Giải quyết việc làm cho lao động nữ sau tuổi 35:Cần có chính sách căn cơ, lâu dài

01/12/2021 - 10:00

PNO - Lao động nữ làm việc giản đơn, sau 35 tuổi nếu mất việc làm sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế gia đình.

Theo tôi, nữ công nhân, nữ lao động phổ thông luôn là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi so với các nhóm phụ nữ khác. Với trình độ chuyên môn, tay nghề không cao và làm những công việc giản đơn, những đối tượng này dễ bị doanh nghiệp thay thế hoặc cho nghỉ việc, nhất là sau 35 tuổi. Đây là vấn đề xác đáng cần được nghiên cứu để có chính sách thích hợp đảm bảo đời sống cho lao động nữ; là “bài toán” đặt ra cho xã hội, nhất là Hội LHPN tại TP.HCM, nhằm chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho các đối tượng này. Là vấn đề mà Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI cần đưa ra thảo luận và tìm giải pháp. 

Ông Diệp Thành Kiệt tại một hội thảo về lao động ngày giày-da-túi xách
Ông Diệp Thành Kiệt tại một hội thảo về lao động ngành giày-da-túi xách

Doanh nghiệp khi tuyển lao động giản đơn thường trả công thấp. Nhưng theo Luật Lao động, mỗi năm doanh nghiệp đều phải tăng lương cho người lao động. Bất kỳ lao động nào, nếu làm việc trong thời gian dài thì lương sẽ cao hơn, trong khi đó tính chất công việc của lao động giản đơn thì vẫn như vậy, không phức tạp hơn. Bởi thế, doanh nghiệp sẽ đào thải những lao động giản đơn lâu năm (có tuổi) để tránh phải trả chi phí nhân công cao.

Loại bỏ 100 lao động đã có tuổi, sức yếu và thay thế bằng 70 - 80 lao động trẻ thì sản lượng cho ra sẽ cao hơn mà chi phí nhân công lại giảm xuống. Doanh nghiệp nào cũng nhìn ra điều đó. Về mặt quy luật, không thể tránh được trường hợp này.

Lao động nữ làm việc giản đơn, sau 35 tuổi nếu mất việc làm sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế gia đình. Điều này là một thiệt thòi với họ. Và việc này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai nếu như xã hội vẫn tồn tại những lao động không có tay nghề, trình độ.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân nói chung và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho nữ công nhân lao động sau tuổi 35, tôi cho rằng, Hội LHPN các cấp nên là “cầu nối” giúp cải thiện vấn đề này. Nhất là tổ chức Hội ở ngoại thành cần am hiểu đặc thù lao động nữ ở địa phương; thông tin thực trạng nhu cầu lao động nữ và dự báo được nguy cơ (thất nghiệp, mất việc…) của các đối tượng này kịp thời đến chính quyền địa phương các cấp hoặc tổ chức cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tái đào tạo giúp lao động nữ sau 35 tuổi có công việc mới phù hợp hơn. Trước mắt, chúng ta có thể tạo những công việc mà lao động nữ có tuổi có thể làm việc tại nhà có thu nhập và có thể chăm sóc gia đình. Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất là chúng ta cần phải nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho lao động nữ giúp họ có cơ hội thâm nhập vào xã hội ngang bằng với những lao động được đào tạo trong nội thành và ngang bằng với nam giới. Cụ thể, chúng ta cần có những trung tâm dạy nghề miễn phí cho lao động nữ sau 35 tuổi nếu họ cần thay đổi nghề hoặc muốn tiếp tục làm nghề đó nhưng với trình độ phức tạp hơn. 

Ngoài ra, Hội LHPN có thể kêu gọi các dự án của các tổ chức quốc tế và một số tổ chức khác mà ở đó có những mô hình có thể tạo ra việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có tuổi. Mặt khác, Hội Phụ nữ hoặc hợp tác xã ở địa phương cần chủ động liên hệ với nhà máy, xí nghiệp tìm những đơn hàng gia công cho các chị em. Trong đó, Hội hay hợp tác xã có vai trò trung gian phân phối, kiểm tra chất lượng, thu hồi sản phẩm về cho nhà máy, xí nghiệp (đối với những nhà máy sản xuất công nghiệp xen lẫn thủ công). 
Điều cuối cùng, Hội cần giám sát để những chính sách đối với lao động nữ nào không khả thi thì kiến nghị loại bỏ, thay vào đó là nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp hơn, tăng tính bảo vệ, chăm lo thiết thực đến quyền và lợi ích chính đáng của lực lượng lao động nữ. 

 Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI