Giải quyết trợ cấp cho trẻ khuyết tật: Mỗi nơi mỗi kiểu

26/09/2015 - 14:11

PNO - Tới UBND phường xin giám định mức độ khuyết tật để con hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách của Nhà nước, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ.

"Do tật bẩm sinh, con tôi nghe nói rất khó khăn. Mỗi khi con vất vả bày tỏ điều gì, lòng tôi như thắt lại. Tôi đã tới UBND phường xin giám định mức độ khuyết tật để con hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách của Nhà nước, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ".

Đó là nỗi lòng chị Vũ Thị Khuy và chị Cao Minh Thùy (cùng ngụ KP.5, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) giãi bày với phóng viên báo Phụ Nữ.

Chị Khuy cho biết, năm 2002, chị sinh bé Lê Thị Thanh Thi. Không may, cháu bị khuyết tật bẩm sinh, không thể nghe, nói. Mặc dù tiền lương công nhân không mấy dư dả nhưng hai vợ chồng chị vẫn gắng gượng chắt chiu, tiết kiệm để lo cho con.

“Qua thông tin báo đài, được biết trường hợp con mình nằm trong diện được trợ cấp hàng tháng, vợ chồng tôi lập tức gửi đơn lên UBND P.Linh Trung xin giám định mức độ khuyết tật cho cháu nhưng không được giải quyết.

Cả năm nay, tôi đã đi tới đi lui hơn năm lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời “con gái chị không thuộc diện được hưởng trợ cấp khuyết tật”. Một nhân viên phụ trách việc giải quyết chế độ của phường còn phũ phàng: “Mù còn không được hưởng, huống chi câm điếc”, khiến tôi rất tủi thân”.

Chị Khuy đem theo giấy tờ của một số trẻ ở phường khác bị khuyết tật như bé Thi và đã được nhận trợ cấp tới hỏi cán bộ phường thì được câu trả lời: “Mỗi phường, mỗi khác”. Chị tiếp tục đem hồ sơ lên UBND Q.Thủ Đức nhưng cán bộ nơi này cho biết: “Ăn thua là xác nhận của phường!”.

Cùng cảnh ngộ, chị Cao Minh Thùy sinh bé trai Nguyễn Minh Trí năm 2003. Bé bị câm điếc bẩm sinh. Sau khi đưa con đi kiểm tra thính lực, chị Thùy được bác sĩ cho biết cháu bị khuyết tật ống tai nghe (điếc sâu độ IV).

“Do gần nhà không có trường dành cho trẻ khuyết tật nên vợ chồng tôi đưa cháu đi học trường chuyên biệt ở Q.Bình Thạnh. Tôi tới UBND P.Linh Trung xin xác nhận hưởng trợ cấp cho con nhưng chỉ nhận câu trả lời “câm điếc không được hưởng” - chị Thùy ngậm ngùi kể.

Trong nỗ lực liên hệ với UBND P.Linh Trung để làm rõ vấn đề, chúng tôi được nhân viên văn phòng ủy ban trả lời: “đề nghị phóng viên gửi công văn”. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân - người trực tiếp làm hồ sơ giải quyết trợ cấp khuyết tật của P.Linh Trung, bà Vân nói: “Gia đình chị Cao Minh Thùy chưa bao giờ lên phường xin xác nhận cho con” (?).

Đối với trường hợp bé Lê Thị Thanh Thi, bà Vân cho biết, phường đã có hồ sơ, làm các thủ tục và cấp thẻ khuyết tật cho bé, nhưng vì dạng khuyết tật của bé nhẹ nên không được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Bà Vân khẳng định: “Phường thực hiện theo ba-rem của Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ- TB-XH) đưa xuống chứ không tự ý làm. Phường quản lý hồ sơ rất chặt, nói đến bé nào là biết bé đó ngay”.

Giai quyet tro cap cho tre khuyet tat: Moi noi moi kieu
Chị Khuy và Chị Thúy trao đổi với PV báo Phụ Nữ

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị muốn xem hồ sơ xác nhận của bé Lê Thị Thanh Thi thì bà Vân từ chối với lý do hồ sơ đang ở trong kho, mới chuyển phòng nên không xem được

Trước sự việc trên, phóng viên báo Phụ Nữ đã trao đổi với một cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và được giải thích:

Hiện nay Hội đồng giám định do chủ tịch UBND phường làm chủ tịch hội đồng, có sự tham gia của các thành phần khác như bác sĩ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… Khi người khuyết tật có nhu cầu giám định, phường phải lập hồ sơ, hẹn ngày giờ để mời họ lên phỏng vấn.

Nếu người dân đã đến yêu cầu phường tổ chức giám định mà phường không thực hiện thì phản ánh lên Phòng LĐ-TB-XH quận, huyện. Trong trường hợp hội đồng giám định đã xác nhận mức độ khuyết tật nhưng người dân không công nhận kết quả thì có quyền yêu cầu phường giới thiệu lên hội đồng giám định y khoa thành phố và người dân chịu phí giám định.

Nếu kết quả giám định này khác với kết quả tại phường thì người dân đem kết quả đó cho phường, yêu cầu phường trả phí giám định. “Hiện nay, khá nhiều người bức xúc vì cách đánh giá khuyết tật mỗi nơi một khác, tùy vào chuyên môn, thậm chí cả cảm tính” - cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội cho biết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI