Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội; thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - và nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, kinh tế, luật… cùng đại diện các gia đình công chức, viên chức, công nhân, người lao động tham dự hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện HĐND, Hội LHPN, các sở, ban, ngành TPHCM và lãnh đạo các cơ sở y tế chuyên về phụ sản.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổng tỉ suất sinh thấp ở các nước
Với tham luận Thách thức của Việt Nam trước năm 2045 và giải pháp cấp bách, đồng bộ, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân đã cho thấy 1 bức tranh toàn cảnh hơn, khi không chỉ Việt Nam mà thế giới chưa bao giờ đối diện với vấn đề dân số, cụ thể là tỉ suất sinh giảm như hiện nay. Nhiều nước châu Á lẫn châu Âu đều đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng này.
Cụ thể, năm 2012, Viện Quốc gia về dân số và nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản dự báo dân số đất nước này năm 2100 là 50 triệu người và năm 3000 là 62 người.
Đó cũng là vấn đề mà đất nước Hàn Quốc sẽ phải đối mặt bởi theo dự báo, vào năm 2100, đất nước Hàn Quốc có khoảng 20 triệu dân (mất hơn 61% dân số so với năm 2020).
Tương tự, có 38/40 nước có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỉ suất sinh dưới 2.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổng tỉ suất sinh thấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao, theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, là vì lãnh đạo các nước, các chủ doanh nghiệp không coi việc tái tạo con người, tái tạo gia đình là điều kiện tiên quyết và là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển bền vững, để dân tộc trường tồn. “Một xã hội coi kết hôn và sinh con chỉ là việc riêng, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội đó sẽ tự tiêu vong” - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân nói.
|
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM |
|
Tổng biên tập Báo Phụ Nữ - Lý Việt Trung (trái) và Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ - Phạm Thị Vân Anh |
|
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương |
|
Các đại biểu tham dự hội thảo (từ trái sang): Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM; Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - Giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM; luật sư Đỗ Ngọc Thanh - Đoàn Luật sư TPHCM |
Hậu quả của việc giảm tổng tỉ suất sinh là lao động giảm, dân số giảm, quỹ hưu trí vỡ. Nhận thức rõ hệ lụy của việc dân số ngày càng giảm, các quốc gia trên đã nỗ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con, tốn hàng chục tỉ USD mỗi năm ở nhiều quốc gia, với mục đích phục hồi tổng tỉ suất sinh trở lại mức cao hơn (1,6 ở Hàn Quốc hoặc 1,8 ở Nhật Bản), hoặc trở lại tổng tỉ suất sinh thay thế đều không thành công.
"Cần thiết phải thay đổi triết lý quản trị đất nước - không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu mà phải lấy hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc làm mục tiêu cao nhất, tăng trưởng kinh tế là một công cụ quan trọng. Chỉ khi đó, đất nước mới có đủ quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và trí tuệ để thay đổi chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, làm cho kết hôn và sinh con, sinh từ 2 con trở lên trở thành mong ước của mỗi người dân, của các chủ doanh nghiệp, trở thành cương lĩnh hành động của các đảng phái, là một thước đo bắt buộc của thành công với mỗi chính phủ". Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân |
Nguyên nhân là do các nước bắt đầu chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con quá muộn. Nhật Bản từ năm 1999 đã đưa ra cảnh báo về hậu quả tỉ suất sinh giảm (dân số năm 3000 chỉ còn 500 người) nhưng đến 25 năm sau, mặc dù đã chi 20 tỉ USD/năm từ 2018 đến 2020, nhưng năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố: khủng hoảng lớn nhất hiện nay của đất nước là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ giải quyết được.
Ngoài ra, khả năng hỗ trợ tài chính của chính phủ để các gia đình có thể nuôi và cho 2 con đi học đến 18 tuổi là rất hạn chế, nếu các chủ doanh nghiệp không vào cuộc sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề.
“Việc này hoàn toàn không thể có tác dụng tăng số trẻ được sinh ra. Để các cặp vợ chồng có đủ thu nhập để nuôi 2 con và cho con đi học đến 18 tuổi, thì không thể chỉ dựa vào vai trò của chính phủ tài trợ cho mỗi trẻ một ngày, mà phải tăng lương cho người lao động. Nhưng các chủ doanh nghiệp không thấy có trách nhiệm tăng lương cho người lao động để các gia đình có đủ thu nhập để sinh và nuôi dạy được 2 con trong khi chính các đứa trẻ này là lao động tương lai cho các chủ doanh nghiệp. Họ không tăng lương cho người lao động để đáp ứng yêu cầu này” - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
|
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân trình bày tham luận tại hội thảo |
|
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM |
|
Tiến sĩ Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM |
|
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ |
|
Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ |
TPHCM có các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ngại sinh nhất nước
Ở lăng kính cận hơn, TPHCM được xem là nơi “đất lành chim đậu”, một thành phố phát triển nhất nước, nhưng cũng là thành phố có các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ngại sinh nhất nước với 1,32 con trong năm 2023. Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho rằng, TPHCM có quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái… Áp lực đó đã khiến cho xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.
“Các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế phải hướng đến sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, thời gian chăm sóc trẻ, chế độ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ. Làm thế nào để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến” Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM |
Bên cạnh áp lực cuộc sống, hạ tầng, dịch vụ (về y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường, ... ), còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được mong đợi của các cặp vợ trong việc chăm sóc con cái. Ngoài ra, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, sự thay đổi về quan điểm sống của giới trẻ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Lo ngại trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tốc đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ông Phạm Chánh Trung cho rằng, bên cạnh giải pháp truyền thông, hỗ trợ chi phí y tế để nâng cao mức sinh, TPHCM cũng cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội để có thể thu hút được lực lượng lao động nhập cư và tạo điều kiện cho họ có thể phát triển tốt nhất với sự đóng góp của mình.
|
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM |
Cụ thể, để tăng mức sinh, người dân phải có được sự an tâm rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất. Muốn như vậy, sự đầu tư không chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho việc sinh con mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt, bao gồm tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt, chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng như đời sống tinh thần khỏe mạnh và môi trường trong lành.
Cần tháo gỡ rào cản về pháp lý để việc khuyến sinh trở nên toàn diện hơn
|
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc - Phó chánh Văn phòng Thanh tra TPHCM |
Góp ý kiến đến hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc - Phó chánh Văn phòng Thanh tra TPHCM đề xuất cần có một số tháo gỡ rào cản về pháp lý để việc khuyến sinh trở nên toàn diện hơn.
Bà cho rằng giải pháp này sẽ tác động trực tiếp đến đối tượng cán bộ, công chức là đảng viên - những chủ thể có trình độ nhất định, có nhận thức đúng đắn về quá trình xây dựng và phát triển TPHCM nói riêng, cả nước nói chung và cũng là những chủ thể có điều kiện kinh tế ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào phát sinh đột xuất từ cuộc sống.
Theo thạc sĩ Kiên Trúc, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, rất cần thiết phải có sự điều chỉnh, thay thế, thậm chí bỏ các quy định gây tác động tiêu cực đến quá trình thực hiện quy định pháp luật về dân số đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên - một trong những lực lượng đưa pháp luật vào cuộc sống.
|
Bác sĩ Lê Khắc Tiến - Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận |
Đề xuất bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các xét nghiệm, khám, đánh giá khả năng sinh sản...
Một trong những vấn đề quan trọng, cốt lõi trong bức tranh tỉ suất sinh giảm còn là sức khỏe sinh sản. Bác sĩ Lê Khắc Tiến - Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận - chỉ ra, sức khỏe sinh sản của nam và nữ đều ảnh hưởng bởi độ tuổi. Đối với các trường hợp trì hoãn có con, khả năng biến chứng cho thai phụ và thai nhi sẽ cao hơn và nặng nề hơn nữa và chất lượng thế hệ sau sẽ giảm. Do đó, bác sĩ Lê Khắc Tiến cho rằng nên tăng cường chất lượng hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho các cặp đôi trước khi lập gia đình, khi dự định có con, và các biện pháp dự phòng hiếm muộn hay vô sinh.
Bên cạnh đó, cần thay đổi chính sách bảo hiểm y tế để vừa khuyến sinh, vừa giúp cải thiện chất lượng dân số sau này. Ông đề xuất bảo hiểm y tế phải hỗ trợ cho các xét nghiệm, khám, đánh giá khả năng sinh sản và một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán nguyên nhân gây hiếm muộn. Song song đó, cần tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản trong nhà trường; tăng cường truyền thông về chính sách dân số hiện tại.
Ngành y tế không khuyến cáo các bạn trẻ rủ nhau đi trữ trứng
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, xu hướng ngại sinh khiến việc trữ trứng trở thành trào lưu, hiện tượng khi ngày nay giới trẻ rủ nhau đi trữ trứng. Theo bà, thế giới vẫn chưa có khuyến cáo trữ trứng, tuy nhiên, quá trình trữ trứng phải sử dụng thuốc kích thích rụng trứng, chắc chắn cũng có những tác dụng phụ, tiềm ẩn nguy cơ, do đó, ngành y tế không khuyến cáo các bạn trẻ rủ nhau đi trữ trứng.
Bên cạnh đó, phụ nữ trên 35 tuổi mang thai và sinh con ở tuổi 35 sẽ có nhiều nguy cơ như sanh non, nguy cơ về bệnh lý cũng như việc chăm sóc tiền sản. “Việc trữ trứng có thể thực hiện nhưng nên thực hiện trước tuổi 35. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện thì sinh càng sớm càng tốt và sinh tự nhiên càng tốt. Việc giáo dục, huấn luyện, đào tạo tư tưởng cho các cặp gia đình rất cần thiết” - tiến sĩ Phan Thị Hằng nói.
Bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, thống kê, người lao động làm việc rất nhiều ở các khu vực chế tạo, sản xuất. Thời gian lao động gia tăng và thu nhập từ 5,8-9,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhưng phụ nữ không còn thời gian chăm sóc bản thân và chăm lo cho gia đình. Để cải thiện vấn đề này, cần sự quan tâm của từng doanh nghiệp. Về giải pháp, sở hướng đến việc tạo sinh kế, cơ hội việc làm linh hoạt bằng các mô hình làm việc từ xa để người lao động yên tâm hơn trong công việc. Ngoài ra, đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động sau nghỉ thai sản đồng thời, phát triển các ngành nghề phù hợp với lao động nữ.
Người mẹ nên được nghỉ thai sản 9 tháng
Đã từng có rất nhiều ý kiến đề xuất cần có một cơ chế đặc thù về cơ sở trông trẻ mầm non và TPHCM hiện nay đã có nhiều trường mầm non nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi để hỗ trợ người mẹ trở lại công việc sau thai sản. Tuy nhiên, cô Lê Ái Sơn Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiên thần Nhỏ - cho biết, hiện nay, quy định 1 giáo viên phụ trách 3 trẻ và quy định đó sẽ cần rất nhiều giáo viên nhóm lớp. Đứng ở vị trí của một người mẹ, lãnh đạo nhà trường, bà đề xuất cho người mẹ được nghỉ thai sản 9 tháng bởi người mẹ là người chăm sóc con tốt nhất, và tốt hơn giáo viên mầm non.
Bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM – thông tin, xã hội phát triển, người đến TPHCM ngày càng đông, nhưng may mắn là hiện nay, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập rất lớn. Các nhóm lớp độc lập hiện lên đến con số 2.000 và ngày càng chỉnh chu hơn đã phần nào giảm bớt áp lực cho ngành giáo dục thành phố.
Việc giữ trẻ 6 tháng tuổi là 1 nội dung quan trọng và hầu như các quận huyện đều nỗ lực thực hiện nhóm lớp này. Tuy nhiên, đây là nhóm lớp có chi phí đầu tư lớn nhất trong các nhóm lớp trường mầm non hiện nay
Ở góc độ Hội LHPN TPHCM, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức các lớp tiền hôn nhân. Sau thời gian triển khai, các lớp học này đã lan tỏa rất nhiều tỉnh thành.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đẩy mạnh các lớp học về sức khỏe, học làm cha mẹ để hỗ trợ các gia đình trẻ nâng mức sinh, đồng thời, xây dựng gia đình hạnh phúc hơn. Hơn 30 năm qua, Hội vẫn duy trì các mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, và tiếp tục vận động các cặp vợ chồng tham gia câu lạc bộ này” - bà Phương Hoa nói.
Bà Lý Việt Trung – Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM – cảm ơn các đại biểu, chuyên gia đã quan tâm, tham gia và đóng góp nhiều kiến nghị, đề xuất giá trị đến với hội thảo. Bà khẳng định không dừng lại ở hội thảo, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ tiếp tục nối dài câu chuyện này và rất mong tiếp tục nhận được những bài viết, ý kiến của các chuyên gia để tìm thêm giải pháp cho câu chuyện khuyến sinh.
TPHCM cần ban hành Nghị quyết khen thưởng với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số Tiến sĩ Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM - thông tin, thời gian qua, HĐND TPHCM đã ban hành nhiều nghị quyết để động viên, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác dân số để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. | Tiến sĩ Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM |
Với mục tiêu nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nhằm động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách Dân số trên địa bàn Thành phố, HĐND TPHCM thấy cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, HĐND TP đang xây dựng chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân giải quyết tình trạng mức sinh thấp, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chính sách tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh cũng như chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi |
Theo thống kê, tỉ suất sinh tại TPHCM hiện chỉ ở mức 1,42 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Không chỉ riêng TPHCM, xu hướng trì hoãn sinh con ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, dẫn đến tỉ lệ sinh thấp đáng báo động. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, nói riêng và Việt Nam, nói chung trong tương lai, khi đất nước đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số. | Hội thảo là cơ hội để trao đổi, phân tích thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tỉ suất sinh ở Việt Nam giảm, từ đó đề xuất những giải pháp để cải thiện tình trạng này |
Do đó, hội thảo “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và đại diện những người đang trong độ tuổi sinh sản cùng nhau ngồi lại trao đổi, phân tích thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tỉ suất sinh ở Việt Nam giảm, đặc biệt là ở các thành phố lớn, từ đó đề xuất những giải pháp để cải thiện tình trạng này. |
Báo Phụ nữ TPHCM