Tìm giải pháp ứng phó với thách thức cung ứng và sử dụng nước sạch ở TPHCM

15/11/2023 - 10:58

PNO - Sáng 15/11, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) và Báo Phụ nữ TPHCM đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo lần 3 với chủ đề “Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức”.

 

 

Các chuyên gia thảo luận trong buổi Hội thảo "Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức".

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nhiều khu vực của thủ đô Hà Nội vừa trải qua những ngày thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan, khô hạn cũng ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trên toàn cầu.

Tham dự hội thảo có ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM; ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, cùng ban lãnh đạo, cán bộ SAWACO; các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học lĩnh vực môi trường, quy hoạch đô thị, kiến trúc; giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; đại diện chính quyền các Sở ban ngành TPHCM; bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM; bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, cùng các phóng viên báo, đài.

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - phát biểu khai mạc hội thảo.
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM cho biết: “An ninh nguồn nước có ý nghĩa rất lớn. Việc đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn liên tục cho đời sống sinh hoạt của người dân là vô cùng quan trọng. Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của ngành nước mà cần sự chung tay, trách nhiệm của cộng đồng. Thông qua Hội thảo, chúng tôi hy vọng đại diện các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan cùng ngồi lại để hiểu được bức tranh chung nhất, rõ nhất về tình hình cung ứng và sử dụng nước sạch trên địa bàn TPHCM. Những thuận lợi, khó khăn, thách thức để từ đó có ý kiến đề xuất, hiến kế giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra”.

Tín hiệu tích cực và những thách thức

TPHCM là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước với 2.100 km2 và 13 triệu dân. Với tình tình phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch không gian, dân số, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch… thì cung ứng nước đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho sự phát triển.

Ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - báo cáo về tình hình cưng ứng nước sạch trên địa bàn TPHCM.
Ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV báo cáo tình hình cưng ứng nước sạch trên địa bàn TPHCM.

Theo ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, hiện 100% người dân TPHCM có thể sử dụng và tiếp cận nước sạch. Công suất phát nước mỗi ngày khoảng 1,89 triệu m3 nước phục vụ cho 13 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố, với 1,6 triệu đồng hồ nước và 11.000 km đường ống nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (nhất là những tháng cao điểm mùa khô), ô nhiễm nguồn nước, áp lực nước không đồng đều…

Phía SAWACO dù đã có một số giải pháp tạm thời và lâu dài như tận dụng các công nghệ xử lý tiên tiến để xử lý ô nhiễm, hồ chứa nước sạch, cấp nước cho các khu vực ở xa, nước yếu... nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Các chuyên gia chăm chú theo dõi và thảo luận tại Hội thảo.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo.

TS Lê Thanh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học KHXH&NV TPHCM cũng chỉ ra nguy cơ thiếu nước ở TPHCM khi dân số tăng nhanh trong 10 năm qua, với mức tăng ước tính 2,2%/năm. Sự gia tăng này đặt ra áp lực lớn đối việc việc cung cấp nước vùng ven, do mật độ dân số đông gây khó khăn cho việc điều tiết nước.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM bày tỏ sựu quan tâm cho khai thác nước ngầm và tình trạng nâng cấp cơ sở hạ tầng về đường ống nước, áp lực nước khi một số khu vực đường ống còn khá cũ kĩ. Đặc biệt cần chú trọng đến công tác tuyền truyền khi vẫn còn công nhân, hộ nghèo ở nhà trọ chưa tiếp cận được chính sách giá nước hỗ trợ người dân thuộc đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

Tiến sĩ Lê Thanh Hòa đề xuất giải pháp cải thiện môi trường nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tránh tình trạng xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất; phát triển những cảm biến đo lường chất lượng nước; áp dụng công nghệ mới, cải thiện khả năng lọc nước... để điều tiết nước và giảm nguy cơ thiếu nước cho thành phố.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số đề xuất về quy hoạch không gian TPHCM đến năm 2040 và bài toán cung ứng nước; thiết kế khu dân cư, chung cư theo hướng tối ưu hóa sử dụng nước dưới nhãn quan đô thị xanh; pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn nước... nhằm hướng đến một đô thị đảm bảo không chỉ an ninh nước mà còn hướng đến chất lượng nước, thuận tiện trong sử dụng, hợp lý giá cả và đảm bảo cân bằng sinh thái trong việc khai thác và sử dụng bền vững.

ông Nguyễn Viết Vũ - Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoảng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM
Ông Nguyễn Viết Vũ - Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoảng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - có những chia sẻ thiết thực trong hội thảo.

Hiện thực hóa các giải pháp vào thực tiễn

Sau khi nghe các kiến nghị từ các chuyên gia, ông Nguyễn Viết Vũ - Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoảng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - đánh giá cao những đề xuất thiết thực và phân tích một số những vấn đề còn tồn đọng.

Về an ninh nguồn nước, ông cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, SAWACO đã đảm bảo cung cấp nước cho người dân, chủ động mở rộng mạng lưới cấp nước trên khắp địa bàn thành phố.

Tuân theo lộ trình giảm khai thác nước ngầm của chính quyền,  hiện tại toàn thành phố chỉ còn khai thác khoảng 5%, từ mức hơn 700.000m3/ngày (năm 2018) xuống chỉ còn 251.000m3/ngày (năm 2023) và vẫn đang tiếp tục giảm công suất khai thác. Trong khi đó, nước mặt khai thác khoảng 2,1-2,3 triệu m3/ngày, phần lớn nguồn nước được lấy từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An.

Bà Lý Việt Trung và ông Trần Quang Minh tặng hoa cho các chuyên gia tham dự Hội thảo.
Bà Lý Việt Trung (bìa phải) và ông Trần Quang Minh (bìa trái) tặng hoa cho các chuyên gia tham dự Hội thảo.

Về phía SAWACO, ban lãnh đạo cũng cho biết để giảm khai thác nước ngầm, đáp ứng sự phát triển KT-XH, sự gia tăng dân số nhanh chóng của thành phố… công ty đang tiến xây dựng 2 nhà máy nước sử dụng nước mặt mới, dự kiến đến năm 2026-2027 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.

Đồng thời, ông Trần Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - trân trọng và không quên gửi lời cảm ơn đến những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và hứa sẽ đưa vào nghiên cứu những vấn đề liên quan pháp lý và điều chỉnh quy hoạch dài hạn, giải quyết những hạn chế còn tồn tại về vấn đề cung ứng và sử dụng nguồn nước.

 

Minh An - Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI