Giải quyết vấn đề giảm sinh bằng cô dâu nước ngoài, Hàn Quốc vấp phải sự chỉ trích

02/06/2021 - 07:17

PNO - Với sự già hóa, mất cân bằng giới tính và chuyển dịch cơ cấu dân cư từ nông thôn lên thành thị, nhiều gia đình tại Hàn Quốc xem việc tìm con dâu người nước ngoài, đa phần tại khu vực Đông Nam Á, như một cách để duy trì nòi giống và tăng cường sức lao động.

Làn sóng lấy vợ nước ngoài

Mới đây, chính quyền thành phố Mungyeong đã vấp phải sự chỉ trích vì chiến dịch khuyến khích nông dân quá tuổi kết hôn với du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Tuy đây là lần đầu tiên một đơn vị hành chính ở nước này đưa ra chính sách gây tranh cãi, xu hướng tìm vợ nước ngoài cho nam giới “ế” đã và đang tồn tại khắp xứ sở kim chi.

Trong nhiều thập niên, sự mất cân bằng giới tính ở các vùng nông thôn của Hàn Quốc ngày càng trầm trọng. Phụ nữ trẻ thường đến các thành phố để kiếm việc làm và kết hôn, trong khi nam giới ở lại vùng quê để làm việc đồng áng, chăm sóc cha mẹ già theo quan điểm truyền thống.

Với số ca sinh năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019, Hàn Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề già hóa dân số. Trong đó, khuyến khích nam giới kết hôn với phụ nữ nước ngoài được cho là một phương án hiệu quả - Ảnh: AP
Với số ca sinh năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019, Hàn Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề già hóa dân số. Trong đó, khuyến khích nam giới kết hôn với phụ nữ nước ngoài được cho là một phương án hiệu quả - Ảnh: AP

Vào những năm 1980, chính quyền địa phương bắt đầu trợ cấp cho các công ty môi giới hôn nhân tư nhân, nhằm tìm cách giới thiệu những nông dân độc thân với phụ nữ gốc Hàn ở Trung Quốc, trả cho những người môi giới từ 4 đến 6 triệu won (khoảng 3.800 đến 5.700 USD) cho mỗi cuộc hôn nhân. Đó là một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng dân số già, bằng cách khuyến khích đàn ông tìm vợ và có con.

Dần dần, những cô dâu nước ngoài không còn bắt buộc mang dòng máu Hàn Quốc mà có thể đến từ nhiều quốc gia khác quanh khu vực như Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Ngành công nghiệp môi giới hôn nhân xuyên quốc gia sớm xuất hiện vào những năm 2000.

Theo thống kê của chính phủ, tính đến tháng 5/2020, 380 công ty mai mối đã được đăng ký tại Hàn Quốc. Hầu hết đàn ông kết hôn qua dịch vụ mai mối xuyên biên giới sống ở các vùng nông thôn nơi một số tỉnh vẫn duy trì chính sách trợ cấp hôn nhân. Ví dụ, tỉnh Jeolla Nam cho đàn ông trên 35 tuổi chưa từng kết hôn khoản trợ cấp 5 triệu won (4.190 USD) để lấy vợ ngoại quốc, nếu họ xuất trình giấy đăng ký kết hôn.

Năm 2018, có 16.608 phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc, số cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc trong năm 2018 đạt 23.773, chiếm 9,2% tổng số cặp đôi kết hôn ở Hàn Quốc, với gần 65% chú rể nằm ngoài độ tuổi 35.

Vấn đề nhân quyền và bạo hành

Chính phủ Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã lo ngại rằng ngành công nghiệp “cô dâu nước ngoài” có thể dẫn đến nạn buôn người và bạo hành gia đình. Năm 2010, Campuchia tạm thời cấm công dân của mình kết hôn với người Hàn Quốc. Vài năm gần đây, truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin về những vụ việc cô dâu nước ngoài bị bạo hành, thậm chí là sát hại. Năm 2018, một cuộc khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đối với 920 người vợ nước ngoài ở xứ kim chi cho thấy, 42% từng bị bạo lực gia đình, và 68% là nạn nhân của hành vi tình dục không mong muốn.

Tại Hàn Quốc, các quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài hiện đã được thắt chặt kể từ năm 2014, công dân Hàn Quốc và vợ hoặc chồng người nước ngoài phải chứng minh rằng họ có thể giao tiếp với nhau để được cấp thị thực. Hơn nữa, vào năm 2019, Hàn Quốc công bố kế hoạch ngăn đàn ông có tiền sử bạo hành gia đình tài trợ thị thực cho cô dâu nước ngoài. Luật này có hiệu lực vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề ở Hàn Quốc khiến các cô dâu nước ngoài trở nên lệ thuộc vào chồng.

Theo luật nhập cư của Hàn Quốc, cô dâu nước ngoài cần chồng bảo lãnh thị thực ban đầu, có thời hạn một năm. Sau đó, họ cần gia hạn thị thực ba năm một lần. Heo Young-sook, người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền cho phụ nữ di cư tại Hàn Quốc, giải thích: “Ngay cả khi có vấn đề, phụ nữ nhập cư vẫn cảm thấy rằng họ nên duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì lo ngại rắc rối về thể chế”.

Cuối cùng, những bước tiến bộ nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ nước ngoài tại Hàn Quốc luôn vấp phải hàng rào định kiến lớn từ quan niệm truyền thống. Một dự luật chống phân biệt đối xử toàn diện nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số về chủng tộc và giới tính đã bị mắc kẹt tại Quốc hội Hàn Quốc từ năm 2006 đến 2020 do sự phản đối từ những người theo khuynh hướng bảo thủ.

Vào năm 2020, tỷ lệ các cuộc hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc có sự giảm nhẹ, chiếm 7,1%, hay 15.341, trong tổng số 213.502 cuộc hôn nhân trên cả nước. Trong số đó, 11.100 cặp đôi bao gồm chồng Hàn Quốc và vợ ngoại quốc. Con số này phản ánh tác động của đại dịch, nhưng cũng cho thấy xu hướng lấy vợ nước ngoài dường như sẽ tiếp tục duy trì. Đáng quan ngại, những chính sách như ở thành phố Mungyeong ngày càng bộc lộ mặt tối của làn sóng lấy vợ nước ngoài tại Hàn Quốc, nơi nhân phẩm của những nhóm phụ nữ thiểu số dường như bị hạ thấp và thậm chí xem như món hàng cân đo bằng tiền bạc. 

Linh La (theo CNN, Korea Herald, BBC, Foreign Policy) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI