Họ mong chờ điều gì, chỉ họ mới trả lời được câu hỏi này. Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến của các luật sư, chuyên gia và cả người trong cuộc, để có thể tìm cho mình, cho bạn bè, người nhà... một giải pháp.
|
Ảnh mang tính minh họa |
T.K.T. (thực hiện)
Tôi nhận thấy qua các ca từng tư vấn, phụ nữ muốn níu kéo vì họ hy vọng chồng sẽ thay đổi. Có những ca chồng tệ bạc, bị đánh đập te tua nhưng người vợ vẫn không ly hôn vì mong rồi người ấy sẽ thay đổi. Có vài ca ngoại tình, vợ cũng nghĩ anh ấy đi chán sẽ về. Họ sợ hãi cuộc sống sau ly hôn? Đúng, sợ nhất là con cái thiếu cha hoặc mẹ sẽ khổ, sợ không đủ tiền nuôi con, sợ mang tiếng chồng bỏ/bỏ chồng, sợ cô đơn… Họ không lường được những tổn thương, mất mát của việc cứ dùng dằng giữa cửa.
Tổn thương kéo theo tổn thương khi phụ nữ không dám, không chịu bước ra khỏi địa ngục hôn nhân. Khi chồng đã phụ bạc, quyết tâm ly hôn thì sự níu kéo càng làm anh ta thêm tệ bạc, có trường hợp đánh đập nhiều hơn, ngang nhiên ngoại tình để vợ phải đồng ý bỏ cuộc. Hệ lụy lâu dài rất lớn. Tổn thương của mẹ, hoàn cảnh sống của một gia đình trước ngưỡng cửa ly hôn thường rất căng thẳng sẽ gây tổn thương chính những đứa con mà nhiều phụ nữ cứ nghĩ cố giữ gia đình, dù là cái vỏ, sẽ tốt cho con.
Có ca tôi tư vấn, sau này ly hôn chị ấy sống tốt hơn, con chị ấy đã bảo đáng nhẽ ra mẹ phải ly hôn từ lâu rồi, chúng con quá khổ khi chứng kiến bố mẹ đối xử tệ bạc với nhau. Có những ca, người phụ nữ bị bạo hành nhưng cố níu giữ hôn nhân, cuối cùng thân tàn ma dại, rồi chịu hết nổi cũng phải ly hôn. Lúc đó thì ra đi với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không sức khỏe, không còn chút sức lực tinh thần và những đứa con bị tổn thương.
Tôi thật lòng khuyên những người phụ nữ này: hôn nhân chỉ có ý nghĩa với mỗi người trong cuộc, với con cái khi có sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Dù có cãi vã, có xung đột thì sự yêu thương và tôn trọng cũng giúp họ cùng nhau hóa giải và tìm ra cách chung sống ngày càng hòa hợp hơn. Nhưng khi hôn nhân không còn gì nữa, tình nghĩa đã cạn, sự tôn trọng lẫn nhau không có thì duy trì nó là bạn đang sống trong địa ngục, bạn đang bắt con sống chung ở trong địa ngục đấy và bạn sẽ cùng con sống héo tàn mà thôi.
Ly hôn là sự chấm dứt cuộc hôn nhân vô nghĩa, để mở một cánh cửa mới để bạn và con sống một cuộc đời khác. Dù sẽ sướng hay khổ về tiền bạc có thể khó nói, nhưng sự thanh thản về tâm hồn thì tôi đã được nghe rất nhiều chị em dám dứt khoát bước ra từ địa ngục hôn nhân khẳng định điều đó. Họ nói may quá là họ đã dám ly hôn. Thậm chí họ còn tiếc là đã không ly hôn sớm hơn để mình và con không phải chịu đọa đày lâu như vậy. Phụ nữ cần có lòng tin để quyết định lấy sự tự do của chính bản thân.
TS Phạm Thị Thúy - Chuyên gia tham vấn tâm lý
Theo tôi, có nhiều lý do và cũng tùy điều kiện hoàn cảnh, tùy quan điểm sống và tính cách của mỗi người. Tôi thấy, phổ biến nhất của sự nhẫn nhịn, chịu đựng ấy là vì con, vì danh dự, uy tín của bản thân, gia đình và dòng họ, vì lý do kinh tế, vì chuyện chia tài sản...
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp người phụ nữ dùng dằng không chịu ly hôn không hẳn là vì các lý do nêu trên mà do là “thù, ghét” đối phương, nhất là những ông chồng ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng, nên theo họ, nếu chấp nhận ly hôn sớm là tạo điều kiện cho đối phương và “tình địch” công khai đến với nhau, nên họ không đồng ý ly hôn và “hành” nhau, chấp nhận “căng, kéo” tại tòa, thậm chí có trường hợp họ nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ theo hướng kéo dài vụ án hoặc bác đơn ly hôn của đối phương. Với họ như vậy là “hả giận”, như vậy là... thành công!
Dù họ hả dạ đôi chút, nhưng tổn thương, mất mát chắc chắn phải có và càng trầm trọng hơn, và khi người phụ nữ nhận ra hậu quả thì đã muộn. Có nhiều trường hợp do vợ không chịu ly hôn nên chồng cũng vô trách nhiệm, bỏ mặc con cái, không nuôi dưỡng, cấp dưỡng... Hậu quả là con trẻ bị thiệt thòi. Về mặt pháp lý, có thể tòa bác đơn ly hôn của người chồng, nhưng nếu họ kiên quyết xin ly hôn lần thứ hai và sau khi bác đơn vợ chồng vẫn không thể tiếp tục chung sống với nhau được, tình trạng vợ chồng vẫn cứ trầm trọng thì nhiều khả năng tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn.
