PNO - Mới đây, vụ việc một nhân viên y tế uống 20 viên thuốc an thần tự sát do áp lực, buồn chán trong công việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng căng thẳng của những người đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã chẩn đoán 10 trường hợp nhân viên y tế bị trầm cảm. Theo ước tính của tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm thể Bệnh viện TP Thủ Đức - từ sau dịch COVID-19 tới nay, số nhân viên y tế cần được tư vấn, trị liệu về tâm lý tăng từ 15% đến 20%. Điều này cho thấy đây không phải là vấn đề cá biệt mà đang trở thành xu hướng đáng báo động.
Nguy cơ bi trầm cảm cao
Bác sĩ P.V.T. - 34 tuổi, đang làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM - đã tới gặp tiến sĩ Lê Minh Thuận để được tư vấn tâm lý. Ban đầu, bác sĩ T. chỉ nói những câu chuyện vu vơ, lòng vòng. Phải mất 15 phút, khi thực sự tin tưởng chuyên gia tâm lý, bác sĩ này mới bày tỏ mấu chốt của khó khăn mình gặp phải. Lương của anh quá thấp, không đủ nuôi sống gia đình. Tại nơi làm việc, anh cũng gặp mâu thuẫn với các đàn anh nên cảm giác mình bị bắt nạt, cô lập. Hằng ngày, anh phải làm một khối lượng công việc quá lớn, lại thường xuyên bị cấp trên khiển trách, bệnh nhân kiến nghị, vợ chê bai... Tất cả khiến đầu óc anh muốn nổ tung. Anh rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ rất ít nên hay mệt mỏi và cáu gắt với mọi người...
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn đang tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - Ảnh: Trâm Anh
Bác sĩ Đ.Đ.V. - 45 tuổi, công tác tại một bệnh viện tuyến cơ sở tại TPHCM - cũng đang phải điều trị trầm cảm. Nguyên nhân khiến anh lâm vào tình cảnh này là do áp lực từ công việc và gia đình. Anh tâm sự rằng, vợ và bạn bè cứ mặc nhiên cho rằng là bác sĩ thì phải giàu có, kiếm được nhiều tiền. Họ tự đặt ra cho anh một tiêu chuẩn rất cao. Khi không đạt được như vậy, anh thường nghe tiếng thở dài của vợ, sự cười cợt của họ hàng, bạn bè. Trong đầu anh lúc nào cũng hiện lên câu nói trêu đùa vô tình mà như xát muối vào tim: “Ủa tưởng bác sĩ ngon lắm, chỉ vậy thôi hả”. Đồng lương ít ỏi không đủ để anh nuôi sống gia đình. Anh từng mở phòng mạch nhưng cũng đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. Bệnh nhân thường tìm tới phòng mạch của những bác sĩ nổi tiếng làm việc ở các bệnh viện tuyến trên. Anh V. ngày càng lầm lì, ủ rũ, không còn hứng thú với bất cứ chuyện gì. Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ tới cái chết.
Tại hội thảo “Các phương pháp và chương trình tăng cường sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế” được Sở Y tế TPHCM tổ chức vào tháng 4/2024, các chuyên gia nhận định nhân viên y tế có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Một kết quả khảo sát tại Bệnh viện Hùng Vương vào năm 2021 trên tổng số 1.186 nhân viên cho thấy, có tới 16,5% nhân viên bị stress; 42,2% bị trầm cảm và 24,3% có chứng rối loạn lo âu.
Cần giải pháp toàn diện
Sau nhiều năm, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn vẫn không khỏi thương xót, day dứt khi nhớ về một nam đồng nghiệp. Bác sĩ này là cán bộ quản lý tại một cơ sở y tế lớn ở TPHCM. Ngày đó, bác sĩ này được đưa tới Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu vì uống tới 90 viên thuốc an thần để tự sát. Ông đã được cứu sống nhưng khi xuất viện lại tiếp tục tự sát. Tới lần thứ ba thì không thể cứu sống ông được nữa. Trong quá trình nằm điều trị tại bệnh viện, qua những lần tiếp cận để tư vấn tâm lý, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn đã xác định được nguyên nhân khiến đồng nghiệp mình bị trầm cảm. Bệnh nhân tâm sự mình đang ở đoạn cuối của tuổi trung niên, cảm thấy không còn cống hiến được bao lâu nữa, mất đi niềm tin, mục tiêu phấn đấu cho sự nghiệp. Chính suy nghĩ này khiến ông cảm thấy bản thân vô dụng, không còn giá trị...
Theo thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến - giảng viên Đại học Y Dược TPHCM - nhân viên y tế thường sợ bị người khác đánh giá khi gặp vấn đề về tinh thần. Họ không cho phép mình gục ngã vì sợ đồng nghiệp kỳ thị, bệnh nhân phán xét. Mặc dù bệnh viện đang công tác có phòng khám tâm lý nhưng họ vẫn ngại chia sẻ, tìm sự hỗ trợ vì lo sợ thông tin cá nhân bị tiết lộ. Họ hay tìm tới các cơ sở tư vấn tâm lý bên ngoài, được tư vấn bởi những người không có chuyên môn sâu. Điều này khiến cho quá trình hỗ trợ, can thiệp điều trị tâm lý trở nên chậm trễ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn cho biết, đối với người bị trầm cảm, không chỉ dùng thuốc điều trị mà còn phải phối hợp với trị liệu tâm lý xã hội. Thuốc cần dùng liên tục từ 12-24 tháng. Khi ngưng thuốc, tỉ lệ tái phát từ 15 - 25%. Trị liệu tâm lý xã hội sẽ giúp họ thay đổi nhận thức hành vi. Ông gửi gắm đến nhân viên y tế: “Nếu quá áp lực thì hãy tìm giải pháp cho mình. Cần nhận thức lại giá trị của bản thân. Mình lượng giá bản thân vậy đã đúng chưa? Hạ thấp nhu cầu xuống thì stress sẽ giảm. Đồng thời, cần học cách kiểm soát stress, hiểu rõ gốc rễ của vấn đề ở đâu để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Hãy ưu tiên nút thắt nào dễ xử lý giải quyết trước, cái gì khó xử lý sau. Y bác sĩ cần có khoảng nghỉ ngơi xen kẽ để tái tạo sức lao động và tinh thần. Đừng tối ngày ngồi ở bệnh viện mà phải có những mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao...”.
Để có thể giải quyết tình trạng rối loạn tâm lý, trầm cảm ở nhân viên y tế, tiến sĩ Lê Minh Thuận cho rằng cần những giải pháp mang tính toàn diện. Nhân viên y tế cần sự đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng, đặc biệt là từ phía bệnh nhân. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhân viên y tế tốt hơn, như giảm tải công việc, tạo môi trường làm việc thân thiện và tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần...
Một thực tế đáng lo ngại là nhiều nhân viên y tế gặp các rối loạn tâm lý là người trẻ. Những khó khăn về kinh tế, sự xung đột trong môi trường làm việc cùng với áp lực công việc quá lớn đã khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Áp lực này càng nặng nề hơn khi họ phải đối mặt với nguy cơ nếu xảy ra sai sót có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.