Giải pháp nào để thế giới sống chung lâu dài với COVID-19?

19/03/2022 - 12:28

PNO - Sau 2 năm kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho câu hỏi khi nào có thể chấm dứt đại dịch này, thì một số chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh chia sẻ thông tin về các biến thể, tạo ra cơ chế phân phối và phân chia lợi ích công bằng về vắc xin, sẽ là hướng ra để sống chung lâu dài với dịch.

Theo nhận định của tờ The Guardian, thế giới hiện đang đối mặt với 2 thách thức chính: Cải thiện việc giám sát mầm bệnh (tức các biến thể của virus SARS-CoV-2), và đảm bảo phân phối đồng đều về vắc xin trên toàn cầu.

Hiện nay các nước giàu có tích trữ vắc xin COVID-19 trong khi nước nghèo khó tiếp cận nguồn vắc xin này
Hiện nay các nước giàu có tích trữ vắc xin COVID-19 trong khi nước nghèo khó tiếp cận nguồn vắc xin này

Trước đây, các sinh vật sống, bao gồm cả mầm bệnh, được coi là di sản chung của nhân loại, và việc chia sẻ chúng cho các mục đích khoa học diễn ra không chính thức.

Nhưng điều này đã thay đổi sau khi công ước năm 1992 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (CBD) ra đời, trong đó có tuyên bố rằng, các quốc gia có quyền sở hữu thông tin về các nguồn gen được tìm thấy trên lãnh thổ của mình.

Theo một nội dung của công ước này - nghị định thư Nagoya, quốc gia phát hiện ra các nguồn gen có thể đặt ra các điều kiện về việc tiếp cận các nguồn tài nguyên này, nhằm đảm bảo chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích từ đó.

Kể từ khi nghị định thư Nagoya có hiệu lực vào năm 2014, COVID-19 là đại dịch đầu tiên mà thế giới đối mặt, nhưng tinh thần của nghị định này đã không được tôn trọng, theo The Guardian.

Cụ thể, các quốc gia đã chia sẻ dữ liệu liên quan đến SARS-CoV-2 một cách thoải mái, không đòi hỏi phải được đổi lại điều gì, nhờ đó đã thúc đẩy các cuộc cách mạng trong tiêm chủng, xác định trình tự gen và thu thập dữ liệu. Nhưng thành quả của những cuộc cách mạng đó đã không được chia sẻ một cách công bằng.

Đến nay, chỉ 14% người dân ở các nước có thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong khi tỷ lệ này ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình là 80%.

WHO hiện đang đề xuất một số sáng kiến ​​riêng biệt, nhằm cải thiện vấn đề giám sát các mầm bệnh, trong đó có việc thành lập 2 trung tâm ở châu Âu để chia sẻ dữ liệu và mẫu bệnh phẩm trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, theo The Guardian, những đề xuất này cũng không đi theo tinh thần của nghị định thư Nagoya.

Cơ quan y tế thuộc LHQ kỳ vọng các quốc gia sẽ đóng góp vào các trung tâm này vì lợi ích chung, và đã lên tiếng về việc phân phối công bằng các nguồn vắc xin, nhưng đến nay vẫn chưa có đề xuất nào giải quyết triệt để vấn đề chia sẻ lợi ích trong việc này.

“Chúng ta đang xem việc chia sẻ thông tin về các mầm bệnh là một lợi ích chung, nhưng chúng ta lại không coi vắc xin và các biện pháp y tế để ứng phó với dịch bệnh là một lợi ích chung”, Mark Eccleston-Turner  - một học giả pháp luật của trường King’s College London - nhận xét.

Ông Eccleston-Turner cũng gợi ý rằng, lợi ích từ việc phát triển và phân phối vắc xin có thể được ghi nhận trong một hiệp ước chống đại dịch mà WHO đang thực hiện, theo đó, nên phân bổ quyền sở hữu trí tuệ theo tỷ lệ đầu tư giữa 2 thành phần nhà nước và tư nhân trong việc phát triển vắc xin.

Theo Luke McDonagh - một chuyên gia luật sở hữu trí tuệ của Trường Kinh tế London, có 3 đến 4 loại vắc xin COVID-19 hàng đầu được đưa ra thị trường theo những cách khác nhau. Nhưng chúng đều có một điểm chung, đó là công chúng phải gánh chịu hầu hết các rủi ro và các công ty sản xuất ra chúng nắm giữ hầu như toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ.

Và ông McDonagh cho rằng, phần lớn quyền sở hữu trí tuệ nên thuộc về công chúng, những người đóng thuế để tạo ca các nguồn đầu tư công. Nhưng ông cũng cho biết, việc thay đổi tình trạng này thông qua một hiệp ước mới sẽ có thể không dễ dàng, nếu không có sự ủng hộ của các chính phủ, trước mắt là ở Anh và EU.

Ngoài ra, theo ông McDonagh, việc chia sẻ bí quyết và xây dựng năng lực sản xuất vắc xin trên toàn cầu cũng rất quan trọng để đạt được sự công bằng về vắc xin, và WHO đang thúc đẩy cả hai việc này.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI