Giải quyết vấn đề từ gốc

23/11/2024 - 06:55

PNO - Tại các trường đại học, hằng năm có hàng chục ngàn sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là hệ quả của quá trình học ngoại ngữ từ bậc phổ thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 42,7% bài thi tiếng Anh dưới điểm trung bình; năm 2023 là 44%, 2022 là 51%, 2021 là 40% và 2020 là 63%.

Dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông nhưng nhìn vào những con số trên, có thể thấy rõ việc dạy tiếng Anh hiện nay vẫn còn những hạn chế lớn. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều giữa các vùng miền khiến chất lượng học tiếng Anh giữa học sinh thành thị và nông thôn có sự chênh lệch.

Ở bậc phổ thông, chương trình chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, đọc, viết. Trong khi các kỹ năng nghe và nói - 2 yếu tố quan trọng trong giao tiếp - lại ít được chú trọng. Kết quả là học sinh không tự tin sử dụng tiếng Anh. Thêm vào đó, học sinh chỉ tiếp xúc với tiếng Anh trên lớp mà không có cơ hội thực hành ngoài giờ học nên không đáp ứng yêu cầu giao tiếp.

Giải quyết vấn đề sinh viên “nợ” tốt nghiệp vì không đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra cần có sự cải cách toàn diện từ gốc, từ bậc phổ thông.

Thứ nhất: chương trình cần đổi mới để cân bằng giữa ngữ pháp và kỹ năng giao tiếp. Dạy tiếng Anh cần bắt đầu từ kỹ năng nghe và nói, giúp học sinh tự tin giao tiếp ngay từ nhỏ. Thay vì chỉ tập trung vào học thuộc ngữ pháp, các bài học cần được thiết kế để tăng tính thực tế trong sử dụng ngoại ngữ.

Hiện nay, các công cụ học ngoại ngữ có ở khắp nơi, việc tiếp cận internet ở vùng sâu vùng xa cũng không quá khó khăn. Các ứng dụng học tiếng Anh, các khóa học trực tuyến, hoặc chương trình học qua video có thể giúp học sinh thực hành nghe và nói với người nước ngoài. Ứng dụng công nghệ cũng giúp học sinh tự học và phát triển kỹ năng tiếng Anh một cách linh hoạt và hiệu quả.

Thứ hai, cần đầu tư vào đào tạo giáo viên tiếng Anh. Việc mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy ở các khu vực khó khăn cũng là một cách để nâng cao chất lượng dạy học và giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền.

Thứ ba, tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho người học. Các trường xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, chương trình giao lưu văn hóa hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Anh để học sinh có cơ hội sử dụng ngôn ngữ.

Cuối cùng, việc học tiếng Anh không nên bị xem là một môn học bắt buộc mà cần trở thành một kỹ năng. Do đó, các trường cần thay đổi cách truyền tải và động viên học sinh coi tiếng Anh là phương tiện để khám phá thế giới, chứ không chỉ là yêu cầu để vượt qua kỳ thi.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI