Giải phóng mặt bằng phải đi trước

13/04/2024 - 05:56

PNO - Khi cầu Long Kiểng được thông xe vào tháng 9/2023, người dân ở huyện Nhà Bè vừa mừng, vừa mếu. Mừng vì từ đây, họ không phải thấp thỏm mỗi khi qua cầu; mếu là vì một cây cầu không quá to, quá dài mà phải mất 22 năm đằng đẵng, mới xây xong.

Long Kiểng vốn là cây cầu sắt được xây từ năm 1976, nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng. Tháng 1/2018, cây cầu hom hem này bị sập khiến người dân càng bất an mỗi khi qua cầu. Thế nhưng, dự án xây cầu Long Kiểng mới được phê duyệt từ năm 2001, nhưng mãi đến tháng 9/2022, mới hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đó chỉ là một trong rất nhiều công trình ở TPHCM được xây dựng ì ạch do vướng ở khâu GPMB. Sự ì ạch này không chỉ gây lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà còn làm tắc nghẽn động lực phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

là một trong rất nhiều công trình ở TPHCM được xây dựng ì ạch do vướng ở khâu GPMB
Cầu Long Kiểng là một trong rất nhiều công trình ở TPHCM được xây dựng ì ạch do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng

Bồi thường, GPMB luôn là công tác nhạy cảm, khó khăn, phức tạp khi triển khai các dự án hạ tầng bởi để có một công trình mới, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người dân buộc phải nhường lại phần đất đai, nhà cửa đang sinh sống quen thuộc để đến nơi ở mới. Giải quyết tròn vẹn cả về mặt pháp lý lẫn quyền lợi của người dân là điều không đơn giản, đòi hỏi có đủ thời gian để vận động, thuyết phục, lên phương án bồi thường, bố trí nơi tái định cư, chuyển đổi sinh kế cho dân một cách cẩn trọng, thấu đáo.

Chính vì vậy, khi triển khai dự án đường Vành Đai 3 đoạn qua TPHCM và đường Vành Đai 4 ở thủ đô Hà Nội, chính quyền 2 thành phố đã kiến nghị cơ chế đặc thù, đề xuất tách GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi được duyệt chủ trương đầu tư. Nhờ đó, GPMB đã đi trước một bước.

Các thủ tục triển khai dự án thành phần GPMB thường nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, việc ứng vốn từ ngân sách thành phố chi trả cho các phương án GPMB cũng chủ động hơn. Đặc biệt, việc giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần GPMB đã giúp nâng cao trách nhiệm, huy động sức mạnh của bộ máy chính quyền cơ sở, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Bởi vậy, dù có khối lượng GPMB rất lớn, nhưng khi khởi công (tháng 6/2023), dự án đường Vành Đai 3 ở TPHCM đã giải tỏa gần 87%, đường Vành Đai 4 ở TP Hà Nội cũng giải tỏa hơn 70%. Đặc biệt, chỉ 10 ngày sau lễ khởi công, UBND huyện Hóc Môn đã bàn giao 98,89ha mặt bằng (đạt 100%) cho chủ đầu tư dự án đường Vành Đai 3, sớm hơn 6 tháng so với yêu cầu của UBND TPHCM và Chính phủ.

UBND huyện Hóc Môn đã chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người dân về tái định cư, mức đền bù sát với giá thị trường. Các cán bộ làm công tác GPMB sẵn sàng lắng nghe, giải quyết nhanh các vướng mắc của cư dân trên tinh thần không để người dân nào bị thiệt thòi. Được tôn trọng, lắng nghe, được giải quyết thỏa đáng quyền lợi, người dân đồng thuận cao, sẵn sàng bàn giao mặt bằng.

TPHCM đang chuẩn bị xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm, như các đường cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị (metro). Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép chính quyền TPHCM bố trí ngân sách để thực hiện công tác GPMB ở khu vực phụ cận các nhà ga metro, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành Đai 3, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá, đấu thầu để tạo nguồn thu. Để làm được điều này, việc đổi mới, đột phá trong GPMB là yêu cầu bắt buộc.

Từ kết quả thực hiện 2 dự án đường vành đai, có thể thấy, có thể hoàn tất sớm khâu GPMB nếu tận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù. Với Nghị quyết 98/2023/QH15, chính quyền TPHCM có thể chủ động đi trước, đón đầu trong việc xây dựng quỹ đất, “mặt bằng sạch”, tăng nguồn thu ngân sách, chỉnh trang đô thị hiệu quả, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân, nhà nước, doanh nghiệp.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI