thải urê và độc chất trong cơ thể. 

- Cà rốt: chất sắt và vitamin A có trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu, tăng sức đề kháng. Đối với những bệnh nhân viêm gan, cà rốt là một vị thuốc tốt của gan mật. 

- Tía tô: tác dụng tốt cho tiêu hóa, thải độc, lợi tiểu, chống dị ứng thức ăn…

- Sắn dây: có tác dụng hạ nhiệt, bổ sung nước, chất khoáng, chống khô miệng, khát nước, thông đại tiểu tiện, giải độc. Thường dùng trong các trường hợp cơ thể nóng bức, bụng đầy và ngộ độc rượu. 

Giai ruou theo Dong y
 

Theo ThS- BS Nguyễn Văn Đàn - khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ thể nếu dùng quá nhiều bia rượu, đồ béo ngọt sẽ dẫn đến tích nhiều nhiệt bên trong, sinh ra các chứng táo bón, nổi mụn, đau đầu, tức ngực, phiền muộn, tiểu nóng...

Bởi thế, phép dưỡng sinh ẩm thực mùa xuân khuyên nên chọn những đồ ăn thức uống thanh trừ nội nhiệt, bổ âm để dưỡng dương như rau quả tươi chẳng hạn như cam, táo, cà rốt, củ sắn, ngó sen, giá đỗ, cà chua, sắn dây, các loại nấm, đậu đen, nước mía, nước rau má, rau diếp cá, ngân nhĩ, hạt sen, trà hoa cúc, lươn...

Xử trí khi bị ngộ độc rượu

Theo ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh - khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - tình trạng ngộ độc rượu rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là do trong rượu bia thường có chứa etanol (cồn thực phẩm), có thể gây độc hại nếu uống nhiều.

Ngộ độc etanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào lượng rượu nạp vào người. Trường hợp nhẹ, có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp… 

Trường hợp bị say rượu, ngộ độc nhẹ etanol (rượu gạo, rượu nếp) với các biểu hiện: nôn ói, đau đầu, có thể chăm sóc tại nhà; nhưng phải chú ý bù nước đầy đủ, vì say rượu, nôn ói khiến cơ thể dễ mất nước, hạ đường huyết, có thể tử vong. Khi bổ sung nước cho người say rượu cần lưu ý cho uống từng chút một, vì dễ bị sặc. 

Trong trường hợp bị nôn ói nhiều, nên cho người say nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau; cần giữ ấm vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. 

Nước chanh gừng ấm: pha chanh tươi và gừng giã nhuyễn với nước ấm, hòa một ít muối cho người say uống. Cách này vừa giúp giải rượu, vừa tăng cường đề kháng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI