Giải pháp nào cho thời trang xanh?

25/03/2022 - 07:37

PNO - Càng ngày, xu hướng người tiêu dùng tìm về với thời trang bền vững càng tăng.

 

Ngoài việc chủ động chọn chất liệu thân thiện với môi trường, kiểu dáng không lỗi thời, nhu cầu “hô biến” quần áo cũ thành mới cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng sáng tạo, tự biến đồ cũ thành mới và tái sử dụng. Khi đó, bạn sẽ cần gì?

“Núi” rác quần áo ở sa mạc Atacama
“Núi” rác quần áo ở sa mạc Atacama

Nếu chủ nhân của tủ quần áo cũ có chút am hiểu thời trang, biết cắt may và đủ nguyên phụ liệu, quá trình “hô biến” này khá đơn giản. Còn nếu bạn chưa tự tin vào khả năng may vá, cũng không có thời gian sáng tạo nhưng vẫn muốn… sống xanh, hãy để công nghệ lên tiếng.

Hiện có nhiều dịch vụ kết nối người tiêu dùng và các thợ may, đơn vị sửa quần áo. Thông qua ứng dụng, khách hàng có thể đưa ra yêu cầu và sau vài ngày, sản phẩm hoàn thiện sẽ được gửi trở lại.

Thông điệp từ thời trang bền vững

Rác thải từ thời trang đang là một trong những gánh nặng lớn đối với môi trường. Từ nhiều năm qua, sa mạc Atacama (nằm ở phía bắc của Chile, một phần nhỏ ở Nam Peru) luôn trong tình trạng báo động khi trở thành nơi tập kết rác thải từ thời trang nhanh với gần 40.000 tấn mỗi năm.

Để hạn chế nguồn rác thải khổng lồ này, không chỉ các đơn vị sản xuất phải thay đổi dần cách thức thực hiện - bán hàng mà khách hàng cũng phải thay đổi dần thói quen mua sắm, sử dụng quần áo nhằm tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.  

Trong nhiều giải pháp hạn chế rác thải từ thời trang, tái chế là một trong những cách được nhiều người sử dụng. Nắm bắt nhu cầu từ thị trường, một số ứng dụng công nghệ đã nhanh nhạy làm cầu nối nhằm giúp người tiêu dùng tìm đến các thợ may lành nghề, đưa ý tưởng và chờ đợi thành phẩm.

Sojo - một ứng dụng dành cho thiết bị di động có trụ sở tại London, Anh - đang làm tốt vai trò kết nối này. Khách hàng có thể đặt may riêng hoặc yêu cầu sửa chữa theo ý muốn. Sau ba đến năm ngày hoặc tùy vào độ cầu kỳ, đơn hàng sẽ được hoàn thiện.  

Josephine Philips, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Sojo, cho biết với việc kết nối dễ dàng, thuận tiện người tiêu dùng với thợ may, về lâu dài, ứng dụng có thể thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng theo hướng tích cực: cẩn trọng và cân nhắc hơn.

Josephine Philips và niềm cảm hứng tái sử dụng quần áo cũ
Josephine Philips và niềm cảm hứng tái sử dụng quần áo cũ

“Chúng tôi yêu thích việc kéo dài tuổi thọ quần áo bạn đang sở hữu bằng cách sửa chữa hoặc thay đổi chúng. Nếu tận dụng quần áo cũ, bạn đang góp phần làm giảm lượng khí thải carbon và tiết kiệm nước. Chúng tôi hy vọng ứng dụng có thể giúp các thương hiệu duy trì thời gian tồn tại, nghĩa là có thể làm giảm lợi nhuận nhưng tăng cam kết bền vững của đơn vị với môi trường” - Josephine Philips nói.

Không chỉ phát triển độc lập, ứng dụng Sojo đang kết nối với dịch vụ giặt ủi Oxwash và nhà bán lẻ quần áo theo phong cách cổ điển Beyond Retro để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, nếu người tiêu dùng có nhu cầu nhượng lại đồ cũ còn sử dụng được, có thể liên hệ qua ứng dụng. Hiện Sojo chỉ đang hoạt động ở London, sắp tới sẽ mở rộng ra toàn nước Anh.

Đôi bên cùng có lợi

Trong ba năm trở lại đây, hướng đi của GINLEE Studio - thương hiệu thời trang của cặp vợ chồng Gin Lee và Tamir Niv tại Singapore - được chú ý vì mang thông điệp riêng, phù hợp lối sống xanh.

Thương hiệu này đưa ra các sáng kiến khác nhau để người tiêu dùng chọn lựa. Dựa trên những mẫu mã được lên ý tưởng sẵn từ nhà thiết kế, khách hàng có thể đặt may theo màu vải yêu thích và kích cỡ mong muốn. GINLEE Studio chỉ thực hiện theo đơn đặt sẵn, tránh trình trạng sản xuất theo lô để giảm tải lượng sản phẩm tồn kho.

Điều duy nhất thương hiệu này yêu cầu ở người tiêu dùng là phải đặt cọc trước, tránh tình trạng hủy đơn và phải chấp nhận chờ đợi đội ngũ thợ may thực hiện vì hàng không có sẵn. 

 GINLEE Studio bắt đầu triển khai dịch vụ cho khách đặt hàng sản phẩm khi dịch COVID-19 có những tác động lớn đến hoạt động của ngành thời trang. Khi đó, người tiêu dùng giảm nhu cầu mua sắm, thắt chặt hầu bao nên việc kinh doanh thời trang theo hình thức thông thường gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, không chỉ vì COVID-19, trong nhiều năm qua, thương hiệu này vẫn luôn tìm kiếm giải pháp hạn chế tối thiểu lượng rác thải thời trang. Đến nay, đơn vị mới tạm hài lòng với hướng đi hiện tại.

GINLEE Studio là một trong số các thương hiệu đang nỗ lực cùng cộng đồng sống thân thiện với môi trường và chuyển hướng kinh doanh hợp với thời cuộc. Ngoài việc đặt hàng trước như GINLEE, một giải pháp khác với tên gọi “thời trang chia sẻ” cũng đang khá thịnh hành tại một số quốc gia. Có thể hiểu, thay vì bỏ ra một số tiền lớn để mua một chiếc đầm lộng lẫy chỉ để xuất hiện thật hào nhoáng trong một buổi tiệc hoặc sự kiện, bạn có thể thuê món đồ đó với giá rất hời. Sau thời gian thuê theo quy định, bạn sẽ mang trả lại shop.

GINLEE Studio với một mẫu quần áo đặt trước
GINLEE Studio với một mẫu quần áo đặt trước

Theo trang Guardian, từ lâu, cho thuê quần áo là một trong những giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng bền vững của thời trang tốt hơn gấp nhiều lần so với việc vứt bỏ quần áo cũ. Từ vài năm trở lại đây, Rent the Runway vẫn luôn là công ty hàng đầu cung cấp dịch vụ cho thuê quần áo, phụ kiện. Đơn vị này nhận được nhiều phản hồi tốt vì đa dạng mặt hàng, có cả sản phẩm mà nhiều người nổi tiếng từng mặc, được mua để cho thuê lại. Ngoài ra, không ít người nổi tiếng cũng từng thuê đồ tại Rent the Runway. 

Công ty Phân tích dữ liệu GlobalData cho biết, dự kiến vào năm 2029, lĩnh vực cho thuê/mua bán quần áo cũ sẽ đạt tổng giá trị 2,3 tỷ bảng Anh. Với con số này, cho thuê/mua bán quần áo cũ được xem là giải pháp khả thi góp phần hạn chế gánh nặng cho môi trường.

Một khách hàng đang chọn quần áo tại Rent the Runway. Các khách hàng có thể đến chọn trực tiếp hoặc mua/thuê qua kênh online
Một khách hàng đang chọn quần áo tại Rent the Runway. Các khách hàng có thể đến chọn trực tiếp hoặc mua/thuê qua kênh online

Tuy nhiên, theo Dana Thomas - tác giả cuốn Fashionopolis: The Price of Fast Fashion and the Future of Clothing - việc cho thuê hay mua đồ cũ cũng cần được tính toán kỹ bởi mọi chuyện thật đơn giản nếu khách hàng chỉ nghĩ đến việc thuê quần áo vào các dịp quan trọng, không có nhu cầu sở hữu. Ngược lại, nếu khách hàng thuộc kiểu “thấy giá đồ cũ khá rẻ, sở hữu món này cũng không quá tốn kém” thì việc mua sắm này cũng không giúp ích gì cho môi trường. 

Trở lại với Josephine Philips, người khai sinh ứng dụng Soju, bà nói nền giáo dục ảnh hưởng lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nếu khách hàng không hiểu được mục đích mua sắm, không hiểu thời trang nhanh đang ảnh hưởng thế nào đến môi trường thì khó có thể khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường ngay từ nhu cầu mua sắm. Do đó, các thương hiệu thời trang quan tâm đến môi trường chỉ mong kết nối được nhiều người, tác động dần dần để hình thành thói quen tái sử dụng cho cộng đồng. 

Những cửa hàng cho thuê quần áo cũ đang khá thịnh
Những cửa hàng cho thuê quần áo cũ đang khá thịnh

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI