Đó là thực trạng được đưa ra tại hội thảo “Liên kết nhà trường và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp” do UBND TP.HCM phối hợp cùng Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 10/1.
Cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Thực trạng việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp đáng báo động khi nhìn vào những con số. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: hiện tại, các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM hằng năm cung cấp cho thị trường lao động thành phố hơn 70.000 lao động có trình độ ĐH. Ngoài ra, các chương trình đào tạo ĐH liên thông, liên kết, du học, vừa làm vừa học... cho ra trường thêm hàng chục ngàn nhân lực.
Giai đoạn năm 2014-2017, so sánh với giai đoạn trước năm 2010 thì số lượng nhân lực được đào tạo ĐH tăng hơn hai lần (70.000/30.000 hằng năm), trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH chỉ khoảng 40.000 chỗ làm/năm.
Ngoài ra, còn nguồn nhân lực tốt nghiệp ĐH từ nhiều loại hình đào tạo khác cho thấy nguồn nhân lực tốt nghiệp ĐH có nhu cầu việc làm tại TP.HCM khoảng 100.000 -110.000 người/năm, tỷ lệ 1 chọi 48, sự cạnh tranh rất gay gắt.
|
Sinh viên tham gia ngày hội nghề nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm |
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm. Một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp nên phải làm trái ngành. Trong số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm trái ngành, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển nghề.
Tiến sĩ Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý nhà nước, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin: lao động của Việt Nam thường có năng suất lao động thấp. Quý III năm 2017, số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 237.000 người. Nhóm người lao động có trình độ cao đẳng (CĐ) thất nghiệp là 84.800 người, tăng 1.900 người so với quý trước.
Trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 126.000 người, trình độ CĐ là 70.800 người. Sinh viên ra trường thất nghiệp là không bình thường, khi họ là nguồn nhân lực có trình độ mà phải làm trái ngành, nhiều người khai thấp trình độ để làm ở các khu công nghiệp không đòi hỏi trình độ, phổ biến nhất hiện nay là chạy xe ôm công nghệ… Đó là sự thất bại của thị trường lao động.
Cần kết nối doanh nghiệp với nhà trường
Số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại thành phố đạt 72,3%
Đối với TP.HCM, công tác giải quyết việc làm cho người lao động là chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Bình quân mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ tại thành phố đạt 72,3%. Ông khẳng định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của thành phố, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM
|
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: thành phố muốn lắng nghe ý kiến và các giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học để giải quyết vấn đề này. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nằm trong bảy chương trình đột phá của thành phố, là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, TP.HCM đang được xây dựng trở thành đô thị thông minh, phát triển khu đông thành phố thành đô thị sáng tạo, vì vậy đòi hỏi nâng cao chất lượng đội ngũ.
Ông Trần Anh Tuấn thẳng thắn đề nghị: các trường cần rà soát lại thị trường lao động để tính toán ngành nghề đào tạo. Hệ thống ngành nghề đào tạo của ta chắc nhiều nhất thế giới, ĐH có hơn 300, CĐ hơn 600 ngành nghề. Việc đặt tên ngành, tên trường đang có xu hướng đặt sao thật kêu để dễ tuyển sinh và đang đi theo chuyên ngành quá hẹp. Trong khi hiện nay, chúng ta cần tích hợp ngành nghề nhằm tạo khả năng làm việc đa ngành.
Tiến sĩ Đinh Công Khải vào thẳng vấn đề: các trường cần đóng vai trò chủ động trong công tác đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp. Trong khi đó, chính quyền thành phố cần tạo cơ chế động viên khuyến khích.
Một số mô hình ở Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cho thấy rõ vai trò của nhà trường trong việc tạo môi trường thực tập, cập nhật chương trình học, tìm nơi thực tập, định hướng rõ nghề nghiệp... nhằm giúp sinh viên trang bị kiến thức, kỹ năng và có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay sau khi ra trường.
Về công tác hướng nghiệp, chính quyền thành phố cần đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các cơ quan liên quan để dự báo nhu cầu nhân lực, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo.
Thực trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái nghề đào tạo đặt ra cho các cơ quan quản lý vấn đề phải có kế hoạch dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Qua đó định hướng, phân luồng học sinh, giúp học sinh có thêm thông tin trong việc ra quyết định lựa chọn ngành học, hướng đi tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng lãng phí khi đào tạo mà sinh viên ra trường lại thất nghiệp hoặc làm trái ngành.
Phó giáo sư - tiến sĩ Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: “Chúng tôi rất cần vai trò của Nhà nước để giải quyết vấn đề này. Các trường cần dự báo cho tương lai chứ không phải những thống kê của quá khứ. Trường đào tạo tốt mà thị trường không phát triển thì sinh viên vẫn sẽ thất nghiệp. Thành phố nên có cơ chế kết nối nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp với các trường ĐH. Ngoài những giải pháp nâng cao năng lực sinh viên thì việc thúc đẩy nền kinh tế của TP.HCM và nền kinh tế vùng sẽ thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường lao động”.
Các đại biểu còn cho rằng nên đưa doanh nhân vào giảng dạy để kết hợp lý thuyết với thực tiễn. Ngược lại, bản thân giảng viên cũng cần ra doanh nghiệp để tự cập nhật cho bài giảng của mình. Như vậy, nhà trường và sinh viên mới biết doanh nghiệp cần gì để đáp ứng. Chỉ như thế, tỷ lệ sinh viên có cơ hội việc làm và khả năng thành công sẽ cao hơn. Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông và đào tạo ĐH, nên có học kỳ về doanh nghiệp trước khi sinh viên tốt nghiệp.
Doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng đào tạo và kỹ năng nhân viên
Thực tế, thị trường lao động nước ta đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao. Năng suất lao động không cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù. Cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu.
Một số khảo sát, nghiên cứu cho ra cùng kết quả, hầu hết doanh nghiệp đều không hài lòng với chất lượng đào tạo và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Không chỉ thiếu kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Đặc biệt, thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM
|
Tiêu Hà