Do vậy, có thể nói rằng, khi mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, tình cảm không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, thì việc tòa án quyết định cho ly hôn chỉ là thủ tục, thời gian mà thôi, cho nên việc dùng dằng này là hoàn toàn không có lợi với cả hai bên. Bởi lẽ ai cũng cần ổn định cuộc sống riêng sau ly hôn và có thời gian chăm lo, bù đắp cho con trẻ và cũng phải lo kiếm sống, tạo sự nghiệp, tạo cuộc sống mới, tìm hạnh phúc mới...
Mặt khác, khi giải quyết ly hôn, tòa án sẽ giải quyết tuyên xử rõ ràng về người nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, vấn đề chia tài sản... điều này sẽ bảo đảm được quyền lợi về mọi mặt của trẻ và của các bên ly hôn.
Tôi muốn dành cho các chị em phụ nữ một lời khuyên: nếu không thể chung sống với nhau được nữa và đã có bước đệm ly thân, làm đủ mọi cách để hàn gắn, thậm chí “thử” lòng nhau... ngoài ra cũng không còn những vướng bận khác (con cái, tài sản, làm ăn kinh tế, chổ ở...), thì các bên nên hợp tác với nhau để thuận tình ly hôn, nói cách khác là tạo điều kiện để chia tay trong êm đẹp. Không nên có tư tưởng trả thù, hành nhau cho bõ ghét, ăn không được thì đạp đổ. Làm như vậy thì vô tình gieo thêm thù hận, ảnh hưởng đến tương lai của con cái, vốn đã thiệt thòi khi cha mẹ ly hôn.
Trường hợp các chị không đồng ý ly hôn và thực sự còn thương chồng... thì hãy hành động tích cực, tìm nhiều giải pháp để hàn gắn đoàn tụ vợ chồng (dẫu biết là khó), nhưng sẽ dễ thuyết phục tòa án trong việc bác đơn xin ly hôn của người chồng. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người vợ ra tòa nói không đồng ý ly hôn vì còn thương chồng, nhưng không có biện pháp nào cho rõ ràng, khả thi để hàn gắn vợ chồng, nên tòa án vẫn không chấp nhận, đành xử cho ly hôn...
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Phụ nữ thường níu kéo hôn nhân vì nhiều lý do: muốn giữ cha cho con, sợ cảnh tan đàn xẻ nghé, cảnh tranh giành con, cuộc sống của các con sẽ đảo lộn khi hai vợ chồng không ở với nhau cũng là áp lực lớn nhất đối với quyết định ly hôn của phụ nữ. Thế nhưng, họ ít khi nào nhìn thấy tổn những hệ lụy.
- Tâm lý: người phụ nữ không tập trung được vào việc chăm sóc con cái một cách chu toàn.
- Một số phụ nữ trong thời gian chưa chấm dứt được cuộc hôn nhân lại tìm cách giải tỏa áp lực tâm lý bằng những việc bên ngoài xã hội, vùi đầu vào công việc hoặc tìm những thú vui bên bạn bè, khiến thời gian quan tâm đến các con ít đi, hình ảnh người mẹ trong mắt các con bị méo mó, đánh mất dần sự tin tưởng của các con.
- Khi tâm lý chịu áp lực, người mẹ phải suy nghĩ và không thể làm theo như mong muốn (muốn thoát khỏi sự ràng buộc của hôn nhân) nên họ dễ cáu bẳn trước những việc không vừa ý do chồng gây ra. Những xích mích, bất đồng giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng. Tất cả đều đè nén hai vợ chồng khi phải chịu đựng nhau.
Tâm lý các con cũng ảnh hưởng, vì với trẻ nhỏ, chúng sẽ có tâm lý tiêu cực khi chịu đựng những trận khẩu chiến của cha mẹ. Trẻ cũng có thể xuất hiện suy nghĩ cho rằng mâu thuẫn của cha mẹ là do trẻ gây nên. Chưa kể, nhiều cha mẹ khi cãi nhau còn đem con ra làm bình phong, gây nên sự giằng co khiến bé bối rối. Một số phụ nữ hay bế con quay về nhà ngoại hoặc bỏ ra ngoài sinh sống thì bị chồng níu giữ, không cho đi - có khi dẫn đến ẩu đả. Một số khác chịu cảnh: “Con thu dọn đồ đạc đi với mẹ/bố” khiến chúng ngơ ngác không biết quyết định ra sao và lo lắng cuộc sống những ngày tiếp theo không có bố/mẹ như thế nào.
Tôi chỉ muốn khuyên các phụ nữ này một đôi điều: "Giữ cha cho con không phải là lý do thỏa đáng để bạn chịu đựng, bởi có những trường hợp con bạn sẽ chẳng học được gì từ người cha nếu hình ảnh người đó đã méo mó trong mắt con: người cha không thể hiện đúng trách nhiệm của mình, nghiện bia rượu, ngoại tình… Không tồn tại khái niệm đúng hay sai khi bạn chọn ly hôn, chỉ là chính bạn có hài lòng với quyết định của mình hay không".
Nguyễn Hồng Phượng - Trưởng bộ phận truyền thông Lief.com tại Việt Nam